Dự thảo Nghị định sử dụng kinh phí xử phạt vi phạm hành chính trật tự, an toàn giao thông

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tải về
Mục lục
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải dự thảo
Lưu
Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Nghị định

Dự thảo Nghị định quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe
Lĩnh vực: Vi phạm hành chính, Giao thông Loại dự thảo:Nghị định
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Công anTrạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về nguyên tắc bố trí dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí, nội dung chi, mức chi kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe.

 

Tải Nghị định

Tải dự thảo tiếng Việt (.doc)@Du-thao-nd-quan-ly-kinh-phi-xu-phat-vphc-atgt DOC (Bản Word)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Trạng thái: Đã biết
Ghi chú

CHÍNH PHỦ

 

 

Số:       /2024/NĐ-CP

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày      tháng     năm 2024

DỰ THẢO

NGHỊ ĐỊNH

Quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 15 tháng 7 năm 2020;

Căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ ngày 27 tháng 6 năm 2024;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe.

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về nguyên tắc bố trí dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí, nội dung chi, mức chi kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe.

Điều 2. Cơ quan áp dụng

1. Cơ quan được sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ:

a) Ủy ban An toàn giao thông quốc gia;

b) Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

c) Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Ban An toàn giao thông quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương;

d) Các lực lượng khác tham gia bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông thuộc lực lượng Công an nhân dân, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

2. Cơ quan được sử dụng kinh phí thu từ đấu giá biển số xe:

a) Bộ Công an;

b) Các lực lượng khác tham gia bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông thuộc lực lượng Công an nhân dân.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đấu giá biển số xe.

Điều 3. Nguyên tắc bố trí kinh phí, lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe

1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đúng quy định của pháp luật.

2. Lực lượng Công an nhân dân được ngân sách nhà nước bố trí kinh phí để thực hiện hoạt động tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông từ 70% đến 85% khoản thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ và 30% khoản thu từ đấu giá biển số xe.

3. Các cơ quan khác được sử dụng thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ không thuộc khoản 2 Điều này được ngân sách nhà nước bố trí từ 15 đến 30% khoản thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ.

4. Việc lập, phân bổ dự toán kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe trong lực lượng Công an nhân dân thực hiện theo quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với hoạt động thuộc lĩnh vực an ninh.

5. Việc lập, phân bổ dự toán kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ của các cơ quan không thuộc khoản 4 Điều này thực hiện theo quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và pháp luật chuyên ngành có liên quan.

6. Việc quyết toán kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe đối với nội dung chi đặc thù trong lực lượng Công an nhân dân thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.

7. Các cơ quan được sử dụng kinh phí theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 Nghị định này có trách nhiệm lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, về quản lý, sử dụng tài sản công, kế toán và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Chương II

NỘI DUNG CHI VÀ MỨC CHI KINH PHÍ THU TỪ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 4. Nội dung chi

1. Nội dung chi chung

a) Chi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông: Sản xuất, biên tập, phát sóng, phát hành, truyền tải sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, truyền thông, các chương trình phát thanh, truyền hình, xuất bản phẩm và các sản phẩm thông tin khác (tờ rơi, áp-phích, pa-nô, khẩu hiệu, băng hình, video clip), tin nhắn qua điện thoại di động và mạng xã hội, tổ chức các buổi tọa đàm, cuộc thi, bình chọn, triển lãm ảnh, mít tinh và các hình thức, sản phẩm truyền thông khác để tăng cường nội dung thông tin, tuyên truyền về trật tự, an toàn giao thông, phòng ngừa tai nạn giao thông.

Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ truyền thông chịu trách nhiệm lựa chọn hình thức, sản phẩm, nội dung truyền thông và phê duyệt dự toán kinh phí thực hiện công việc trong phạm vi dự toán được giao theo thẩm quyền, bảo đảm đúng chính sách, chế độ, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu, đặt hàng và giao nhiệm vụ;

b) Chi sơ kết, tổng kết, triển khai nhiệm vụ, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;

c) Chi công tác phí, hoạt động kiểm tra, giám sát về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;

d) Chi tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;

đ) Chi tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo quy định của pháp luật hiện hành;

e) Chi mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;

g) Chi xăng dầu và nhiên liệu khác, sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp trang thiết bị, phương tiện, vận hành, quản trị hệ thống, cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;

h) Chi thống kê, phân tích số liệu; xây dựng, duy trì và cập nhật cơ sở dữ liệu phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;

i) Chi khen thưởng cho tập thể, cá nhân đã cung cấp thông tin có giá trị giúp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo quy định của pháp luật;

k) Chi hợp tác quốc tế về trật tự, an toàn giao thông;

l) Chi thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông, gia đình nạn nhân bị chết trong các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, trong dịp Tết Nguyên đán, “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông”;

m) Chi vận hành số điện thoại đường dây nóng về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;

n) Chi khác phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

2. Nội dung chi đặc thù bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giao thông vận tải

a) Chi xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện các chiến lược, đề án quốc gia, các giải pháp phối hợp liên ngành về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, để các Bộ, ngành và địa phương thực hiện.

b) Chi công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương để giải quyết, khắc phục hậu quả các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, các vấn đề đột xuất, phức tạp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên phạm vi cả nước;

c) Chi khắc phục sự cố bảo đảm an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông;

d) Chi nhân rộng các mô hình điểm về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;

đ) Chi xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc xác định và xử lý vị trí nguy hiểm trên đường bộ đang khai thác, bảo đảm không trùng lắp với các nguồn kinh phí khác;

e) Chi thực hiện các nhiệm vụ phối hợp tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phát sinh đột xuất trong năm với các Sở, ngành, cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

g) Chi thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ giao.

3. Nội dung chi đặc thù bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lực lượng Công an nhân dân

a) Chi thực hiện quá trình điều tra giải quyết tai nạn giao thông;

b) Chi bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sỹ tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ban đêm;

c) Chi bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xử lý ùn tắc giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong giờ cao điểm (buổi sáng từ 6h30 đến 8h30, buổi chiều từ 16h30 đến 18h30) tại các thành phố trực thuộc trung ương;

d) Chi vận hành số điện thoại đường dây nóng, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống giám sát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;

đ) Chi mua tin phục vụ công tác xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông;

e) Chi mua sắm phục vụ nhiệm vụ hiện đại hoá lực lượng Cảnh sát giao thông do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định theo tiêu chuẩn, định mức, chế độ hiện hành;

g) Chi xây dựng, cải tạo, sửa chữa, bảo trì, nâng cấp, mở rộng các công trình chỉ huy, trụ sở, nơi làm việc, tạm giữ phương tiện vi phạm của lực lượng Cảnh sát giao thông;

h) Chi thuê tài sản (nhà, phương tiện và các tài sản khác) phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;

i) Chi văn phòng phẩm, vật tư văn phòng; chi thông tin liên lạc; chi in ấn biểu mẫu, điện duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; chi cước phí bưu chính;

k) Chi khảo sát, đánh giá, lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng chế độ, chính sách về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tổ chức nghiên cứu, thực hiện đề tài khoa học, tiến hành hoạt động thử nghiệm, phát triển sản phẩm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;

l) Chi khác phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.

4. Nội dung chi đặc thù bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của địa phương

a) Chi xây dựng kế hoạch và biện pháp phối hợp các ban, ngành và chính quyền các cấp (bao gồm cả cấp xã) trong việc thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông;

b) Chi thực hiện các nhiệm vụ đặc thù của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 3, Điều này;

c) Chi xây dựng các chương trình, đề án về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhân rộng các mô hình điểm về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;

d) Chi công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc phối hợp hoạt động của các ngành, các tổ chức và các đoàn thể trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn, công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hạn chế hậu quả do tai nạn giao thông gây ra;

đ) Chi khắc phục sự cố bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông;

e) Trường hợp địa phương thành lập Ban an toàn giao thông tại quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Nội dung chi bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định, bảo đảm phù hợp trên cơ sở nội dung quy định tại Nghị định này;

g) Chi thực hiện các nhiệm vụ khác phục vụ trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định.

Điều 5. Mức chi

1. Mức chi cho một số nội dung quy định tại Điều 4 Nghị định này thực hiện như sau:

a) Chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm triển khai thực hiện nhiệm vụ, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông: Không quá 1.000.000 đồng/01 tham luận phục vụ hội nghị, hội thảo, tọa đàm; tiền thuê hội trường không quá 200.000.000 đồng/01 cuộc; chi đại biểu tham dự họp (chủ trì: 500.000 đồng/người; thành viên tham dự: 200.000 đồng/người); 

b) Chi tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về trật tự, an toàn giao thông: Chi hỗ trợ tham dự tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng 200.000 đồng/01 học viên/01 ngày; 500.000 đồng/01 giảng viên/01 ngày;

c) Chi thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân, gia đình nạn nhân tai nạn giao thông:

Trong các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng: Chi hỗ trợ không quá 10.000.000 đồng/người bị tử vong; không quá 5.000.000 đồng/người bị thương nặng;

Trong dịp Tết Nguyên đán, “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông”: Chi thăm hỏi không quá 5.000.000 đồng/người đối với nạn nhân bị thương nặng, gia đình nạn nhân bị chết do tai nạn giao thông có hoàn cảnh khó khăn;

d) Mức chi bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sỹ tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ban đêm tối đa 200.000 đồng/người/ca (01 ca từ đủ 04 giờ trở lên, thời gian làm đêm từ 22h00 đêm hôm trước đến 6h00 sáng hôm sau), tối đa không quá 10 ca/tháng;

đ) Mức chi bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mức chi 100.000 đồng/ca/người, tối đa không quá 15 ca/tháng; tại thành phố Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng mức chi 100.000 đồng/ca/người, tối đa không quá 10 ca/tháng; tại thành phố Cần Thơ mức chi 100.000 đồng/ca/người, tối đa không quá 05 ca/tháng;

e) Mức chi mua tin của mỗi vụ việc bằng 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân nhưng không quá 5.000.000 đồng;

g) Mức chi lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Không quá 2.000.000.000 đồng/01 luật, pháp lệnh, nghị quyết; không quá 500.000.000 đồng/01 nghị định.

h) Mức chi khảo sát, đánh giá chính sách về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông: Không quá 200.000.000 đồng/01 nhiệm vụ;

i) Mức chi thống kê, số hóa dữ liệu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông: 5.000 đồng/01 trang A4;

k) Mức chi hỗ trợ cho người thực hiện kiểm tra công tác xử lý vi phạm hành chính, tuần tra kiểm soát trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông: 300.000 đồng/người/01 ngày;

l) Mức chi cho tập thể, cá nhân đã cung cấp thông tin có giá trị giúp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông: Không quá 5.000.000 đồng/01 vụ việc.

m) Mức chi khác cho công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo quy định của pháp luật.

2. Đối với nội dung chi mà chưa có quy định về mức chi, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Công an, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định áp dụng mức chi của các nhiệm vụ, nội dung chi có tính chất tương tự đã được cấp có thẩm quyền quy định, có hóa đơn, chứng từ hợp pháp, trong phạm vi dự toán được giao và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Chương III
NỘI DUNG CHI VÀ MỨC CHI KINH PHÍ THU TỪ ĐẤU GIÁ BIỂN SỐ XE

Điều 6. Nội dung chi

1. Các nội dung chi quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 4 Nghị định này.  

2. Chi thuê phương tiện phục vụ công tác nghiệp vụ đấu tranh phòng chống tội phạm.

3. Chi tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ phục vụ công tác đấu giá biển số xe và nâng cao trình độ cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện công tác đăng ký quản lý phương tiện và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông.

4. Chi phí xác minh các trường hợp nghi vấn thông đồng dìm giá, vi phạm quy định đấu giá.

5. Chi phí dịch vụ giải đáp thắc mắc, kiến nghị đối với hoạt động đấu giá biển số xe.

6. Chi phí truyền thông hoạt động đấu giá biển số xe.

7. Chi phí gửi tin nhắn và hóa đơn cho người tham gia đấu giá.

8. Chi phí khác phục vụ công tác quản lý hoạt động đấu giá biển số xe.

Điều 7. Mức chi

Mức chi cho các nội dung quy định tại Điều 6 Nghị định này thực hiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.

Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:
Ban Bí thư Trung ương Đảng;
Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
Văn phòng Tổng Bí thư;
Văn phòng Chủ tịch nước;
Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
Văn phòng Quốc hội;
Tòa án nhân dân tối cao;
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
Kiểm toán Nhà nước;
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
Ngân hàng Chính sách xã hội;
Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (3b).

TM. CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG

 

 

 

 

 

 

Phạm Minh Chính

Ghi chú

văn bản tiếng việt

download Nghị định DOC (Word)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

văn bản TIẾNG ANH

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
×
×
×
Vui lòng đợi