Công văn 5681/TM-QLTT của Bộ Thương mại về việc xử lý hàng giả
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Công văn 5681/TM-QLTT
Cơ quan ban hành: | Bộ Thương mại |
Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 5681/TM-QLTT |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Công văn |
Người ký: | Phan Thế Ruệ |
Ngày ban hành: | 05/12/2003 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Vi phạm hành chính, Thương mại-Quảng cáo |
tải Công văn 5681/TM-QLTT
CÔNG VĂN
CỦA BỘ THƯƠNG MẠI SỐ 5681/TM-QLTT
NGÀY 05 THÁNG 12 NĂM 2003 VỀ VIỆC XỬ LÝ HÀNG GIẢ
Kính gửi: Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương
Trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam đang từng bước hội nhập nền kinh tế khu vực và quốc tế, đang có không ít vấn đề đặt ra đối với các Bộ, ngành cần quan tâm, xử lý. Một vấn đề được coi là bức xúc nhất trong tình hình hiện nay đó là tình trạng sản xuất, lưu thông hàng giả. Một mặt việc sản xuất, buôn bán hàng giả ảnh hưởng xấu đến phát triển sản xuất trong nước, đến môi trường đầu tư cũng như quyền lợi hợp pháp của các nhà sản xuất, kinh doanh, thiệt hại đến lợi ích của người tiêu dùng, mặt khác việc kiểm tra, xử lý không đúng sẽ gây nên tình trạng ách tắc sản xuất và có tác dụng ngược lại. Để công tác đấu tranh chống hàng giả trong thời gian tới được thực hiện có hiệu quả hơn, Bộ Thương mại lưu ý lực lượng Quản lý thị trường một số điểm như sau:
I. VỀ CƠ SỞ PHÁP LÝ
a. Trong kiểm tra và xử phạt hành chính cần bám sát các quy định tại các Nghị định của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực, đặc biệt lưu ý: Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, Sở hữu công nghiệp, Y tế, Văn hoá, Thuế, Hải quan và các Quyết định, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành trong từng lĩnh vực xử lý vi phạm.
b. Các quy định của pháp luật hiện hành: Bám sát các Điều 759, 796, 801, 803, 804 và 805 của Bộ luật dân sự năm 1996 và các điều khoản có liên quan trong Bộ luật hình sự năm 1999 (các Điều: 156, 157, 158 và 171) để kịp thời phối hợp hoặc chuyển giao cho các cơ quan có chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
II. KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
1. Đối với hàng giả về chất lượng, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng (kể cả sản xuất trong nước hay có nguồn gốc từ nước ngoài):
- Đây là các loại hàng hoá có tác hại lớn đến sinh hoạt và cuộc sống của mọi người, những hành vi vi phạm này có tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người, động thực vật. Đối với các loại hàng thuộc danh mục quy định tại điểm 2 Điều 3 Quyết định số 252/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hàng hoá qua biên giới với các nước có chung biên giới, đặc biệt là các loại thực phẩm có ngâm tẩm hoá chất không được phép sử dụng được nhập lậu, khi phát hiện:
+ Các Chi cục, các Đội quản lý thị trường phải chủ động kiểm tra, xử lý hoặc cùng các lực lượng chức năng có liên quan áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn để không gây hậu quả đáng tiếc xảy ra.
+ Áp dụng các chế tài nghiêm khắc nhất để xử phạt. Nếu có dấu hiệu hình sự, chuyển hồ sơ, tang vật sang các cơ quan có chức năng để kịp thời xử lý theo pháp luật hình sự.
- Đối với các loại hàng hoá nói trên kể cả hàng nhập khẩu có khai báo Hải quan hoặc hàng đã lọt qua sự kiểm soát của các lực lượng tại các cửa khẩu biên giới đường bộ, cảng biển, hàng không... đang lưu thông trên thị trường nội địa, các Chi cục QLTT khi tiếp nhận được thông tin cần tập trung lực lượng hoặc phối hợp với các lực lượng chức năng khác truy tìm và phải xử lý nghiêm.
2. Đối với mặt hàng giả vi phạm về sở hữu công nghiệp và bản quyền (ngoài những loại hàng nói ở điểm 1 Mục II trên đây):
2.1. Đối với cơ sở đang sản xuất hàng giả ở trong nước: trong quá trình điều tra, xác minh đã đủ căn cứ xác định là tổ chức, cá nhân đó sản xuất hàng giả, hàng vi phạm sở hữu công nghiệp, vi phạm bản quyền (in, sao chép bất hợp pháp) thì phải tổ chức ngăn chặn ngay. Quá trình điều tra xác minh phải bảo đảm thu thập chứng cứ đầy đủ, chặt chẽ, bí mật và tuân thủ nghiêm các quy định mà pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính đã quy định.
2.2. Đối với loại hàng hoá có dấu hiệu là hàng giả sản xuất từ nước ngoài nhập lậu vào Việt Nam: trong quá trình điều tra, xác minh cần yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải chứng minh được nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp, phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về Quy chế ghi nhãn hàng hoá. Khi xác định được hành vi vi phạm về sở hữu công nghiệp, cần xử lý nghiêm theo các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đối với tổ chức, cá nhân nhập khẩu. Trong quá trình kiểm tra, xử lý nếu cần có sự hợp tác của các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thì báo cáo gấp với Bộ Thương mại để có sự chỉ đạo của Bộ.
2.3. Đối với các loại hàng giả từ nước ngoài nhập vào Việt Nam nhưng đã qua khâu kiểm soát Hải quan: Đối với các loại hàng hoá này, các Chi cục Quản lý thị trường địa phương trực tiếp thống nhất với cơ quan Hải quan địa phương để xử lý cho phù hợp, nếu hàng hoá đó lưu thông không chỉ trong phạm vi một địa phương mà đã xuất hiện trên nhiều tỉnh, thành phố thì các Chi cục QLTT có trách nhiệm thông báo về Bộ Thương mại (Cục Quản lý thị trường) để phối hợp với lực lượng Hải quan trung ương chỉ đạo và có biện pháp xử lý đúng pháp luật thống nhất trong phạm vi cả nước.
2.4. Đối với hàng giả có liên quan đến sở hữu trí tuệ là hàng quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam thì căn cứ vào các điều ước, công ước quốc tế và luật pháp Việt Nam để xử lý. Trong điều kiện mà luật pháp Việt nam có quy định khác thì căn cứ vào điều ước, công ước quốc tế mà Việt Nam ký kết tham gia để giải quyết.
3. Các tài liệu cần thiết trong quá trình xử lý các loại hàng giả nói chung trong đó có hàng vi phạm sở hữu công nghiệp và bản quyền (in, sao chép bất hợp pháp):
Đối với các loại hàng giả có liên quan đến sở hữu trí tuệ nói trên (vi phạm nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiêp, nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý...) đã lưu thông trên thị trường nếu có khiếu kiện của chủ sở hữu, lực lượng Quản lý thị trường cần yêu cầu chủ sở hữu cung cấp:
- Chi tiết về đối tượng sở hữu trí tuệ bị xâm phạm (tên, số văn bằng được bảo hộ, ngày cấp Văn bằng bảo hộ)
- Loại hàng hoá, ký mã hiệu lô hàng, hàng hoá bị nghi ngờ là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
- Tên, địa chỉ cơ sở vi phạm (địa điểm sản xuất, kho chứa hàng, địa bàn tiêu thụ).
- Công văn khuyến cáo hoặc thẩm định của cơ quan sở hữu công nghiệp kèm theo.
- Bản sao văn bằng bảo hộ.
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng Li-xăng (nếu người tố cáo là người được chuyển giao).
- Giấy uỷ quyền hợp pháp cho người đại diện (trường hợp việc tố cáo thực hiện qua tổ chức có chức năng chống hàng giả hoặc các cá nhân được chủ sở hữu văn bằng uỷ quyền hoặc Đại diện sở hữu công nghiệ).
- Bản mô tả chi tiết hàng hoá bị xâm phạm: ảnh chụp hàng hoá bị xâm phạm theo các góc độ để dễ phân biệt.
- Trường hợp hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm còn thiếu căn cứ xác định nguồn gốc thì người tố cáo phải cung cấp thêm các chứng cứ có liên quan khác.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đối với các loại hàng giả về chất lượng, kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng nói ở Mục II điểm 1, khi kiểm tra xử lý nếu cần thiết phải tiêu huỷ ngay, các Chi cục làm văn bản đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để xin cấp kinh phí tiêu huỷ. Trong quá trình tiêu huỷ cần phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.
2. Vấn đề hàng giả nói chung và hàng giả có liên quan đến sở hữu trí tuệ nói riêng là vấn đề rất mới và phức tạp, Bộ đồng ý để Cục Quản lý thị trường và Chi cục QLTT các tỉnh, thành phố mời các chuyên gia, các cán bộ có kinh nghiệm về lĩnh vực này lập "Hội đồng tư vấn" để xem xét, kết luận trước khi ra các quyết định xử lý nhằm bảo đảm độ chính xác về mặt pháp lý.
3. Cục Quản lý thị trường có trách nhiệm hệ thống lại các loại văn bản có liên quan đến lĩnh vực công tác này để hướng dẫn các Chi cục trong quá trình kiểm tra xử lý, làm tham mưu tốt cho các cấp có thẩm quyền khi ra các quyết định kiểm tra, xử lý. Cục và các Chi cục Quản lý thị trường với vai trò thường trực giúp việc Ban chỉ đạo 127-TW cần tổ chức sự phối hợp với các lực lượng chức năng khác để tổ chức kiểm tra, xử lý; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí để tuyên truyền sâu rộng đến mọi người dân về các chủ trương của Nhà nước trong công tác đấu tranh chống hàng giả.
4. Sớm sửa đổi, bổ sung hệ thống thông tin báo cáo về tình hình, kết quả kiểm tra xử lý hàng giả để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình chỉ đạo của Bộ.
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây