Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Thông báo 21/TB-VPCP 2024 kết luận tại Hội nghị toàn quốc Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
- Báo lỗi
- Gửi liên kết tới Email
- In tài liệu
- Chia sẻ:
- Chế độ xem: Sáng | Tối
- Thay đổi cỡ chữ:17
- Chú thích màu chỉ dẫn
thuộc tính Thông báo 21/TB-VPCP
Cơ quan ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 21/TB-VPCP | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông báo | Người ký: | Nguyễn Sỹ Hiệp |
Ngày ban hành: | 18/01/2024 | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Văn hóa-Thể thao-Du lịch |
tải Thông báo 21/TB-VPCP
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ Số: 21/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2024 |
THÔNG BÁO
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam”
Ngày 22 tháng 12 năm 2023, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam” (Hội nghị). Tham dự Hội nghị có đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bộ trưởng các Bộ: Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; đại diện Lãnh đạo, đại diện các Bộ, ngành, cơ quan: Xây dựng, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Tư pháp, Y tế, Giao thông vận tải , Văn phòng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Tổng Giám đốc: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Truyền hình Quốc hội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đại diện Lãnh đạo các hội, hiệp hội, các doanh nghiệp, tổ chức và chuyên gia liên quan đến công nghiệp văn hóa; lãnh đạo Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham dự trực tuyến.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo, ý kiến của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận như sau:
1. Đánh giá cao sự chủ động, tích cực, khẩn trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu để lần đầu tiên tổ chức thành công Hội nghị, thể hiện rõ chủ trương, quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các hội, hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức, chuyên gia đối với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Ghi nhận các ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm, sát thực tế của các đại biểu dự Hội nghị; từ đó nhận diện những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân, thách thức và đề xuất các giải pháp tháo gỡ, phương hướng, nhiệm vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn tới.
2. Văn hóa Việt Nam là kết tinh thành quả hàng nghìn năm văn hiến, lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn hóa trên thế giới để không ngừng hoàn thiện mình và phát triển. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh, con người Việt Nam anh hùng, mến khách, yêu quý bạn bè, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Nói về công nghiệp văn hóa là đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hóa để thu về những nguồn lợi kinh tế.
3. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa, gồm: Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16 tháng 7 năm 1998) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Kết luận số 76/KL/TW ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 nhấn mạnh: “Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa...; phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân...; đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số...; khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh”.
Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, thời gian qua các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng; sự đầu tư nguồn vốn vào các ngành công nghiệp văn hóa đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa có những bước tiến mới, thể hiện qua tỷ lệ đóng góp vào GDP, số lượng cơ sở kinh tế và lực lượng lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu, đào tạo nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, mạng lưới liên kết, kết nối các trung tâm văn hóa, không gian sáng tạo.
4. Tuy nhiên, so với một số ngành khác thì các ngành công nghiệp văn hóa nước ta vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước; vẫn phải đối mặt với những hạn chế, khó khăn, thách thức, điển hình là: (i) Chưa quy định rõ vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm, quyền hạn trong một số lĩnh vực, cơ chế phối hợp thiếu đồng bộ; (ii) Cơ chế, chính sách chưa theo kịp thực tiễn, tổ chức thực hiện ở một số ngành, lĩnh vực chưa hiệu quả; (iii) Nguồn lực đầu tư chưa tương xứng, dàn trải, việc huy động nguồn lực xã hội chưa đạt yêu cầu; (iv) Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng; (v) Nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ còn hạn chế, chưa xác định được sản phẩm, dịch vụ trọng tâm, chủ lực; (vi) Hệ thống theo dõi, thống kê chưa chuẩn hóa, khó đánh giá.
Những thách thức chủ yếu là: (i) Việt Nam đi sau trong lĩnh vực này, do vậy chịu sức cạnh tranh lớn; (ii) Phát triển công nghiệp văn hóa liên quan đến sáng tạo (nhân tố con người), nhưng chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao còn không ít hạn chế; (iii) Đầu tư vào lĩnh vực này thường đòi hỏi nguồn vốn lớn nhưng gặp nhiều rủi ro, thời gian thu hồi vốn dài.
5. Bài học kinh nghiệm đặt ra là quá trình này phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất, phù hợp của Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể liên quan. Phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; con người là trung tâm, là chủ thể, là động lực, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của phát triển văn hóa, công nghiệp văn hóa. Nêu cao tinh thần quyết tâm, vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, đổi mới sáng tạo; bám sát, xuất phát, tôn trọng và lấy thực tiễn làm thước đo.
6. Về bối cảnh tình hình cho thấy: (i) Có sự biến đổi nhanh chóng, phức tạp, khó đoán định; (ii) Sự tác động của toàn cầu hóa, cạnh tranh quốc tế và tính chất quyết liệt, phức tạp trong đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng; (iii) Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa tạo ra những cơ hội, vừa đặt ra những thách thức mới; (iv) Những thách thức của an ninh truyền thống, phi truyền thống diễn biến ngày càng phức tạp, gây hậu quả nặng nề (xung đột, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu...).
7. Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt trong bối cảnh của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra nhiều thách thức, khó khăn mới, phát triển công nghiệp văn hóa phải dựa trên các quan điểm cơ bản sau: Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, bản sắc, thống nhất trong đa dạng và dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; phát triển có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường, xu thế của thời đại; gắn liền với quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đáp ứng được các yếu tố “Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Lành mạnh - Cạnh tranh
- Bền vững” trên nền tảng “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng”; từng bước tạo dựng thương hiệu mang tầm quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; lựa chọn và triển khai một số chính sách có tính chất đột phá; cần “Tư duy sắc bén, hành động sắc sảo, lựa chọn tinh hoa để đột phá phát triển” các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
8. Trong giai đoạn tới, việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phải đồng bộ, quyết liệt, kiên trì, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các chính sách có tính chất đột phá nhằm chuyển hóa tài nguyên văn hóa "tiềm năng" thành các sản phẩm và dịch vụ văn hóa có khả năng cạnh tranh cao:
a) Các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa; chủ động, tập trung, phối hợp chặt chẽ, khuyến khích mọi sự tìm tòi, sáng tạo, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế (như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí v.v…) để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp cao vào GDP.
b) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, tổ chức liên quan và các địa phương trước mắt xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, trong đó tập trung định hướng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và giải pháp thực hiện, bảo đảm sát tình hình, khả thi; giao trách nhiệm, nhiệm vụ đầy đủ, cụ thể, phù hợp cho các bộ, ngành, địa phương, các đề nghị cụ thể đối với các tổ chức, doanh nghiệp, đội ngũ chuyên gia, nhân lực sáng tạo trong nghiên cứu, đề xuất, xây dựng và tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là về cơ chế, chính sách, các nội dung, hoạt động cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, việc tăng cường liên kết, kết nối, hình thành mạng lưới không gian sáng tạo; hồ sơ đầy đủ của dự thảo Chỉ thị nêu trên báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 01 năm 2024.
- Chủ động lựa chọn, xác định việc xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam hoặc xây dựng các đề án, kế hoạch cụ thể phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế của Việt Nam cho giai đoạn tới, khẩn trương trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trong năm 2024.
c) Các Bộ, cơ quan, tổ chức liên quan, các địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc xây dựng, hoàn thiện dự thảo Chỉ thị nêu trên; chủ trì hoặc phối hợp trong nghiên cứu, xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan và xây dựng, triển khai các nội dung, hoạt động cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; lưu ý trách nhiệm của các Bộ trong chủ trì, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cụ thể thuộc phạm vi, chức năng quản lý, việc xây dựng gói tín dụng ưu đãi phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
d) Đề nghị các hội, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, đội ngũ nhân lực sáng tạo tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan, các địa phương trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có việc xây dựng, hoàn thiện dự thảo Chỉ thị nêu trên, việc chú trọng vai trò kết nối, hỗ trợ, chia sẻ, tính năng động, sáng tạo, tâm huyết, nỗ lực, ý thức, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, cơ quan, tổ chức liên quan, các địa phương biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |