Quyết định 07/2021/QĐ-UBND Vũng Tàu Quy định mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh

thuộc tính Quyết định 07/2021/QĐ-UBND

Quyết định 07/2021/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc ban hành Quy định mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh
Cơ quan ban hành: Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Số công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:07/2021/QĐ-UBND
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Quyết định
Người ký:Lê Ngọc Khánh
Ngày ban hành:25/05/2021
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Văn hóa-Thể thao-Du lịch

tải Quyết định 07/2021/QĐ-UBND

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN

TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU

___________________

Số:  07/2021/QĐ-UBND

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

__________________________

  Bà Rịa- Vũng Tàu, ngày  25 tháng 5 năm 2021

 

 

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy định mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh

_______________________________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU

 

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Du lịch ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018; 

Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch;

Căn cứ Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Du lịch tại Tờ trình số 169/TTr-SDL ngày 05  tháng 02 năm 2021 dự thảo Quyết định ban hành Quy định mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh.

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày  07 tháng  6 năm 2021.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh; Giám đốc Sở Du lịch; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:

- Như Điều 3;

- Văn phòng Chính phủ;

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

- Bộ Tư pháp;

- TTr. Tỉnh ủy;

- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;

- TTr. HĐND tỉnh;

- Chủ tịch và các phó CT. UBND tỉnh;

- UBMTTQVN tỉnh và các đoàn thể cấp tỉnh;

- Sở Tư pháp;  

- Đài PTTH tỉnh;

- Báo Bà Rịa - Vũng Tàu;

- Trung tâm Công báo - Tin học tỉnh;

- Lưu: VT, SDL (10).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

(Đã ký)

 

 

 

Lê Ngọc Khánh

 

QUY ĐỊNH

Mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh

(Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2021/QĐ-UBND ngày 25 tháng 5 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)

 

Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với khu du lịch cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

2. Đối tượng áp dụng

a) Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

b) Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cộng đồng dân cư có tham gia các hoạt động du lịch tại các khu du lịch cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

c) Các khu du lịch được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh (sau đây gọi là khu du lịch cấp tỉnh).

Điều 2. Nguyên tắc quản lý khu du lịch cấp tỉnh

1. Các khu du lịch cấp tỉnh phải niêm yết nội quy (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) và có Quy chế hoạt động theo quy định của pháp luật.

2. Hoạt động du lịch tại các khu du lịch cấp tỉnh không được ảnh hưởng môi trường cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái động, thực vật; không được làm ảnh hưởng đến các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và bản sắc văn hóa dân tộc.

3. Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật (khách sạn, nhà hàng, cửa hàng, khu vực cắm trại, vui chơi giải trí, thể thao và các dịch vụ khác phục vụ khách du lịch) và kết cấu hạ tầng trong khu du lịch cấp tỉnh (đường giao thông, bãi đậu xe, bến tàu, thuyền, hệ thống cấp nước, thoát nước-xử lý nước thải, rác thải) phải được xây dựng theo quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời phải đảm bảo các điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.

4. Đảm bảo quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên du lịch một cách hợp lý, bền vững theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đảm bảo mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng.

5. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ tại khu du lịch cấp tỉnh phải đảm bảo thực hiện đúng quy định về kinh doanh dịch vụ du lịch, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn cho du khách tại bãi tắm, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

6. Tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cá nhân tham gia hoạt động du lịch, cộng đồng dân cư các địa phương trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường du lịch, bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị của tài nguyên du lịch, nâng cao chất lượng du lịch, đa dạng sản phẩm du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân khai thác có hiệu quả tiềm năng và thụ hưởng quyền lợi từ hoạt động du lịch.

7. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm phối hợp thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động tại các khu du lịch theo quy định của pháp luật.

 

Chương II. MÔ HÌNH QUẢN LÝ KHU DU LỊCH CẤP TỈNH

 

Điều 3. Quản lý khu du lịch

1. Khu du lịch được định nghĩa tại khoản 6 Điều 3 Luật Du lịch ngày 19 tháng 6 năm 2017.

2. Điều kiện công nhận khu du lịch cấp tỉnh được quy định tại Điều 12 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.

3. Các khu du lịch trên địa bàn Tỉnh được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh phải được quản lý theo quy định của pháp luật. Đối với các khu du lịch do Nhà nước thành lập thì giao cho Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quản lý về ngân sách, biên chế. Đối với khu du lịch được hình thành từ nguồn kinh phí do doanh nghiệp đầu tư thì do doanh nghiệp quản lý.

4. Đơn vị quản lý khu du lịch có trách nhiệm cung cấp dịch vụ, thực hiện nhiệm vụ quản lý các hoạt động du lịch, ban hành quy chế quản lý hoạt động trong khu du lịch cấp tỉnh.

5. Nguồn tài chính phục vụ cho hoạt động quản lý khu du lịch bao gồm khoản thu từ hoạt động dịch vụ tại khu du lịch; khoản tài trợ và đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; các nguồn tài chính hợp pháp khác.

6. Đối với đơn vị quản lý khu du lịch là đơn vị sự nghiệp công lập, việc sử dụng phí tham quan được trích từ khoản thu do các hoạt động dịch vụ tại khu du lịch phải được thực hiện theo các quy định về sử dụng nguồn tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập hiện hành.

7. Sở Du lịch chịu trách nhiệm hướng dẫn, quản lý các khu du lịch theo quy định của Luật Du lịch ngày 19 tháng 6 năm 2017.

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị quản lý khu du lịch cấp tỉnh

1. Công khai quy hoạch phát triển khu du lịch, quản lý việc thực hiện các quy hoạch và đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đầu tư, khai thác, bảo vệ, tôn tạo, phát triển tài nguyên du lịch.

3. Ban hành nội quy, tổ chức kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch.

4. Quy định, quản lý hướng dẫn viên du lịch.

5. Xây dựng hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, điểm cung cấp thông tin phục vụ khách du lịch.

6. Tổ chức cung cấp thông tin, hướng dẫn, giới thiệu cho khách du lịch về các nội quy của khu du lịch cấp tỉnh, điểm tham quan, hệ thống các sản phẩm và dịch vụ du lịch đang được khai thác.

7. Quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trong phạm vi quản lý, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại các khu du lịch báo cáo chính quyền cơ sở và các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

8. Bảo đảm an toàn cho khách du lịch, vệ sinh môi trường du lịch. Thực hiện phòng chống cháy nổ, an ninh, an toàn trong khu du lịch. Đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, xâm hại tài nguyên du lịch.

9. Được thu phí theo quy định của pháp luật.

10. Bảo vệ lợi ích cộng đồng dân cư địa phương, bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư khi tham gia vào các hoạt động du lịch.

11. Tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn liên quan đến lĩnh vực du lịch, văn hóa, thể thao, môi trường, y tế, thương mại cho lực lượng lao động làm việc tại khu du lịch.

12. Tổ chức tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của khách du lịch.

13. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

 

Chương III. QUY ĐỊNH QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG DU LỊCH TẠI KHU DU LỊCH CẤP TỈNH

 

Điều 5. Quy định về công tác quy hoạch, đầu tư phát triển và xây dựng

1. Các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật trong các khu du lịch phải thực hiện theo quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết và đề án phát triển du lịch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, công bố.

2. Các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật trong các khu du lịch chịu sự kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư về nội dung và tiến độ thực hiện dự án theo quyết định phê duyệt của Ủy ban nhân dân Tỉnh.

3. Các dự án đầu tư xây dựng khu du lịch phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch và khai thác sử dụng hiệu quả các tài nguyên du lịch.

4. Các dự án đầu tư xây dựng khu du lịch phải thực hiện đầy đủ các quy định về công tác phòng chống cháy nổ; an toàn giao thông; an ninh, trật tự; cứu hộ, cứu nạn; các điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm đảm bảo an toàn cho khách tham quan du lịch.

Điều 6. Quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, hoạt động của hướng dẫn viên du lịch

1. Kinh doanh dịch vụ du lịch bao gồm: lưu trú du lịch, lữ hành, vận tải khách du lịch và các dịch vụ du lịch khác như dịch vụ ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ liên quan khác phục vụ khách du lịch.

2. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trong các khu du lịch phải có giấy phép kinh doanh, kinh doanh đúng ngành, nghề đã đăng ký được cấp phép kinh doanh và đăng ký thuế, kê khai nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019.

3. Hoạt động kinh doanh các loại hình dịch vụ du lịch trong khu du lịch phải tuân theo quy định này và quy định của pháp luật hiện hành.

4. Hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trong khu du lịch phải chấp hành sự kiểm tra, giám sát về chất lượng dịch vụ (kể cả các cơ sở sản xuất kinh doanh cung cấp nguyên liệu, sản phẩm phục vụ khách tham quan du lịch trong khu du lịch).

5. Hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trong khu du lịch không được sử dụng giấy phép kinh doanh của tổ chức khác hoặc cho người khác sử dụng giấy phép kinh doanh của mình.

6. Mọi hoạt động kinh doanh du lịch tại các khu du lịch phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh dịch vụ du lịch; không được kinh doanh khi không đủ điều kiện kinh doanh, không có giấy phép kinh doanh hoặc không duy trì điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động theo quy định của Luật; phải bán hàng đúng nơi quy định, niêm yết công khai giá dịch vụ và thực hiện bán hàng đúng giá niêm yết; thực hiện đón tiếp, phục vụ khách bằng thái độ thân thiện lịch sự, hòa nhã, không được tranh giành, đeo bám khách, gây mất trật tự an ninh trong khu du lịch để đảm bảo an toàn cho du khách, đồng thời phải thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

7. Nghiêm cấm mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép các chất ma túy, các chất gây nghiện, chất cấm theo quy định pháp luật; nghiêm cấm quảng cáo, mua bán, tàng trữ và tiêu thụ bất hợp pháp động, thực vật hoang dã và các sản phẩm, chế phẩm được làm từ động, thực vật hoang dã; nghiêm cấm việc tổ chức hoạt động mại dâm tại khu du lịch; nghiêm cấm các hoạt động mang tính chất khiêu dâm, kích động bạo lực, trái thuần phong mỹ tục Việt Nam tại khu du lịch.

8. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch trong khu du lịch phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch.

9. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận chuyển khách du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao trong khu du lịch phải đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động; đồng thời, phải thực hiện niêm yết quy định rõ về độ tuổi và những người không được phép tham gia, tổ chức quản lý, bảo vệ tài sản, tính mạng và mua bảo hiểm cho khách du lịch khi tham gia các hoạt động dịch vụ.

10. Các tổ chức kinh doanh dịch vụ lữ hành phải công khai, niêm yết giá tour; có hướng dẫn viên du lịch đủ điều kiện hành nghề theo quy định; phải đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho khách khi tổ chức chương trình tham quan các tuyến du lịch trên địa bàn Tỉnh; cung cấp thông tin cho khách về quy định bảo vệ tài nguyên du lịch, vệ sinh môi trường; không được để khách lợi dụng hoạt động du lịch để xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và thuần phong mỹ tục; phản ánh kịp thời với chính quyền địa phương về các hành vi gây tổn hại đến an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, cảnh quan du lịch trên địa bàn.

11. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, người lao động đang làm việc tại khu du lịch.

12. Hướng dẫn viên du lịch được hành nghề tại khu du lịch khi đáp ứng đủ điều kiện được quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch ngày 19 tháng 6 năm 2017; có trách nhiệm tuân thủ các quy định và hướng dẫn khách du lịch thực hiện các quy định tại khu du lịch; tôn trọng phong tục, tập quán dân tộc của địa phương nơi đến tham quan, du lịch.

Điều 7. Quy định về việc đầu tư, khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch

1. Về tài nguyên đất tại các khu du lịch được thực hiện theo Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018 và tuân thủ những quy định sau:

a) Các tổ chức, cá nhân khi sử dụng đất vào mục đích xây dựng các công trình phát triển du lịch trong các khu du lịch phải tuân theo quy hoạch, đề án phát triển du lịch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Các tổ chức, cá nhân khi sử dụng đất trong các khu du lịch làm dịch vụ du lịch phải sử dụng đất đúng mục đích, đúng diện tích được giao; tuân thủ các quy định về môi trường, tài nguyên đất; không tranh chấp đất.

c) Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê đất để xây dựng các công trình làm dịch vụ trong các khu du lịch phải thực hiện theo quy định hiện hành và xây dựng công trình phù hợp với quy hoạch, đề án phát triển du lịch của tỉnh và huyện, thành phố đã được duyệt.

d) Việc quản lý đầu tư xây dựng, quản lý quy hoạch, sử dụng đất và kinh doanh dịch vụ du lịch phải thực hiện theo quy định của pháp luật và không gây ảnh hưởng đến môi trường, di tích lịch sử-văn hóa, cảnh quan, đời sống văn hóa trong khu vực và cộng đồng dân cư. Các vi phạm phải được xử lý kịp thời và theo quy định của pháp luật. 

2. Về tài nguyên tự nhiên trong các khu du lịch được thực hiện theo các quy định sau:

a) Tài nguyên tự nhiên trong các khu du lịch phải được bảo vệ, tôn tạo, khai thác và sử dụng có hiệu quả để phát triển du lịch. Nghiêm cấm xả các loại chất thải, rác thải gây hủy hoại môi trường tự nhiên và phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường.

b) Mọi tổ chức, cá nhân đều phải có trách nhiệm bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, các danh lam thắng cảnh, hệ sinh thái động thực vật.

c) Việc khai thác tài nguyên nước vào mục đích kinh doanh dịch vụ du lịch phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý tài nguyên nước. Sử dụng tài nguyên nước an toàn, có hiệu quả; đảm bảo sử dụng đa mục tiêu, công bằng, hợp lý, hài hòa lợi ích, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các tổ chức, cá nhân, khuyến khích mô hình tái sử dụng (kinh tế tuần hoàn).

d) Các tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017 và các văn bản hướng dẫn có liên quan; không được tự ý chặt phá rừng, các loại cây xanh. Trường hợp muốn chặt cây vì mục đích cải tạo mặt bằng hoặc lý do chính đáng phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trồng rừng, trồng cây xanh trong các khu du lịch.

3. Các khu du lịch ven biển có cung cấp dịch vụ tắm biển phải đảm bảo thực hiện các quy định như sau:

a) Có hệ thống phao tiêu, cờ chỉ giới, biển báo hiệu vùng hành lang an toàn, màu sắc tương phản với màu nước, dễ quan sát và đảm bảo yêu cầu cảnh báo.

b) Đặt nội quy bãi tắm tại vị trí dễ quan sát, bằng tiếng Việt và tiếng Anh, chữ rõ ràng, không tẩy xóa.

c) Bố trí thùng thu gom rác thải sinh hoạt tại khu vực bãi tắm.

d) Có biện pháp cứu hộ, cứu nạn; lực lượng nhân sự cứu hộ chuyên nghiệp, bố trí trực cứu hộ, cứu nạn theo quy định của pháp luật; thường xuyên khảo sát, bổ sung áo phao cứu hộ, phao phân luồng bãi tắm nhằm đảm bảo an toàn cho du khách.

đ) Có biện pháp chủ động ứng phó với triều cường, nước biển dâng; chủ động bảo đảm về tài sản và trang thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh của đơn vị ở khu vực ven biển; tuyên truyền du khách không tham gia các hoạt động trên bãi biển khi thời tiết xấu xảy ra.

Điều 8. Quy định về bảo đảm an toàn cho khách du lịch

1. Đơn vị quản lý khu du lịch cùng tổ chức, cá nhân kinh doanh trong khu du lịch phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch; có biện pháp phòng, tránh rủi ro và tổ chức bộ phận bảo vệ, cứu hộ, cứu nạn cho khách du lịch.

2. Đơn vị quản lý khu du lịch cùng tổ chức, cá nhân kinh doanh trong khu du lịch có trách nhiệm cảnh báo nguy cơ gây nguy hiểm cho khách du lịch; thông báo, chỉ dẫn kịp thời cho khách du lịch trong trường hợp khẩn cấp; áp dụng biện pháp cần thiết, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cứu hộ, cứu nạn cho khách du lịch.

3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống trong khu du lịch phải tuân thủ đúng quy định về điều kiện chung về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

4. Tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch trong khu du lịch phải bảo đảm quy định tại Điều 8, 9, 10 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.

Điều 9. Quy định về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong khu du lịch

1. Đơn vị quản lý khu du lịch và tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ trong khu du lịch phải chấp hành đầy đủ các quy định về công tác đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy trong khu du lịch và có trách nhiệm như sau:

a) Thực hiện đầy đủ chế độ đăng ký khách du lịch lưu trú quốc tế và nội địa với công an xã, phường, thị trấn.

b) Các phương tiện vận chuyển khách trong các khu du lịch phải được đăng ký và quản lý theo quy định.

c) Tích cực phối hợp với cơ quan công an địa phương nhằm phát hiện và đấu tranh ngăn chặn để xử lý các tệ nạn xã hội, không được mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, các chất gây nghiện; tổ chức, chứa chấp, môi giới mua bán dâm; kinh doanh, phổ biến văn hóa phẩm thuộc loại cấm lưu hành; tuyên truyền hoạt động mê tín dị đoan, truyền đạo trái phép và các hành vi trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường du lịch.

d) Không tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ, các chất dễ cháy, chất độc, chất phóng xạ; không chứa chấp tội phạm đang trốn tránh pháp luật và các hoạt động trái pháp luật khác.

đ) Thực hiện các quy định về an toàn giao thông, không được làm hàng quán có mái che, mái vẩy, nhà cửa và các công trình phụ trợ vi phạm hành lang an toàn giao thông.

e) Các phương tiện của khách đến các khu du lịch đều phải để đúng nơi quy định và được đảm bảo an toàn phương tiện, tài sản cho du khách.

g) Có kế hoạch, phương án và các phương tiện về phòng cháy, chữa cháy theo quy định.

h) Có trách nhiệm phối hợp với đơn vị chức năng địa phương thành lập tổ, đội tự quản về an ninh trật tự; định kỳ tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật cho đội viên, hội viên.

2. Đơn vị quản lý khu du lịch và tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ trong khu du lịch phải trang bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn cho khách tham quan du lịch khi tham gia các dịch vụ.

3. Đơn vị quản lý khu du lịch và tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ trong khu du lịch tuân thủ những quy định của pháp luật về an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng chống các tệ nạn xã hội; đảm bảo hoạt động trong các khu du lịch không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Điều 10. Quy định về bảo vệ môi trường trong khu du lịch

Đơn vị quản lý khu du lịch và tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trong khu du lịch nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch và các quy định của Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014 cùng các quy định như sau:

1. Phải xây dựng và niêm yết Nội quy trong đó có những quy định về bảo vệ môi trường. Tổ chức phương tiện, hệ thống thu gom, xử lý chất thải, khí thải đúng quy định.

2. Thực hiện các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường như: treo băng rôn, pa nô, áp phích, khẩu hiệu mang những thông điệp về bảo vệ môi trường; tích cực hưởng ứng các hoạt động liên quan về vấn đề bảo vệ môi trường do địa phương tổ chức.

3. Có các biện pháp phòng chống, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do có hành vi làm tổn hại đến môi trường.

4. Thực hiện thu gom rác thải, nước thải phải đúng quy định. Không xả rác, chất thải, xác động vật, tại các khu du lịch.

5. Hệ thống nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, được thông gió và đủ ánh sáng; được bố trí đủ nhằm phục vụ nhu cầu du khách, đặc biệt trong dịp cao điểm.

Điều 11. Quy định về xây dựng hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, điểm cung cấp thông tin phục vụ khách du lịch

1. Tùy thuộc vào địa hình khu du lịch, đơn vị quản lý khu du lịch và tổ chức, cá nhân kinh doanh trong khu du lịch có trách nhiệm đầu tư xây dựng hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, điểm cung cấp thông tin phục vụ khách du lịch cho phù hợp.

2. Đơn vị quản lý khu du lịch và tổ chức, cá nhân kinh doanh trong khu du lịch thành lập điểm hỗ trợ du khách, thiết lập đường dây nóng tại khu du lịch nhằm đảm bảo mục tiêu xây dựng điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện.

Điều 12. Quy định về bảo tồn văn hóa trong khu du lịch

1. Đơn vị quản lý khu du lịch và tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trong khu du lịch phải có trách nhiệm bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình công cộng; giữ gìn phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp; thực hiện nghiêm túc Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch theo Quyết định số 718/QĐ-BVHTTDL ngày 02 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ  Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch góp phần xây dựng môi trường văn hóa du lịch văn minh.

2. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa và các hoạt động văn hóa tại các khu du lịch phải tuân thủ quy định về quản lý đối với di sản văn hóa và dịch vụ văn hóa. Việc tổ chức khai thác các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh phục vụ kinh doanh du lịch phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Chương IV. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ, BAN, NGÀNH VÀ CƠ QUAN LIÊN QUAN TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ KHU DU LỊCH CẤP TỈNH

 

Điều 13. Trách nhiệm của Sở Du lịch

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh quản lý thực hiện quy hoạch đối với các khu du lịch.

2. Tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh thành lập đoàn thẩm định khu du lịch cấp tỉnh; chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tiến hành thẩm định khu du lịch và thực hiện báo cáo trình Ủy ban nhân dân Tỉnh đề nghị công nhận khu du lịch cấp tỉnh.

3. Phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định các dự án đầu tư phát triển các khu du lịch để trình Ủy ban nhân dân Tỉnh phê duyệt đảm bảo thực hiện quản lý bảo vệ và khai thác sử dụng hiệu quả tài nguyên du lịch.

4. Thực hiện công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong việc chấp hành quy định đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trong các khu du lịch theo quy định của pháp luật hiện hành.

5. Phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm đối với dự án đầu tư không đúng quy hoạch hoặc có tác động phá hoại tài nguyên du lịch và cảnh quan môi trường; các cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, xâm hại tài nguyên du lịch.

Điều 14. Trách nhiệm của Sở Văn hóa và Thể thao

1. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh phục vụ phát triển du lịch theo quy định của Nhà nước.

2. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quảng cáo, văn hóa, thể dục thể thao tại các khu du lịch theo quy định của pháp luật.

3. Kiểm tra, giám sát việc quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí, văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao trong các khu du lịch.

Điều 15. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư phát triển khu du lịch theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Trách nhiệm của Sở Tài chính

Hướng dẫn và phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện các quy định về niêm yết giá trong lĩnh vực du lịch phù hợp với quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 17. Trách nhiệm của Sở Công thương

1. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương xây dựng, triển khai phương án phát triển mạng lưới điện nhằm đảm bảo cung cấp điện phát triển du lịch.

2. Quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ thương mại phục vụ du lịch tại khu du lịch.

Điều 18. Trách nhiệm của Sở Ngoại vụ

Phối hợp với các cơ quan có liên quan kịp thời xử lý các vấn đề gây mất an ninh, an toàn, xâm hại tính mạng, tài sản đến khách du lịch tại khu du lịch có yếu tố là người nước ngoài.

Điều 19. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh về công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, quy hoạch, cấp phép các bến, bãi đỗ xe, cảng bến thủy nội địa tại các khu du lịch.

2. Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông đối với các phương tiện vận chuyển khách du lịch đến khu du lịch; các phương tiện vận chuyển khách trong khu du lịch có liên quan đến hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy nội địa theo thẩm quyền; kiểm tra các bến, bãi và điểm dừng đỗ phương tiện, xử lý vi phạm đối với các phương tiện vận chuyển khách du lịch theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Trách nhiệm của Sở Tài Nguyên và Môi trường

1. Hướng dẫn thủ tục đất đai, môi trường đối với các dự án đầu tư phát triển du lịch tại các khu du lịch bảo đảm quy định của pháp luật.

2. Thực hiện thanh, kiểm tra việc sử dụng đất, công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại các khu du lịch và xử lý vi phạm theo thẩm quyền; phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, giám sát chất lượng môi trường tại các khu du lịch và đề xuất các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Điều 21. Trách nhiệm của Sở Xây dựng

1. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân Tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác quy hoạch xây dựng đối với các khu du lịch.

2.  Chủ trì, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch xây dựng các dự án khu du lịch theo thẩm quyền quy định.

3. Phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng tại các khu du lịch theo thẩm quyền quy định.

Điều 22. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông

1. Phối hợp Sở Du lịch, các cơ quan, các doanh nghiệp có liên quan về xây dựng, phát triển, quản lý hạ tầng viễn thông tại các khu du lịch.

2. Phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về hoạt động viễn thông tại các khu du lịch theo thẩm quyền pháp luật quy định.

Điều 23. Trách nhiệm của Sở Y tế

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh các biện pháp quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm, kiểm tra, xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh đối với các khu du lịch.

2. Hướng dẫn nghiệp vụ cơ bản về phòng chống dịch bệnh, về sơ cứu cho khách du lịch tại các khu du lịch trong các chương trình tập huấn nghiệp vụ.

Điều 24. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh trong công tác quản lý các dự án đầu tư phát triển các khu du lịch có sử dụng đất nông, lâm, ngư nghiệp theo quy hoạch của ngành.

2. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo hướng dẫn, hỗ trợ các dự án nông nghiệp cho các khu du lịch thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phục vụ sản xuất tạo ra các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp đặc sản phục vụ du lịch.

3. Có trách nhiệm giám sát, thanh kiểm tra và xử lý các vi phạm liên quan đến đa dạng sinh học và tài nguyên rừng trong khu du lịch sinh thái rừng.

4. Phối hợp, chỉ đạo hướng dẫn các khu du lịch thuê môi trường rừng để tổ chức hoạt động du lịch.

Điều 25. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội 

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện các biện pháp phòng chống các tệ nạn xã hội và kiểm tra, xử lý các vi phạm về tệ nạn xã hội tại các khu du lịch.

2. Phối hợp với các cơ quan có liên quan giải quyết các vấn đề hoạt động ăn xin tại các khu du lịch.

3. Phối hợp triển khai chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn nhằm đủ điều kiện làm việc tại các khu du lịch.

Điều 26. Trách nhiệm của Công an Tỉnh 

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của Nhà nước về giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch tại các khu du lịch. Quản lý, hướng dẫn, tạo điều kiện việc thực hiện đăng ký khách lưu trú, xuất cảnh đối với khách quốc tế; quản lý người nước ngoài cư trú, làm việc, hoạt động tại khu du lịch.

2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm về an ninh trật tự tại các khu du lịch.

3. Thanh tra, kiểm tra các dịch vụ hoạt động kinh doanh trong các khu du lịch theo thẩm quyền.

4. Chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự tại các khu du lịch trên địa bàn quản lý.

Điều 27. Trách nhiệm của Cục Thuế Tỉnh

1. Hướng dẫn việc in, phát hành và sử dụng vé tham quan, hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ; kiểm tra, thanh tra về hóa đơn, xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn theo quy định.

2. Thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019 và các văn bản pháp luật về thuế có liên quan trong việc quản lý thuế đối với các các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ trong khu du lịch.

Điều 28. Trách nhiệm của Cục quản lý thị trường

Chủ trì với các lực lượng chức năng trên địa bàn Tỉnh kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về niêm yết giá và chất lượng hàng hóa, dịch vụ tại khu du lịch.

Điều 29. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

1. Chỉ đạo đối với các dự án đầu tư phát triển khu du lịch trên địa bàn thực hiện theo đúng quy hoạch, đề án phát triển du lịch của Tỉnh và của huyện, thị xã, thành phố đã được phê duyệt.

2. Thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên du lịch, bảo vệ, tôn tạo, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên du lịch; xây dựng môi trường du lịch trong các khu du lịch xanh - sạch - đẹp ; giải quyết tình trạng bán hàng rong, đeo bám, chèo kéo khách tại các khu du lịch.

3. Phối hợp với các cơ chức năng của Tỉnh quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ tại các khu du lịch trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

4. Chỉ đạo phòng chuyên môn lập hồ sơ công nhận khu du lịch cấp tỉnh trên địa bàn gửi Sở Du lịch thẩm định trình cấp có thẩm quyền ra quyết định công nhận khu du lịch theo quy định.

5. Tùy vào tình hình thực tế của địa phương, giao cơ quan, đơn vị trực thuộc hướng dẫn đơn vị quản lý khu du lịch ban hành Quy chế quản lý hoạt động trong khu du lịch.

6. Chỉ đạo công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm hành chính trong các khu du lịch trên địa bàn theo thẩm quyền; trường hợp vượt quá thẩm quyền quy định báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh để được xử lý theo quy định của pháp luật.

7. Tăng cường công tác tuyên truyền các khu du lịch thực hiện ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch.

Điều 30. Trách nhiệm của các sở, ngành, đoàn thể khác có liên quan

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị liên quan đến công tác quản lý các hoạt động dịch vụ du lịch tại khu du lịch.

Điều 31. Tổ chức thực hiện

1. Giám đốc Sở Du lịch chịu trách nhiệm triển khai hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy định này; định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh về tình hình và kết quả thực hiện.

2. Các sở, ban, ngành liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ tổ chức thực hiện trách nhiệm được giao trong Quy định này.

3. Ủy ban nhân cấp huyện có trách nhiệm phối hợp triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy định này đối với các khu du lịch cấp tỉnh trên địa bàn; xử lý hoặc kiến nghị việc xử lý đối với vi phạm theo thẩm quyền và quy định của Quy định này; định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh về tình hình và kết quả thực hiện (thông qua Sở Du lịch) để tổng hợp.

4. Trong quá trình tổ chức thực hiện Quy định này, căn cứ vào tình hình thực tiễn nếu thấy có điểm nào chưa phù hợp cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, thay thế thì các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân phản ánh về Sở Du lịch để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

 

Để được hỗ trợ dịch thuật văn bản này, Quý khách vui lòng nhấp vào nút dưới đây:

*Lưu ý: Chỉ hỗ trợ dịch thuật cho tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
văn bản TIẾNG ANH
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất