HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ------------------ Số: 12/2012/NQ-HĐND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------------------- Hà Nội, ngày 13 tháng 07 năm 2012 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC THÔNG QUA QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÀNH PHỐ HÀ NỘI
ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
----------------------------------
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 5
(Từ ngày 10/7/2012 đến ngày 13/7/2012)
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 16/11/2003;
Xét Tờ trình số 41/TTr-UBND, ngày 18/6/2012 của UBND thành phố Hà Nội về việc thông qua Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá - Xã hội, báo cáo giải trình số 101/BC-UBND ngày 09/7/2012 của UBND Thành phố, ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND Thành phố,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu chung
Phấn đấu đến năm 2020, du lịch Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường, đưa Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp và xứng đáng là trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực.
2. Các chỉ tiêu phát triển chính.
- Về khách du lịch: Năm 2015, tổng số khách đạt 16,7 triệu lượt người, trong đó khách quốc tế đạt 2,5 triệu lượt người, khách nội địa đạt 14,2 triệu lượt người. Năm 2020 tổng số khách đạt 23,2 triệu lượt người, trong đó khách quốc tế đạt 3,2 triệu lượt người, khách nội địa đạt 20,0 triệu lượt người. Năm 2030 tổng số khách đạt 31,3 triệu lượt người, trong đó khách quốc tế đạt 4,5 triệu lượt người, khách nội địa đạt 26,8 triệu lượt người.
- Về tỷ trọng GRDP du lịch trong GRDP của Thành phố: Đến năm 2015 chiếm 8,2%, năm 2020 chiếm 8,7% và năm 2030 chiếm 9,3%.
3. Nội dung quy hoạch cụ thể. 3.1. Định hướng thị trường du lịch:
- Thị trường nước ngoài: Đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế ở thị trường truyền thống như Đông Bắc Á (tập trung Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan và Australia), Tây Âu (tập trung Đức và Pháp), Bắc Mỹ và thị trường ASEAN. Mở rộng thu hút khách du lịch đến các thị trường mới như Trung Đông và Bắc Âu...
- Thị trường trong nước: Phát triển mạnh thị trường nội địa, tăng cường liên kết giữa Hà Nội với các vùng, miền, địa phương trong cả nước, tập trung thị trường tại các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, vùng trung du, miền núi Bắc bộ, vùng Bắc Trung bộ và các đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng...
3.2. Quy hoạch sản phẩm du lịch:
- Du lịch văn hóa: Là thế mạnh và là sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Nội, tập trung vào các loại hình như tham quan di tích lịch sử văn hoá, làng nghề, tham quan phố cổ, du lịch lễ hội, du lịch cộng đồng.
- Du lịch sinh thái tập trung vào các sản phẩm: Tham quan, nghiên cứu tìm hiểu các giá trị cảnh quan, sinh thái tại khu vực Vườn quốc gia Ba Vì; khu danh thắng Hương Sơn; khu vực núi Sóc - hồ Đồng Quan.
- Du lịch vui chơi giải trí: Tập trung hình thành các khu vui chơi giải trí như Khu vui chơi giải trí tổng hợp Sóc Sơn; Khu vui chơi giải trí khám phá thiên nhiên Ba Vì; Khu vui chơi giải trí thể thao ở khu vực Ba Vì, Sóc Sơn; Khu vui chơi giải trí Thế giới nước Hồ Tây; Khu Thiên đường Bảo Sơn.
- Du lịch MICE gồm: Các sự kiện chính trị quốc tế, các sự kiện văn hóa thể thao lớn được tổ chức thường xuyên, các sự kiện du lịch: hội chợ du lịch, festival du lịch...
- Du lịch nghỉ dưỡng: Tập trung phát triển ở Ba Vì, Sóc Sơn.
- Du lịch mua sắm: Phát triển tại các trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm hiện đại, các điểm du lịch làng nghề truyền thống nổi tiếng.
- Du lịch nông nghiệp: Phát triển ở các vùng ngoại thành, bổ sung hỗ trợ cho các chương trình du lịch nội đô.
3.3. Quy hoạch phát triển du lịch theo không gian lãnh thổ:
3.3.1. Các cụm du lịch trọng điểm gồm:
a. Cụm du lịch Trung tâm Hà Nội với sản phẩm du lịch chủ yếu: Du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực, du lịch mua sắm và du lịch vui chơi giải trí.
b. Cụm du lịch Sơn Tây - Ba Vì với sản phẩm du lịch chủ yếu: Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch văn hóa tâm linh núi Ba Vì, du lịch văn hóa làng Việt cổ Đường Lâm - Đền Và, du lịch vui chơi giải trí, du lịch thể thao cao cấp và du lịch nông nghiệp.
c. Cụm du lịch Hương Sơn - Quan Sơn với sản phẩm du lịch chủ yếu: Du lịch văn hóa tâm linh, lễ hội; du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và sinh thái; du lịch thể thao cao cấp với các sản phẩm sân gôn, thể thao nước.
d. Cụm du lịch núi Sóc - hồ Đồng Quan với sản phẩm du lịch chủ yếu: Du lịch văn hóa tâm linh gắn với lễ hội Gióng ở Phù Đổng và Đền Sóc và hệ thống đền chùa, công trình tôn giáo; du lịch sinh thái: sinh thái hồ đầm, sinh thái nông nghiệp và núi Sóc; du lịch nghỉ cuối tuần; du lịch thể thao, vui chơi giải trí.
e. Cụm du lịch Vân Trì - Cổ Loa với sản phẩm du lịch chủ yếu: Du lịch thể thao, vui chơi giải trí và tham quan di tích lịch sử văn hoá; du lịch sinh thái, nghỉ cuối tuần.
g. Cụm du lịch Hà Đông và phụ cận với sản phẩm du lịch chủ yếu: Du lịch làng nghề, du lịch nghỉ cuối tuần, du lịch văn hóa, du lịch vui chơi giải trí.
3.3.2. Vành đai du lịch.
- Vành đai sông Hồng với sản phẩm du lịch chính: Du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái ven sông.
- Vành đai sông Đáy với sản phẩm du lịch chính: Du lịch sinh thái, du lịch văn hóa.
3.3.3. Các tuyến du lịch.
a. Tuyến du lịch mang tính quốc tế kết nối Hà Nội với thế giới gồm:
- Các tuyến du lịch quốc tế theo đường hàng không.
- Các tuyến du lịch quốc tế theo đường sắt liên vận quốc tế: Hà Nội - Trung Quốc.
- Các tuyến du lịch quốc tế theo đường bộ xuyên Á.
b. Tuyến du lịch quốc gia: Trên cơ sở các tuyến quốc lộ với đầu mối là Hà Nội gồm: Tuyến du lịch theo quốc lộ 1- Xuyên Việt; Tuyến du lịch theo quốc lộ 2 Hà Nội - Vĩnh Phúc - Phú Thọ; Tuyến du lịch theo quốc lộ 3: Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Cạn - Cao Bằng; Tuyến du lịch theo quốc lộ 5: Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng; Tuyến du lịch theo quốc lộ 6: Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Lai Châu; Tuyến du lịch theo quốc lộ 32: Hà Nội - Phú Thọ - Tuyên Quang - Hà Giang.
c. Tuyến du lịch nội vùng: Các tuyến du lịch City tour nội thành; Tuyến du lịch Hồ Tây - Cổ Loa - Đền Sóc; Tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Vân Trì – Đền Sóc - Bắc Ninh; Tuyến du lịch Hà Nội - Sơn Tây - Ba Vì; Tuyến du lịch sông Đáy; Tuyến du lịch sông Hồng Chương Dương - Đền Lộ - Bát Tràng.
3.4. Quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch
3.4.1. Hệ thống cơ sở lưu trú.
Không phát triển cơ sở lưu trú nhà nghỉ quy mô nhỏ dưới 10 phòng, ưu tiên phát triển các cơ sở lưu trú cao cấp từ 3 sao trở lên và loại hình du lịch lưu trú ở nhà dân (homestay) tại các cụm du lịch (nếu điều kiện cho phép).
a. Hệ thống cơ sở lưu trú trong vùng lõi - Trung tâm Hà Nội.
- Khu vực Hoàn Kiếm: bảo tồn, cải tạo các khách sạn hiện có, hạn chế phát triển nhà cao tầng theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ và quy định quản lý kèm theo Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
- Khu vực Tây Hồ và khu vực Ba Đình: Kiểm soát chặt chẽ, tập trung phát triển mới khách sạn cao cấp với quy mô lớn.
b. Phát triển hệ thống cơ sở lưu trú theo các trục phát triển, các đô thị vệ tinh gồm:
- Trục Hồ Tây - Ba Vì: Gắn với định hướng phát triển của đô thị Hoài Đức. Tập trung phát triển loại hình lưu trú cao cấp, quy mô lớn.
- Trục Hồ Tây - Cổ Loa: Gắn với định hướng của đô thị Đông Anh và Trung tâm tài chính Bắc Sông Hồng. Tập trung phát triển loại hình lưu trú cao cấp, quy mô lớn.
- Trục quốc lộ 32: Gắn với định hướng phát triển của đô thị Đan Phượng, đô thị Hoài Đức.
- Trục đại lộ Thăng Long: Gắn với định hướng phát triển của đô thị Hoài Đức, Quốc Oai.
- Trục phát triển Vành đai 3: Gắn với định hướng phát triển dọc theo đường trục vành đai 3 từ cầu Thăng Long - Quận Cầu Giấy - Mỹ Đình - Thanh Xuân - Yên Sở
- Trục phát triển Vành đai 3,5: Gắn với định hướng phát triển đô thị Hà Đông - Thanh Trì.
c. Phát triển hệ thống cơ sở lưu trú gắn với sinh thái dọc các vành đai xanh gồm:
- Vành đai xanh hai bên bờ sông Hồng.
- Vành đai xanh cảnh quan sinh thái dọc sông Nhuệ: Tây Tựu - Hà Đông -Thanh Trì.
- Vành đai xanh hai bên bờ sông Đáy: Phúc Thọ - Quốc Oai - Chúc Sơn - Vân Đình.
d. Phát triển hệ thống cơ sở lưu trú đặc thù tại các khu vực:
- Các làng nghề truyền thống: Khuyến khích áp dụng mô hình homestay, du khảo làng nghề.
- Các khu vực có người dân tộc thiểu số
- Các làng Việt cổ
- Các khu phố cổ ở Trung tâm Hà Nội.
3.4.2. Hệ thống cơ sở thể thao.
Phát triển 08 sân gôn cao cấp theo quy hoạch hệ thống sân gôn Việt Nam và quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội gồm:
- Sân gôn Đảo Vua, hồ Đồng Mô, thị xã Sơn Tây
- Sân gôn hồ Văn Sơn, huyện Chương Mỹ
- Sân gôn Vân Trì, huyện Đông Anh
- Sân gôn Minh Trí, huyện Sóc Sơn
- Sân gôn Sóc Sơn, xã Hồng Kỳ và Phù Linh, huyện Sóc Sơn.
- Sân gôn hồ Suối Hai, huyện Ba Vì.
- Sân gôn hồ Quan Sơn, huyện Mỹ Đức.
- Sân gôn và dịch vụ Long Biên, quận Long Biên.
3.4.3. Hệ thống cơ sở văn hóa và vui chơi giải trí.
a. Khu vực Trung tâm Hà Nội và các đô thị vệ tinh: Phát triển theo định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội
b. Khu vui chơi giải trí cao cấp, quy mô lớn, phát triển theo mô hình:
- Công viên chuyên đề: Tại cụm du lịch Sơn Tây - Ba Vì và núi Sóc - hồ Đồng Quan.
- Hệ thống các trung tâm vui chơi giải trí hỗn hợp: Mỗi cụm du lịch đều dành quỹ đất để thu hút ít nhất 01 dự án.
3.4.4. Hệ thống cơ sở dịch vụ.
- Phát triển hệ thống cơ sở dịch vụ gắn với các khu điểm du lịch
- Phát triển hệ thống cơ sở dịch vụ gắn với các đô thị, vừa phục vụ du lịch, vừa phục vụ dân cư.
- Xây dựng Trung tâm du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội.
3.5. Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch:
3.5.1. Mạng lưới giao thông.
a. Đường bộ:
- Tập trung phát triển các tuyến giao thông quan trọng bao gồm: Tuyến trục Ba Vì - Hồ Tây; Trục cao tốc Láng - Hòa Lạc (giai đoạn 2 từ Hòa Lạc đến cầu Trung Hà); Trục Mỹ Đình - Chùa Hương - Bái Đính; các dự án trong danh mục các công trình trọng điểm của Thành phố năm 2012 như: Dự án quốc lộ 5 kéo dài; dự án nâng cấp cải tạo đường 70...
- Phát triển các tuyến giao thông có vai trò quan trọng: Tuyến đường ĐT 413: Sơn Tây - hồ Suối Hai - Đá Chông; Tuyến đường ĐT 415: đường sườn tây Ba Vì; Tuyến đường ĐT 419: hồ Quan Sơn - Chùa Hương; Tuyến đường nối sườn đông với sườn tây núi Ba Vì; Tuyến đường vào khu du lịch hồ Suối Hai; các tuyến đường vào các khu, điểm du lịch trên địa bàn Hà Nội.
b. Mạng lưới đường sắt:
- Nâng cấp, cải tạo từ đường sắt khổ đơn 1 m thành đường sắt khổ đôi, cận cao tốc, điện khí hóa kết nối Hà Nội với các địa phương khác như TP Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh...
- Phát triển hệ thống đường sắt nhẹ kết nối Trung tâm với các đô thị phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch vui chơi giải trí lớn.
- Phát triển mạng lưới đường sắt đô thị kết hợp xe buýt nhanh kết nối khu vực trung tâm với các khu vực khác.
c. Đường hàng không: Cảng hàng không Nội Bài là đầu mối giao thông hàng không phía bắc Việt Nam kết nối Hà Nội với các đô thị lớn trong cả nước và thế giới.
d. Đường thủy:
- Khai thác các tuyến đường thủy trên 3 tuyến sông lớn gồm: Tuyến sông Hồng, tuyến sông Đà và tuyến sông Đuống.
- Các tuyến đường sông nội thành phố được khai thác kết hợp phát triển du lịch gồm: Tuyến du lịch theo sông Đáy, sông Tích, sông Nhuệ...
- Đầu tư xây dựng 04 cảng du lịch chính gồm: Đá Chông (sông Đà - Ba Vì), Chương Dương (sông Hồng - Hoàn Kiếm), Bát Tràng (sông Hồng - Gia Lâm), Ninh Sở (sông Hồng - Thường Tín).
e. Vận tải hành khách công cộng:
- Hệ thống vận tải hành khách đô thị khối lượng lớn UMRT
- Các tuyến xe bus nhanh.
3.5.2. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác: Theo định hướng của Quy hoạch chung Hà Nội và các quy hoạch chuyên ngành.
3.6. Quy hoạch đào tạo nhân lực và giáo dục cộng đồng:
3.6.1. Đào tạo nguồn nhân lực: Tập trung vào những nội dung chính:
- Đào tạo bổ sung đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch. Nâng cao trình độ chuyên môn và nhận thức về du lịch của đội ngũ cán bộ.
- Thu hút nguồn nhân lực trẻ và có năng lực thông qua chế độ đãi ngộ thỏa đáng. Chọn cán bộ trẻ, có năng lực để đào tạo tại nước ngoài.
- Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và người lao động trong các doanh nghiệp du lịch.
3.6.2. Giáo dục cộng đồng: Tập trung vào các nội dung chính:
- Nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư.
- Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về văn minh thương mại, văn minh du lịch.
- Triển khai các dự án hỗ trợ phát triển cộng đồng.
3.7. Danh mục các dự án trọng điểm ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2020:
- Công viên văn hóa lịch sử Hoàng Thành Thăng Long
- Mở rộng không gian tuyến phố đi bộ khu vực phố cổ - hồ Hoàn Kiếm
- Khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí phức hợp sườn tây núi Ba Vì
- Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây).
- Khu du lịch văn hóa lễ hội và cảnh quan Hương Sơn
- Khu du lịch sinh thái, văn hóa và nghỉ ngơi cuối tuần Sóc Sơn
- Khu du lịch nghỉ dưỡng Làng quê Việt
- Trung tâm du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội.
3.8. Một số giải pháp lớn.
3.8.1. Quản lý nhà nước về du lịch.
- Tăng cường công tác chỉ đạo triển khai quy hoạch; kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch. Kiện toàn phát huy vai trò của Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch Thành phố. Tăng cường vai trò và năng lực quản lý nhà nước về du lịch của cấp huyện.
- Tiếp tục đổi mới doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực du lịch theo hướng cổ phần hóa toàn bộ phần vốn nhà nước; khuyến khích phát triển doanh nghiệp có thương hiệu mạnh; chú trọng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các hộ gia đình gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch ở vùng nông thôn, vùng xa.
3.8.2. Cơ chế, chính sách phát triển du lịch.
Nghiên cứu ban hành cơ chế ưu tiên đầu tư hạ tầng khung các khu, điểm du lịch trọng điểm, chính sách hỗ trợ thuế đối với sản xuất hàng lưu niệm, du lịch quốc tế, du lịch gắn với nông thôn và nông nghiệp... Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh du lịch nhất là đầu tư phát triển các khu vui chơi giải trí hiện đại, các công viên chuyên đề. Tăng cường hỗ trợ tài chính và xã hội hóa hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch.
3.8.3. Phát triển sản phẩm du lịch.
Tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tại các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia và các khu, điểm du lịch trọng điểm. Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các loại hình và sản phẩm du lịch gắn với phát triển nguồn nhân lực. Ứng dụng khoa học và công nghệ trong công tác quản lý và phát triển sản phẩm.
3.8.4. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Phát triển nhân lực du lịch đảm bảo số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu, ngành nghề và trình độ đào tạo. Thực hiện chuẩn hóa nhân lực du lịch theo bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (tiêu chuẩn Vtos), đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Chú trọng hợp tác với các tỉnh, thành phố và hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo nguồn nhân lực.
3.8.5. Tăng cường hợp tác liên kết phát triển du lịch.
Xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp quản lý phát triển du lịch giữa Hà Nội với các Bộ, ngành Trung ương và với các địa phương trong nước; mở rộng hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và thế giới. Thực hiện tốt các cam kết hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch của Thủ đô với các thành phố lớn của các nước trên thế giới.
3.8.6. Nguồn vốn đầu tư:
Huy động tối đa các nguồn vốn đảm bảo nhu cầu đầu tư phát triển du lịch:
- Hàng năm trên cơ sở khả năng ngân sách địa phương, ưu tiên vốn ngân sách đầu tư lập quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng đến các khu, điểm du lịch quốc gia và địa phương; đào tạo phát triển nguồn lực, xúc tiến quảng bá du lịch trong và ngoài nước, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch... Thực hiện lồng ghép các chương trình dự án mục tiêu quốc gia gắn với phát triển du lịch.
- Đa dạng hóa các loại hình đầu tư; tạo cơ chế thuận lợi, thông thoáng cho các dự án đầu tư hạ tầng, kỹ thuật du lịch cho các khu du lịch quốc gia thông qua mô hình BT, BOT; đẩy mạnh xúc tiến, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Khai thác tốt các nguồn hỗ trợ quốc tế cho du lịch; kêu gọi các dự án hỗ trợ kỹ thuật từ nước ngoài cho một số lĩnh vực như: quy hoạch, quảng bá sản phẩm, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực du lịch...
3.8.7. Xúc tiến quảng bá du lịch và phát triển thương hiệu du lịch.
- Nghiên cứu thành lập các văn phòng đại diện du lịch Hà Nội tại các thị trường trọng điểm quốc tế. Triển khai quảng bá theo hướng chuyên nghiệp hóa. Xây dựng một số sự kiện du lịch lớn có tính định kỳ, mang dấu ấn đậm nét của Du lịch Hà Nội và đúng tầm Thủ đô nghìn năm văn hiến.
- Tập trung và tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp và các địa phương trong việc xây dựng phát triển thương hiệu du lịch; chú trọng phát triển những thương hiệu du lịch có sức cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế.
3.8.7. Phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường.
Khuyến khích phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, du lịch xanh. Gắn công tác quy hoạch, kế hoạch với hoạt động bảo vệ tài nguyên và môi trường. Xây dựng quy chế cụ thể khai thác du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường. Tăng cường giáo dục và trang bị kiến thức về môi trường cho cán bộ quản lý, kinh doanh du lịch và cộng đồng dân cư địa phương. Chú trọng liên kết với cộng đồng dân cư trong hoạt động bảo vệ môi trường.
3.8.9. Kết hợp phát triển du lịch với đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội
Tăng cường nâng cao nhận thức, năng lực tổ chức và cơ chế phối hợp về kết hợp phát triển du lịch với quốc phòng, an ninh. Phát triển du lịch bền vững gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
3.8.10. Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ.
- Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và thống kê du lịch; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến hiện đại trong hoạt động quản lý, kinh doanh du lịch, đào tạo nhân lực du lịch, nghiên cứu thị trường và xúc tiến, quảng bá du lịch.
1. Giao cho UBND Thành phố nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội tại báo cáo số 43/BC-VHXH ngày 02/7/2012; ý kiến của các đại biểu HĐND Thành phố thảo luận tại kỳ họp được Chủ tọa kết luận để bổ sung, hoàn chỉnh bản quy hoạch trước khi phê duyệt. Tập trung nghiên cứu bổ sung vào một số nội dung sau:
- Giải pháp liên kết vùng trong phát triển du lịch, có sự phối hợp phát triển ngành du lịch với các ngành khác, nhất là thương mại.
- Bổ sung một số điểm du lịch, sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh gắn với du lịch làng nghề.
- Bổ sung việc mở rộng không gian đi bộ phố cổ và phát triển cụm du lịch trọng điểm phố cổ khu vực Hồ Hoàn Kiếm.
- Giải pháp, lộ trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên.
- Chỉnh sửa quy hoạch hệ thống cơ sở lưu trú khu vực Hoàn Kiếm theo nội dung đã ghi ở điều 1, mục 3, điểm 3.4.1.a của Nghị quyết này và rà soát lại sân gôn trong Khu Công nghệ cao Láng- Hòa Lạc để đảm bảo phù hợp Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011.
2. Giao Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và triển khai, tổ chức thực hiện theo quy định hiện hành.
Điều 3. Thường trực HĐND Thành phố, các Ban của HĐND Thành phố và các đại biểu HĐND Thành phố tăng cường hoạt động giám sát, đánh giá việc thực hiện “Quy hoạch phát triển du lịch Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, và các đơn vị, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Thành phố.
Nghị quyết này đã được HĐND Thành phố Hà Nội khoá XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua./.
Nơi nhận: - Ủy ban Thường vụ QH; - Chính phủ; - Ủy ban VHGD TTN và Nhi đồng của QH; - Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội; - Ban công tác ĐB của UBTVQH; - Các Bộ: VHTTDL, NV, TP, Tài chính, KH & ĐT; - Thường trực Thành ủy Hà Nội; - Đoàn ĐB Quốc hội Hà Nội; - Thường trực HĐHD, UBND, UBMTTQ TP; - Các đại biểu HĐND Thành phố; - Văn phòng TU, các Ban Đảng Thành ủy; - Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND, VPUBND TP; - Các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố; - TT HĐND, UBND quận, huyện, thị xã; - Công báo thành phố Hà Nội; - Cổng GTĐT Thành phố, Báo HNM, Báo KTĐT; - Lưu: VT, Ban VHXH. | CHỦ TỊCH Ngô Thị Doãn Thanh |