Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Kế hoạch 2576/KH-BVHTTDL 2024 tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại Ninh Thuận
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
- Báo lỗi
- Gửi liên kết tới Email
- In tài liệu
- Chia sẻ:
- Chế độ xem: Sáng | Tối
- Thay đổi cỡ chữ:17
- Chú thích màu chỉ dẫn
thuộc tính Kế hoạch 2576/KH-BVHTTDL
Cơ quan ban hành: | Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 2576/KH-BVHTTDL | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Kế hoạch | Người ký: | Trịnh Thị Thủy |
Ngày ban hành: | 19/06/2024 | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Văn hóa-Thể thao-Du lịch |
tải Kế hoạch 2576/KH-BVHTTDL
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH _______________ Số: 2576/KH-BVHTTDL | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 19 tháng 6 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
Tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI
tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024
______________
Căn cứ Nghị định số 01/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Quyết định số 171/QĐ-BVHTTDL ngày 22 tháng 01 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Chương trình công tác năm 2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (gọi tắt là Quyết định số 171/QĐ-BVHTTDL);
Căn cứ Quyết định số 704/QĐ-BVHTTDL ngày 22 tháng 3 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc giao nhiệm vụ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và thiểu số năm 2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Quyết định số 1467/QĐ-BVHTTDL ngày 03 tháng 6 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 3666/QĐ-BVHTTDL ngày 07/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án “Tổ chức định kỳ ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2021-2030”;
Căn cứ Quyết định số 653/QĐ-BVHTTDL ngày 18 tháng 3 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024 (sau đây gọi tắt là Ngày hội);
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch tổ chức Ngày hội, gồm các nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tôn vinh, giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm tới bạn bè trong nước và quốc tế. Qua đó, tăng cường quảng bá hình ảnh một đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, có sự thống nhất và hòa hợp giữa các dân tộc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đồng bào Chăm trong công cuộc đổi mới hội nhập và phát triển; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh trật tự đối với đồng bào dân tộc Chăm trong tình hình mới và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã đề ra, góp phần củng cố vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
- Tuyên truyền, quảng bá với các doanh nghiệp, du khách trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế của các tỉnh khu vực Nam Bộ, Nam Trung Bộ, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tạo động lực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh quá trình xây dựng các khu du lịch trọng điểm của các tỉnh thuộc khu vực này.
2. Yêu cầu
- Tổ chức trang trọng, quy mô gắn với các sự kiện chính trị, văn hóa của đất nước, của khu vực và của địa phương. Đảm bảo tính thống nhất, khoa học, linh hoạt trong công tác chỉ đạo giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội.
- Các nội dung hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội phải thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa của đồng bào Chăm, đảm bảo tính quần chúng, phong phú về loại hình, sáng tạo, đa dạng, độc đáo về nội dung.
- Đảm bảo hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho cộng đồng dân tộc Chăm tham gia Ngày hội.
- Các chương trình tham gia Ngày hội phải được chuẩn bị chu đáo, luyện tập kỹ, có nội dung tiêu biểu, phù hợp và có tính nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của nhân dân; các hoạt động mang tính cộng đồng, đề cao vai trò chủ thể văn hoá, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với yếu tố tiến bộ của thời đại. Đồng thời có ý nghĩa thiết thực trong việc định hướng công tác bảo tồn văn hóa dân tộc Chăm gắn với phát triển du lịch, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân tộc Chăm trong bối cảnh hiện nay.
II. QUY MÔ, THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM VÀ THÀNH PHẦN THAM DỰ
1. Quy mô tổ chức
Gồm 09 tỉnh, thành phố: Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Quảng Nam, TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.
2. Thời gian, địa điểm
- Tổ chức trong 03 ngày: Dự kiến từ ngày 27/9/2024 đến 29/9/2024 (Không kể thời gian đi và về).
- Tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
3. Cơ quan chỉ đạo và phối hợp thực hiện
3.1. Cơ quan chỉ đạo
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận.
3.2. Cơ quan phối hợp
- Ban Tuyên giáo Trung ương; Ban Dân vận Trung ương; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Ủy ban Dân tộc; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Bộ Công an; Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam.
- Ủy ban nhân dân 09 tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội.
3.3. Đơn vị thực hiện
- Các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Vụ Văn hóa dân tộc; Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; Cục Thể dục thể thao; Văn phòng Bộ; Cục Văn hóa cơ sở; Cục Nghệ thuật biểu diễn; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Kế hoạch, Tài chính; Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
- Các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh Ninh Thuận: Văn phòng Tỉnh ủy; Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công an tỉnh; Đài Phát thanh và Truyền hình; Sở Nội vụ (Bộ phận thi đua khen thưởng) và một số Sở, ban, ngành liên quan của tỉnh.
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch của 09 tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội.
- Các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, dân tộc học tại các cơ quan, Cục, Vụ, Viện ở Trung ương và các địa phương.
4. Thành phần tham gia Ngày hội
4.1. Đại biểu, Khách mời
- Đại biểu Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
- Đại biểu đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương gồm: Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Công an, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam.
- Đại biểu đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Đại biểu (đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch) 09 tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội.
- Đại biểu tỉnh Ninh Thuận, gồm: Thường trực Tỉnh ủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh; Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh; các đồng chí nguyên là cán bộ cấp cao của Trung ương là người Ninh Thuận đã nghỉ hưu; các đồng chí nguyên là Thường trực Tỉnh ủy đang sinh sống trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang tỉnh; các Liên hiệp hội của tỉnh; lãnh đạo: Huyện ủy, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; cơ quan thông tấn báo chí, nghệ sỹ nhiếp ảnh trên địa bàn tỉnh (do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận mời).
- Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Hội đồng nghệ thuật, Ban Trọng tài thể thao.
- Các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và địa phương.
- Một số nhà nghiên cứu văn hóa ở Trung ương, khu vực và của tỉnh Ninh Thuận.
4.2. Thành phần tham gia
- Thành phần chính: Nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng dân tộc Chăm hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại địa bàn 09 tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội (mỗi đoàn tham gia không quá 100 người).
- Thành phần phối hợp: Một số cơ quan Trung ương; Tổng đạo diễn, các đạo diễn, nhạc sỹ, họa sỹ, kỹ thuật viên... phục vụ Lễ khai mạc - Bế mạc; Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu về dân tộc Chăm; Lực lượng an ninh, y tế, tình nguyện viên, hướng dẫn viên, lực lượng phục vụ của tỉnh Ninh Thuận.
(Tổng các lực lượng tham gia dự kiến: 1.200 người).
III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG TRONG KHUÔN KHỔ NGÀY HỘI
1. Chủ đề Ngày hội
“Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm
trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước”
2. Họp báo
- Thời gian: Trước Lễ khai mạc Ngày hội từ 10 đến 15 ngày.
- Địa điểm: Tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận
- Chủ trì: Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội.
- Nội dung: Thông báo các hoạt động của Ngày hội.
- Thành phần dự: Đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh Ninh Thuận, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.
3. Phần Lễ
3.1. Lễ Khai mạc chung các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch (trong khuôn khổ Ngày hội)
- Thời gian: 07h00’ đến 07h30’ ngày 27/9/2024.
- Địa điểm: Khu vực Quảng trường 16/4, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
- Nội dung: Khai mạc chung các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trong khuôn khổ Ngày hội.
- Thành phần: Đại biểu, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Hội đồng nghệ thuật, Ban Trọng tài, các đoàn tham gia Ngày hội và công chúng.
- Chủ trì: Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Ngày hội.
- Đơn vị đầu mối: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, Vụ Văn hóa dân tộc, Cục Thể dục thể thao, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.
3.2. Lễ Khai mạc Ngày hội (có kịch bản riêng).
- Thời gian: 20h00’ ngày 27/9/2024 (thứ 6)
- Thời lượng: 120 phút (Trước sóng 30 phút; Trong sóng 90 phút). (Dự kiến truyền hình, truyền thanh trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam (VTV8), Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Ninh Thuận).
- Tỉnh Ninh Thuận chuẩn bị toàn bộ nội dung, 01 Chương trình nghệ thuật, cơ sở vật chất phục vụ Chương trình Khai mạc.
- Địa điểm: Quảng trường - Tượng đài 16/4, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận.
- Đại diện Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu khai mạc.
- Đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận phát biểu chào mừng.
- Thành phần: Đại biểu khách mời, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Hội đồng nghệ thuật, Ban Trọng tài, các đoàn tham gia Ngày hội và công chúng.
- Đơn vị đầu mối: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, Vụ Văn hóa dân tộc, Cục Nghệ thuật biểu diễn.
- Đơn vị phối hợp: Các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có liên quan, các tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội; các đơn vị của tỉnh Ninh Thuận.
3.3. Lễ Bế mạc tổng kết Ngày hội (có kịch bản riêng)
- Thời gian: 20h00’ ngày 29/9/2024.
- Địa điểm: Quảng trường - Tượng đài 16/4, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
(Truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Ninh Thuận và tiếp sóng của Đài Phát thanh - Truyền hình các tỉnh trong khu vực).
- Nội dung: Tổng kết, trao giải, bế mạc Ngày hội, trao cờ đăng cai Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VII, năm 2029.
- Thành phần: Đại biểu khách mời, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Hội đồng nghệ thuật, Ban Trọng tài, các đoàn tham gia Ngày hội và công chúng.
- Đơn vị đầu mối: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, Vụ Văn hóa dân tộc.
- Đơn vị phối hợp: Các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có liên quan, các tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội và các đơn vị liên quan của tỉnh Ninh Thuận.
4. Các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội
4.1. Hoạt động văn hóa
- Quy mô: 09 tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội.
- Chủ trì: Ban Tổ chức Ngày hội.
- Đơn vị đầu mối: Vụ Văn hóa dân tộc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận.
- Thành phần tham gia: Đoàn nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng 09 tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội.
(Có quy chế, thể lệ quy định riêng)
4.1.1. Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc Chăm
- Thời gian: Từ 07h30’ đến 11h00’ ngày 27/9/2024 (theo thứ tự gắp thăm của các tỉnh tham gia).
- Địa điểm: Trước Không gian trưng bày văn hóa của các tỉnh tại Khu vực Quảng trường 16/4, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
- Nội dung: Mỗi tỉnh lựa chọn và dàn dựng trích đoạn giới thiệu lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa của dân tộc Chăm có giá trị đặc sắc tiêu biểu của địa phương mình (thời lượng không quá 20 phút/tỉnh).
* Yêu cầu: Phần trình diễn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa của các tỉnh được trình diễn tại Không gian trưng bày văn hóa của mỗi tỉnh. Lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống phải mô phỏng một cách khái quát đặc trưng văn hóa tín ngưỡng dân gian của dân tộc Chăm, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy các yếu tố tích cực và loại bỏ yếu tố tiêu cực, lạc hậu, không còn phù hợp với đời sống văn hóa hiện nay (phần trình diễn, giới thiệu phải có kịch bản, lời dẫn thuyết minh bằng tiếng Việt).
* Ghi chú:
- Ban Tổ chức sẽ họp và thống nhất về thứ tự và nội dung trình diễn giới thiệu lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa cụ thể đối với từng địa phương nhằm làm phong phú, nổi bật hơn nội dung này trong khuôn khổ Ngày hội.
- Hội đồng nghệ thuật sẽ đánh giá nội dung này.
4.1.2. Không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương
- Thời gian:
+ Thời gian trưng bày từ 08h00 ngày 27/9 đến hết ngày 29/9/2024.
+ Thời gian Hội đồng nghệ thuật đánh giá: Từ 07h30’ đến 11h30’ ngày 28/9/2024.
- Địa điểm: Khu vực Quảng trường 16/4, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
- Nội dung: Các tỉnh, thành phố tổ chức 01 Không gian (Ban Tổ chức bố trí 01 không gian trưng bày tối thiểu 50 m2/gian (trưng bày các biểu đồ, mô hình hiện vật, hình ảnh, nhạc cụ, trang phục dân tộc, tranh, ảnh, sách, đồ thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm, kiến trúc nhà ở nhằm phản ánh:
+ Văn hóa của dân tộc Chăm phong phú và đa dạng trong sự thống nhất của nền văn hóa Việt Nam.
+ Những thành tựu trong sản xuất, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng.
+ Sản phẩm du lịch, điểm đến tiêu biểu của địa phương, các sản phẩm OCOP gắn với du lịch của địa phương.
+ Trình diễn, giới thiệu các thao tác, nguyên liệu, quy trình sản xuất các nghề thủ công truyền thống tiêu biểu của địa phương, các hoạt động giới thiệu tinh hoa, sản phẩm nghề thủ công truyền thống của đồng bào Chăm trên toàn quốc như nghề làm gốm, nghề dệt thổ cẩm, nhạc cụ...
* Ghi chú: Hội đồng nghệ thuật sẽ đánh giá nội dung này.
4.1.3. Trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực truyền thống
- Thời gian và địa điểm: Tại Không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống địa phương.
- Nội dung: Trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực truyền thống đặc trưng dân tộc Chăm của địa phương (giới thiệu, thuyết minh quy trình chế biến, sản phẩm hoàn thiện đảm bảo đặc trưng, thẩm mỹ và an toàn vệ sinh thực phẩm).
* Ghi chú:
- Hội đồng nghệ thuật sẽ đánh giá nội dung này. Thời gian Hội đồng nghệ thuật đánh giá 07h30’ đến 11h30’ ngày 28/9/2024.
- Riêng tỉnh Ninh Thuận:
+ Bố trí không gian cho các huyện, thành phố của tỉnh Ninh Thuận (mỗi huyện, thành phố 01 gian hàng tiêu chuẩn 3mx3m) tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP của địa phương (không chấm điểm).
+ Tổ chức không gian Văn hóa - Du lịch - Ẩm thực: giới thiệu, quảng bá nét văn hóa, ẩm thực Ninh Thuận, giới thiệu các sản phẩm dịch vụ du lịch Ninh Thuận (nhà hàng, khách sạn, lữ hành, quà tặng lưu niệm du lịch...).
4.1.4. Trình diễn, giới thiệu nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm, nghề làm gốm của dân tộc Chăm
- Thời gian và địa điểm: Tại Không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống địa phương.
- Nội dung: Giới thiệu các thao tác, nguyên liệu, dụng cụ, quy trình thêu dệt thổ cẩm thủ công truyền thống, nghề làm gốm của dân tộc Chăm.
* Ghi chú:
- Ban Tổ chức ban hành Quy chế hoạt động trình diễn, giới thiệu thêu, dệt thổ cẩm và nghề làm gốm.
- Hội đồng nghệ thuật sẽ đánh giá nội dung này từ 07h30’-11h30’ ngày 28/9/2024.
4.1.5. Liên hoan văn nghệ quần chúng và Trình diễn trang phục dân tộc Chăm
- Thời gian:
+ Từ 19h30’-22h30’ ngày 28/9/2024 (05 đoàn, theo thứ tự gắp thăm).
+ Từ 08h00’-10h00’ ngày 29/9/2024 (04 đoàn, theo thứ tự gắp thăm).
- Địa điểm: sân khấu Quảng trường 16/4, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. (hoặc sân khấu Trung tâm Văn hóa tỉnh Ninh Thuận).
- Nội dung:
+ Liên hoan văn nghệ quần chúng: Mỗi tỉnh, thành phố tham gia một chương trình dân ca, dân vũ, dân nhạc, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ mang đậm bản sắc của dân tộc Chăm (tối đa 04 tiết mục), ưu tiên và khuyến khích các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của dân tộc Chăm (thời lượng từ 20 - 25 phút/chương trình/tỉnh).
+ Trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Chăm: (Lồng ghép vào nội dung Liên hoan văn nghệ quần chúng theo thứ tự trình diễn của mỗi đoàn). Giới thiệu trang phục ngày thường, lễ hội, lễ cưới (thời lượng từ 05 - 07 phút/chương trình/tỉnh, từ 05-10 người trình diễn). Mỗi tỉnh xây dựng 01 chương trình trình diễn trang phục truyền thống, đặc trưng của dân tộc Chăm ở địa phương. Phần trình diễn phải có lời dẫn thuyết minh.
* Ghi chú:
- Hội đồng nghệ thuật sẽ đánh giá 02 nội dung này.
- Các đoàn trình diễn Liên hoan văn nghệ quần chúng và Trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Chăm theo thứ tự bốc thăm.
- Nội dung trình diễn trang phục truyền thống chấm theo chương trình trình diễn của đoàn/tỉnh tham gia Ngày hội (không chấm cá nhân người trình diễn).
4.2. Hoạt động thể thao quần chúng
- Nội dung thi đấu gồm 06 môn: Kéo co, Đẩy gậy, Bóng đá (mini nam), bóng chuyền (nam), Đội nước (nữ), Việt dã (nam, nữ) (Có điều lệ và lịch thi đấu riêng cho từng môn).
- Thời gian: Từ ngày 27/9/2024 đến hết ngày 29/9/2024.
- Địa điểm: Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh Ninh Thuận và Khu vực Quảng trường 16/4, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
- Thành phần tham gia: 09 đoàn (tỉnh, thành phố) tham gia Ngày hội.
- Đơn vị chủ trì: Cục Thể dục thể thao; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận.
* Ghi chú:
- Số người tham gia sẽ thực hiện theo điều lệ thi đấu (lịch thi đấu các môn, địa điểm tổ chức thi đấu của từng môn Ban Tổ chức sẽ thông báo sau).
- Ngoài ra, nhằm tạo sự phong phú cho Ngày hội, tạo điều kiện cho đồng bào Chăm ở các tỉnh giao lưu, học hỏi, góp phần vào công tác bảo tồn các môn thể thao truyền thống, đề nghị các tỉnh tổ chức giới thiệu một số hoạt động thể thao đặc thù, trò chơi dân gian của dân tộc Chăm tại địa phương.
4.3. Hoạt động du lịch
- Tổ chức Hội thảo về du lịch với chủ đề “Phát huy giá trị di sản văn hóa Chăm trong phát triển du lịch”;
+ Thời gian: 14h00’, ngày 28/9/2024.
+ Địa điểm: Do tỉnh Ninh Thuận bố trí.
+ Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận.
+ Đơn vị phối hợp: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và các tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội.
- Các tỉnh tham gia Ngày hội trưng bày, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch tại các gian hàng giới thiệu, quảng bá du lịch của các địa phương.
4.4. Các hoạt động khác
4.4.1. Triển lãm “Đặc trưng văn hóa đồng bào Chăm trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam”
- Thời gian: Từ 08h00’ ngày 27/9/2024 đến hết ngày 29/9/2024.
- Địa điểm: Khu vực Quảng trường 16/4, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
- Nội dung: Trưng bày, giới thiệu không gian văn hóa, nghề truyền thống, trang phục, nông cụ trong lao động, các vật dụng trong đời sống sinh hoạt… của đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung và đồng bào Chăm nói riêng.
- Diện tích trưng bày: 100m2 có đai vách trưng bày bao quanh cho Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
- Đơn vị chủ trì, thực hiện: Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
- Đơn vị phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận.
4.4.2. Trưng bày ảnh về sắc màu văn hóa dân tộc Chăm, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước
- Thời gian: Từ 08h00’ ngày 27/9 đến hết ngày 29/9/2024.
- Địa điểm: Khu vực Quảng trường 16/4, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
- Nội dung: In ấn, dàn dựng, trang trí mỹ thuật dự kiến trưng bày 100 ảnh và hiện vật liên quan đến văn hóa đặc sắc của dân tộc Chăm.
- Diện tích trưng bày: 01 gian diện tích khoảng 100m2 cho Vụ Văn hóa dân tộc tổ chức trưng bày.
- Các tỉnh, thành phố tham gia lựa chọn mỗi tỉnh 20 file ảnh đẹp về chủ đề “sắc màu văn hóa đặc sắc của dân tộc Chăm” gửi về Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch qua Email: [email protected] trước ngày 20/8/2024 để tổng hợp, phục vụ hoạt động trưng bày, tuyên truyền quảng bá giá trị văn hóa, truyền thống dân tộc Chăm.
- Đơn vị chủ trì, thực hiện: Vụ Văn hóa dân tộc.
- Đơn vị phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
4.4.3. Triển lãm tranh mỹ thuật về văn hoá dân tộc Chăm
- Thời gian: Từ 08h00’ ngày 27/9 đến hết ngày 29/9/2024.
- Địa điểm: Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận.
- Nội dung: Triển lãm tranh mỹ thuật về văn hoá dân tộc Chăm.
- Đơn vị chủ trì, thực hiện: Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Ninh Thuận.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
1.1. Vụ Văn hóa dân tộc
Là đơn vị đầu mối tham mưu Lãnh đạo Bộ:
- Ban hành Quyết định, Kế hoạch tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI, năm 2024; Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Trung ương, Hội đồng nghệ thuật các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong khuôn khổ Ngày hội.
- Chủ trì và thực hiện Không gian trưng bày ảnh về sắc màu văn hóa dân tộc Chăm, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thẩm định các nội dung hoạt động văn hóa nghệ thuật của các địa phương tham dự Ngày hội.
- Công văn gửi Đài Truyền hình Việt Nam (VTV8), Đài Tiếng nói Việt Nam đề nghị truyền hình, truyền thanh trực tiếp Lễ khai mạc Ngày hội
- Chuẩn bị Bài phát biểu khai mạc Ngày hội của Lãnh đạo Bộ và các văn bản theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Ngày hội.
- Đề xuất cơ cấu khen thưởng cho các tập thể và cá nhân có thành tích tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội.
- Kết nối với các cơ quan Trung ương trong công tác phối hợp tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch về Ngày hội.
- Chủ trì, điều tiết, thống nhất nội dung về trình diễn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa tại Ngày hội nhằm tạo sự phong phú, đặc sắc cho Ngày hội.
- Tổ chức quay video làm tư liệu về Ngày hội, thời lượng 180 phút, phục vụ lưu trữ tài liệu và in ấn DVD hoặc cấp phát USB cho các tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội.
- Liên hệ, thống nhất với các tỉnh để nhận cờ đăng cai tổ chức Ngày hội lần thứ VII.
- Tổ chức tuyên truyền trước, trong và sau thời gian diễn ra Ngày hội trên các kênh sóng của Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam; Truyền hình trực tiếp Lễ Khai mạc Ngày hội trên kênh truyền hình Quốc gia VTV8.
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận chuẩn bị kế hoạch báo cáo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác tổ chức Ngày hội. Trình Bộ trưởng ký văn bản phân công nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc tham gia các hoạt động tại Ngày hội; Phối hợp và hướng dẫn các đơn vị trực thuộc Bộ, các tỉnh tham gia Ngày hội thực hiện Kế hoạch tổ chức Ngày hội.
- Phối hợp với tỉnh Ninh Thuận xây dựng Quy chế các hoạt động văn hóa trong khuôn khổ Ngày hội. Tham gia ý kiến vào kịch bản tổng thể, kịch bản Lễ khai mạc, bế mạc.
- Phối hợp với tỉnh Ninh Thuận, Văn phòng Bộ chuẩn bị nội dung thông tin báo chí, các văn bản theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức và phục vụ các nội dung hoạt động của Ban Chỉ đạo, Hội đồng nghệ thuật.
- Là cơ quan cầu nối giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh tham gia Ngày hội.
1.2. Cục Thể dục thể thao
- Chủ trì và phối hợp hướng dẫn các tỉnh tham gia Ngày hội tham gia thi đấu các môn thể thao quần chúng trong khuôn khổ Ngày hội.
- Xây dựng Kế hoạch, Điều lệ thi đấu các môn thể thao; Ban Trọng tài, tổ chức điều hành các hoạt động thể thao quần chúng tại Ngày hội.
- Tặng cờ toàn đoàn, huy chương, giải thưởng cho các tập thể và cá nhân đạt thành tích theo quy định của Điều lệ.
1.3. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam
- Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ du lịch cho các tỉnh tham gia Ngày hội.
- Phối hợp với tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội thảo “Phát huy giá trị di sản Văn hóa Chăm trong phát triển du lịch”.
1.4. Văn phòng Bộ
- Phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc và các đơn vị liên quan chuẩn bị kế hoạch và tuyên truyền Ngày hội trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc chuẩn bị Bài phát biểu của Lãnh đạo Bộ.
- Chuẩn bị kinh phí tổ chức Ngày hội theo dự toán Vụ Văn hóa dân tộc xây dựng và được lãnh đạo Bộ phê duyệt, đảm bảo phương tiện và cơ sở vật chất thuộc phạm vị trách nhiệm của Văn phòng.
1.5. Vụ Tổ chức cán bộ
Chủ trì, phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc và các đơn vị liên quan thuộc Bộ tham mưu trình lãnh đạo Bộ về việc tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho các tập thể và cá nhân của các tỉnh, thành phố và các đoàn tham gia Ngày hội có thành tích theo quy định.
1.6. Cục Văn hóa cơ sở
Phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc hướng dẫn Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật các tỉnh tham gia Ngày hội chuẩn bị tốt chương trình nội dung tham gia Ngày hội.
1.7. Cục Nghệ thuật biểu diễn
Phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận góp ý, thẩm định kịch bản Lễ khai mạc và chương trình nghệ thuật phục vụ Lễ Khai mạc, Lễ Bế mạc Ngày hội.
1.8. Vụ Kế hoạch, Tài chính
Thẩm định dự toán kinh phí và phối hợp giải quyết những vấn đề liên quan đến tài chính tổ chức Ngày hội.
1.9. Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam
- Chủ trì, tổ chức thực hiện trưng bày, giới thiệu Triển lãm đặc trưng văn hóa đồng bào Chăm (nội dung cụ thể do Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam lựa chọn) thông qua hiện vật, trang phục, nhạc cụ dân tộc, các sản phẩm văn hóa tiêu biểu của dân tộc Chăm.
- Đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác trưng bày, giới thiệu Triển lãm đặc trưng văn hóa đồng bào Chăm theo nhiệm vụ được giao.
- Phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc thực hiện Không gian trưng bày ảnh nghệ thuật về sắc màu văn hóa của dân tộc Chăm, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.
1.10. Các cơ quan báo chí của Bộ
Xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền về Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI, năm 2024.
2. Đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương
2.1. Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng
Chỉ đạo, góp ý, phối hợp triển khai kế hoạch để việc tổ chức Ngày hội thành công tốt đẹp.
2.2. Bộ Thông tin và Truyền thông
- Chỉ đạo các cơ quan báo chí truyền thông thông tin về Ngày hội, các sự kiện quảng bá văn hóa Việt Nam đến người dân trong và ngoài nước, cộng đồng quốc tế.
- Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc cung cấp thông tin cho báo chí trong và ngoài nước, cung cấp thông tin trên Cổng Thông tin đối ngoại Vietnam.vn.
2.3. Bộ Công an
Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo, đảm bảo công tác an ninh, trật tự trước, trong và sau Ngày hội.
2.4. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam
- Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tuyên truyền các hoạt động (trước, trong và sau Ngày hội), truyền hình trực tiếp Lễ Khai mạc Ngày hội trên kênh VTV8 và tiếp sóng trên kênh VTV5.
- Đài Tiếng nói Việt Nam: Xây dựng tuyên truyền các hoạt động (trước, trong và sau) của Ngày hội trên các chương trình, chuyên mục, chuyên trang thông tin đại chúng.
- Thông tấn xã Việt Nam thông tin (trước, trong và sau) Ngày hội bằng các loại hình thông tin khác nhau của đơn vị.
3. Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội
3.1. Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận
- Đảm bảo các điều kiện cần thiết để tổ chức các nội dung theo Kế hoạch.
- Cử 01 đồng chí Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh tham gia làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội.
- Xây dựng Kế hoạch phối hợp tổ chức Ngày hội của tỉnh.
- Thực hiện công tác tuyên truyền, cổ động cho Ngày hội tại địa phương đăng cai Ngày hội; Chỉ đạo các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình của tỉnh đăng cai tuyên truyền trước, trong và sau về Ngày hội; Tổ chức Họp báo tuyên truyền về Ngày hội; Truyền hình trực tiếp Lễ Bế mạc Ngày hội trên các kênh sóng phát thanh, truyền hình của tỉnh.
- Chủ trì tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức và các đơn vị liên quan nhằm thống nhất nội dung, chương trình hoạt động theo Kế hoạch của Ngày hội tại tỉnh Ninh Thuận.
- Chủ trì lựa chọn Tổng đạo diễn, xây dựng kịch bản và triển khai Kịch bản chi tiết chương trình Lễ khai mạc, Lễ bế mạc Ngày hội. Chuẩn bị cơ sở vật chất tổ chức các hoạt động tại Ngày hội: Lắp đặt khung, gian trại và phương tiện liên quan đến không gian trưng bày văn hóa và trưng bày đặc trưng văn hóa dân tộc Chăm (09 gian cho 09 tỉnh, diện tích tối thiểu 50m2/gian; 01 gian 100m2 cho Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; 01 gian 100m2 cho Vụ Văn hoá dân tộc và các gian hàng (khoảng 09m2/gian) trưng bày sản phẩm nông nghiệp của các huyện, thành phố, tỉnh Ninh Thuận).
- Chủ trì, phối hợp với Vụ Văn hoá dân tộc xây dựng Quy chế các hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng, thể thao trong khuôn khổ Ngày hội trình Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội Ngày hội (Phó Chủ tịch tỉnh) phê duyệt.
- Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm việc với Đài truyền hình Việt Nam (VTV8) về truyền hình trực tiếp Lễ Khai mạc Ngày hội.
- Phát hành giấy mời đại biểu, phù hiệu, thẻ đeo các loại của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Ban Trọng tài, Hội đồng nghệ thuật, diễn viên, vận động viên; Phát hành giấy mời và mời các đại biểu tham dự Ngày hội.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập danh sách mời lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
- Đón tiếp, bố trí ăn, nghỉ cho Đại biểu, khách mời Trung ương, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Ban Trọng tài, Hội đồng nghệ thuật, khách mời các tỉnh và phóng viên báo chí tham dự Ngày hội (theo danh sách mời của tỉnh đăng cai).
- Hướng dẫn, đề nghị các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, dịch vụ ăn uống, vận tải, hỗ trợ các hoạt động của Ngày hội; Chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu phục vụ ăn, nghỉ và tham quan của đại biểu và du khách.
- Chuẩn bị cờ đăng cai Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VII để trao trong Lễ bế mạc; cờ lưu niệm và hoa tặng các đoàn, đơn vị tham gia Ngày hội.
- Tặng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức Ngày hội.
- Chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho tổ chức các hoạt động theo Kế hoạch của địa phương.
- Xây dựng phương án và tổ chức lực lượng, phương tiện thực hiện hiệu quả an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.
- Chủ trì Hội thảo “Phát huy giá trị di sản Văn hóa Chăm trong phát triển du lịch”.
- Chuẩn bị bài phát biểu Chào mừng của Lãnh đạo tỉnh tại Lễ Khai mạc, Báo cáo tổng kết các hoạt động của Ngày hội và các văn bản theo yêu cầu của Ban Tổ chức Ngày hội.
3.2. Ủy ban nhân dân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội
- Cử 01 đồng chí Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tham gia thành viên Ban Chỉ đạo Ngày hội.
- Cử 01 đồng chí Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hoá và Thể thao, Sở Du lịch tham gia thành viên Ban Tổ chức Ngày hội.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội chỉ đạo và tạo điều kiện cao nhất cho các đoàn của tỉnh mình tham gia Ngày hội (về kinh phí và các điều kiện khác).
- Căn cứ kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức triển khai các hoạt động tham gia Ngày hội, thành lập đoàn và tổ chức tập luyện các nội dung đạt hiệu quả, chất lượng.
- Xây dựng Kế hoạch của địa phương tham gia Ngày hội; khuyến khích tham gia đầy đủ các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch theo Kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề ra.
- Tổ chức đoàn nghệ nhân, vận động viên, diễn viên quần chúng tham gia Ngày hội theo yêu cầu nội dung Kế hoạch.
- Tự đảm bảo kinh phí (phương tiện đi lại, ăn, nghỉ và chi phí khác của đoàn) trong quá trình chuẩn bị và thời gian tham gia các hoạt động Ngày hội.
- Căn cứ tình hình của địa phương, chủ động tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đăng ký đăng cai Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VII, năm 2029.
- Tỉnh nhận Cờ đăng cai Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VII, năm 2029 sẽ dàn dựng một tiết mục đặc sắc trình diễn trong Lễ tổng kết bế mạc Ngày hội và nhận Cờ đăng cai Ngày hội (địa phương đăng cai Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VII, năm 2029 sẽ do các địa phương bàn và thống nhất tại cuộc họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024).
- Phối hợp và tổ chức đưa các đoàn nghệ thuật quần chúng của địa phương tham gia giao lưu, biểu diễn theo địa điểm sắp xếp của Ban Tổ chức.
- Mỗi tỉnh lựa chọn 20 file ảnh đẹp về chủ đề “sắc màu văn hóa dân tộc Chăm” gửi về Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch qua Email: [email protected] trước ngày 20/8/2024 để tổng hợp, phục vụ hoạt động trưng bày, tuyên truyền quảng bá giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc Chăm.
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá các hoạt động trước, trong và sau quá trình tham gia Ngày hội, góp phần quảng bá du lịch, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, phong trào thể dục thể thao ở địa phương.
- Đảm bảo an toàn cho các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên trong quá trình tham gia Ngày hội. Sau Lễ bế mạc Ngày hội, Trưởng các đoàn tham dự Ngày hội chịu hoàn toàn trách nhiệm về tài sản, con người của đoàn mình trong các hoạt động phát sinh (nếu có).
* Yêu cầu chung:
- Đối với các đơn vị, địa phương tham gia Ngày hội, cần xây dựng kế hoạch và nội dung hoạt động của đơn vị, địa phương mình trong khuôn khổ Ngày hội gửi về Thường trực Ban Tổ chức Ngày hội (qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, Vụ Văn hóa dân tộc) trước ngày 20/7/2024 để tổng hợp và phối hợp thực hiện hiệu quả.
- Khi có thay đổi về lịch trình, thời gian cụ thể đối với các nội dung hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội, Ban Tổ chức sẽ có thông báo gửi đến các đơn vị, địa phương.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Vụ Văn hóa dân tộc:
+ Kinh phí thực hiện được trích từ nguồn sự nghiệp văn hóa thông tin để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024.
+ Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Hội đồng nghệ thuật, Tổ Thư ký;
+ Kinh phí khen thưởng các giải thưởng cho hoạt động văn hóa, thể thao (và hoa tươi tặng kèm các giải A và bằng khen tập thể, cá nhân của Bộ trưởng);
+ Kinh phí khen thưởng kèm theo Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho các tập thể và cá nhân có đóng góp tổ chức thành công Ngày hội;
+ Kinh phí in ấn Backdrop, Maket, băng rôn, phướn treo tại 06 khu vực diễn ra các hoạt động văn hoá, thể thao;
+ Kinh phí phát thanh, truyền hình tuyên truyền trước, trong và sau về quá trình diễn ra Ngày hội trên các kênh sóng của Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam; Truyền hình trực tiếp Lễ Khai mạc Ngày hội trên kênh sóng Đài Truyền hình Việt Nam;
+ Kinh phí quay video, in DVD tư liệu về Ngày hội;
+ Kinh phí Trưng bày ảnh nghệ thuật về sắc màu văn hóa dân tộc Chăm;
+ Kinh phí xây dựng 01 chương trình tuyên truyền, quảng bá trước, trong và sau Ngày hội phát sóng trên Đài tiếng nói Việt Nam.
- Cục Thể dục thể thao: Xây dựng dự toán và đảm bảo kinh phí cho các môn thi thể thao trong khuôn khổ Ngày hội.
- Văn phòng Bộ: Duyệt dự toán kinh phí và cấp kinh phí theo đề nghị của Vụ Văn hóa dân tộc sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo cơ sở vật chất thuộc phạm vi trách nhiệm của Văn phòng Bộ phục vụ Ban Tổ chức, Hội đồng nghệ thuật trong khuôn khổ Ngày hội.
- Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam: Kinh phí tổ chức thực hiện trưng bày, giới thiệu Triển lãm đặc trưng văn hóa dân tộc Chăm trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đảm nhận kinh phí các nội dung
- Thực hiện công tác tuyên truyền, cổ động cho Ngày hội tại địa phương.
- Toàn bộ kinh phí Chương trình nghệ thuật của Lễ khai mạc, Lễ bế mạc Ngày hội (Kịch bản, đạo diễn, tập luyện, trang phục, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng, sân khấu, trang thiết bị kỹ thuật...) và Lễ Khai mạc chung các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trong khuôn khổ Ngày hội.
- Khen thưởng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho các tập thể, cá nhân của địa phương có thành tích trong việc tổ chức Ngày hội.
- Kinh phí truyền hình, truyền thanh trực tiếp Chương trình Lễ bế mạc và các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội trên sóng Đài phát thanh truyền hình tỉnh Ninh Thuận.
- Cơ sở vật chất phục vụ khai mạc, thi đấu các môn thể thao, các hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng của Ngày hội theo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận.
- Đón tiếp, bố trí ăn, nghỉ cho Đại biểu, khách mời Trung ương, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Ban Trọng tài, Hội đồng nghệ thuật, khách mời các tỉnh (theo danh sách mời của tỉnh đăng cai).
- Họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức tại địa phương; kinh phí Họp báo tại tỉnh Ninh Thuận.
- Lắp đặt các Không gian trưng bày của các địa phương tham gia Ngày hội, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và Vụ Văn hoá dân tộc.
- Chuẩn bị cờ lưu niệm và hoa tặng các đoàn, đơn vị tham gia Ngày hội.
- Công tác an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và an toàn giao thông trên địa bàn.
- Kinh phí cho các hoạt động khác trong Kế hoạch tổ chức của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận.
- Hoạt động giao lưu, tham quan cho các đoàn tham dự Ngày hội (nếu có).
3. Kinh phí sự nghiệp của các tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố bố trí kinh phí cho các đoàn của địa phương mình tham gia Ngày hội theo Kế hoạch.
- Khen thưởng cho các đoàn của địa phương mình tham gia Ngày hội.
4. Kinh phí từ nguồn xã hội hóa
Tỉnh Ninh Thuận chủ động trong việc vận động tài trợ cho Ngày hội.
Trên đây là Kế hoạch tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội và các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chỉ đạo, tổ chức thực hiện.1
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có sự thay đổi, điều chỉnh về nội dung, Ban Tổ chức Ngày hội sẽ báo cáo và xin ý kiến của Ban Chỉ đạo, Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch điều chỉnh, bổ sung./.
Nơi nhận: - Bộ trưởng (để báo cáo); - Các Thứ trưởng; - Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an; - Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN; - Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Thuận; - Các đơn vị liên quan thuộc Bộ VHTTDL; - Trưởng BTC Ngày hội; - UBND, Sở VHTTDL, VHTT, DL các tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội; - Lưu: VT, VHDT, TH(30). | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG
Trịnh Thị Thủy |
_____________________
Chi tiết liên hệ:
- Bà Lê Thị Thuý Hằng, Chuyên viên chính Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, điện thoại: 0947.812.980;
- Ông Phạm Văn Thành, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, điện thoại: 0919.630.420.