Dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân lần 2

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải dự thảo
Lưu
Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Thông tư

Dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân và Nghị định 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật căn cước công dân lần 2
Lĩnh vực: Tư pháp-Hộ tịch Loại dự thảo:Thông tư
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Công anTrạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân và Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân về thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân và trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương.
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Trạng thái: Đã biết
Ghi chú

CÔNG AN

-----------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-------------

Số: …./2020/TT-BCA

DỰ THẢO 2

Hà Nội, ngày… tháng … năm 2020

 


THÔNG TƯ

Quy định chi tiết thi hành LuậtCăn cước công dân và

Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày31tháng12năm2015quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật căn cước công dân

---------------------

Căn cứ Luật Căn cước công dân ngày 20 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân;

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân và Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân.

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân và Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân về thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân và trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cán bộ, đơn vị quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân

2. Công an các đơn vị, địa phương.

3. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân.

 

Chương II

THU THẬP, CẬP NHẬT, CHỈNH SỬA THÔNG TIN TRONG CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ DÂN CƯ

 

Điều 3. Thu thập thông tin về công dân            

Thu thập thông tin về công dân được thực hiện theo thứ tự quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 137/2015/NĐ-CP. Trường hợp công dân chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì thu thập thông tin từ công dân theo trình tự như sau:

1. Công an xã, phường, thị trấn (sau đây viết gọn là Công an cấp xã) thực hiện phát Phiếu thu thập thông tin dân cư đến người được thu thập thông tin và hướng dẫn kê khai thông tin.

2. Người được thu thập thông tin điền vào Phiếu thu thập thông tin dân cư và ký xác nhận.

3. Công an cấp xã thu Phiếu thu thập thông tin dân cư và đối chiếu với giấy tờ pháp lý, giấy tờ hộ tịch của người được thu thập. Trường hợp thông tin về công dân đã đầy đủ, chính xác thì Cảnh sát khu vực, Công an xã ký xác nhận, trình Trưởng Công an cấp xã ký, đóng dấu. Trường hợp thông tin về công dân chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác thì yêu cầu công dân kê khai bổ sung, chỉnh lý và xuất trình các giấy tờ có giá trị pháp lý làm căn cứ xác thực thông tin, Cảnh sát khu vực, Công an xã ký xác nhận, trình Trưởng Công an cấp xã ký, đóng dấu.

4. Công an cấp xã tiến hành cập nhật thông tin của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sau đó chuyển Phiếu thu thập thông tin dân cư cho Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết gọn là Công an cấp huyện) để lưu vào tàng thư hồ sơ hộ khẩu.

5. Công an cấp huyện tại địa phương không có đơn vị hành chính cấp xã thực hiện việc thu thập thông tin về công dân và lưu Phiếu thu thập thông tin dân cư tại tàng thư hồ sơ hộ khẩu.

  Điều 4. Thu thập thông tin về công dân từ công tác đăng ký thường trú, tạm trú, cấp thẻ Căn cước công dân

1. Thu thập thông tin về công dân từ công tác đăng ký tạm trú:

a) Tại đơn vị Công an cấp xã: Cán bộ Công an tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết đăng ký tạm trú kiểm tra thông tin về công dân đến yêu cầu đăng ký tạm trú. Trường hợp thông tin về công dân chưa có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cán bộ đăng ký tạm trú hướng dẫn công dân kê khai Phiếu thu thập thông tin dân cư, yêu cầu công dân kiểm tra và ký xác nhận. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ đăng ký tạm trú kiểm tra, ký xác nhận vào Phiếu thu thập thông tin dân cư, đề xuất Trưởng Công an cấp xã ký, đóng dấu, cập nhật thông tin của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chuyển Phiếu thu thập thông tin dân cư lên Công an cấp huyện để lưu vào tàng thư hồ sơ hộ khẩu.

b) Công an cấp huyện tại địa phương không có đơn vị hành chính cấp xã thực hiện việc thu thập thông tin về công dân từ công tác đăng ký tạm trú và lưu Phiếu thu thập thông tin dân cư tại tàng thư hồ sơ hộ khẩu.

c) Tiến hành giải quyết thủ tục đăng ký tạm trú theo quy định.

2. Thu thập thông tin về công dân từ công tác đăng ký thường trú:

a) Tại Công an cấp xã nơi có thẩm quyền giải quyết đăng ký thường trú: Cán bộ Công an tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết đăng ký thường trú kiểm tra thông tin về công dân đến yêu cầu đăng ký thường trú. Trường hợp thông tin về công dân chưa có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cán bộ đăng ký thường trú hướng dẫn công dân kê khai Phiếu thu thập thông tin dân cư, yêu cầu công dân kiểm tra và ký xác nhận. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú kiểm tra, ký xác nhận vào Phiếu thu thập thông tin dân cư, đề xuất Trưởng Công an cấp xã ký, đóng dấu, cập nhật thông tin của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chuyển Phiếu thu thập thông tin dân cư lên Công an cấp huyện để lưu vào tàng thư hồ sơ hộ khẩu.

b) Tại Công an cấp huyện nơi có thẩm quyền giải quyết đăng ký thường trú: Cán bộ Công an tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết đăng ký thường trú kiểm tra thông tin về công dân đến yêu cầu đăng ký thường trú. Trường hợp thông tin về công dân chưa có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cán bộ đăng ký thường trú hướng dẫn công dân kê khai Phiếu thu thập thông tin dân cư, yêu cầu công dân kiểm tra và ký xác nhận.

Chuyển Phiếu thu thập thông tin dân cư về cho Công an cấp xã nơi công dân đăng ký thường trú để kiểm tra, phê duyệt, cập nhật thông tin của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Sau khi Công an cấp xã nơi công dân đăng ký thường trú đã phê duyệt, cập nhật thông tin của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì chuyển Phiếu thu thập thông tin dân cư lên Công an cấp huyện để thực hiện thủ tục giải quyết đăng ký thường trú; thực hiện chuyển Phiếu thu thập thông tin dân cư về bộ phận tàng thư hồ sơ hộ khẩu Công an cấp huyện.

c) Công an cấp huyện tại địa phương không có đơn vị hành chính cấp xã thực hiện việc thu thập thông tin về công dân từ công tác đăng ký thường trú và lưu Phiếu thu thập thông tin dân cư tại tàng thư hồ sơ hộ khẩu.

3. Thu thập thông tin về công dân từ công tác cấp thẻ Căn cước công dân:

- Tại đơn vị tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân: Cán bộ Công an tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết cấp Căn cước công dân kiểm tra thông tin về công dân đến yêu cầu cấp Căn cước công dân. Trường hợp thông tin về công dân chưa có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Căn cước công dân hướng dẫn công dân kê khai Phiếu thu thập thông tin dân cư, yêu cầu công dân kiểm tra và ký xác nhận.

- Chuyển Phiếu thu thập thông tin dân cư về cho Công an cấp xã nơi công dân đăng ký thường trú để kiểm tra, phê duyệt, cập nhật thông tin của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

- Sau khi Công an cấp xã nơi công dân đăng ký thường trú đã phê duyệt, cập nhật thông tin của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì chuyển Phiếu thu thập thông tin dân cư về cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Căn cước công dân để thực hiện thủ tục giải quyết cấp Căn cước công dân; thực hiện chuyển Phiếu thu thập thông tin dân cư về bộ phận tàng thư hồ sơ hộ khẩu Công an cấp huyện nơi công dân có đăng ký thường trú.

Điều 5. Cập nhật thông tin về công dân

1. Cập nhật thông tin về công dân từ công tác đăng ký tạm trú:

a) Tại đơn vị Công an cấp xã: Cán bộ Công an tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết đăng ký tạm trú kiểm tra thông tin về công dân đến yêu cầu đăng ký tạm trú. Trường hợp công dân đề nghị cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì đề nghị công dân kê khai, ký xác nhận vào Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư; tiến hành kiểm tra, đối chiếu với các giấy tờ, tài liệu của cơ quan có thẩm quyền chứng minh nội dung thay đổi, ký xác nhận vào Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư, đề xuất Trưởng Công an cấp xã ký, đóng dấu và thực hiện việc cập nhật thông tin của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; chuyển Phiếu thu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư lên Công an cấp huyện để lưu vào tàng thư hồ sơ hộ khẩu.

b) Công an cấp huyện tại địa phương không có đơn vị hành chính cấp xã thực hiện việc cập nhật thông tin về công dân từ công tác đăng ký tạm trú và lưu Phiếu thu thập thông tin dân cư tại tàng thư hồ sơ hộ khẩu.

c) Tiến hành giải quyết thủ tục đăng ký tạm trú theo quy định.

2. Cập nhật thông tin về công dân từ công tác đăng ký thường trú:

a) Tại Công an cấp xã nơi có thẩm quyền giải quyết đăng ký thường trú: Cán bộ Công an tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết đăng ký thường trú kiểm tra thông tin về công dân đến yêu cầu đăng ký thường trú. Trường hợp công dân đề nghị cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì đề nghị công dân kê khai, ký xác nhận vào Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư; tiến hành kiểm tra, đối chiếu với các giấy tờ, tài liệu của cơ quan có thẩm quyền chứng minh nội dung thay đổi, ký xác nhận vào Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư, đề xuất Trưởng Công an cấp xã ký, đóng dấu và thực hiện việc cập nhật thông tin của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; chuyển Phiếu thu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư lên Công an cấp huyện để lưu vào tàng thư hồ sơ hộ khẩu.

b) Tại Công an cấp huyện nơi có thẩm quyền giải quyết đăng ký thường trú: Cán bộ Công an tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết đăng ký thường trú kiểm tra thông tin về công dân đến yêu cầu đăng ký thường trú. Trường hợp công dân đề nghị cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì đề nghị công dân kê khai, ký xác nhận vào Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư; tiến hành kiểm tra, đối chiếu với các giấy tờ, tài liệu của cơ quan có thẩm quyền chứng minh nội dung thay đổi, ký xác nhận vào Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư.

- Chuyển Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư và tài liệu liên quan chứng minh nội dung thay đổi về cho Công an cấp xã nơi công dân đăng ký thường trú để kiểm tra, phê duyệt, cập nhật thông tin của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

- Sau khi Công an cấp xã nơi công dân đăng ký thường trú đã phê duyệt, cập nhật thông tin của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì chuyển Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư lên Công an cấp huyện để thực hiện thủ tục giải quyết đăng ký thường trú; thực hiện chuyển Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư về bộ phận tàng thư hồ sơ hộ khẩu Công an cấp huyện.

c) Công an cấp huyện tại địa phương không có đơn vị hành chính cấp xã thực hiện việc cập nhật thông tin về công dân từ công tác đăng ký thường trú và lưu Phiếu thu thập thông tin dân cư tại tàng thư hồ sơ hộ khẩu.

3. Cập nhật thông tin về công dân từ công tác cấp thẻ Căn cước công dân:

- Tại đơn vị tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân: Cán bộ Công an tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết cấp Căn cước công dân kiểm tra thông tin về công dân đến yêu cầu cấp Căn cước công dân. Trường hợp công dân đề nghị cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì đề nghị công dân kê khai, ký xác nhận vào Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư; tiến hành kiểm tra, đối chiếu với các giấy tờ, tài liệu của cơ quan có thẩm quyền chứng minh nội dung thay đổi, ký xác nhận vào Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư.

- Chuyển Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư về cho Công an cấp xã nơi công dân đăng ký thường trú để kiểm tra, phê duyệt, cập nhật thông tin của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

- Sau khi Công an cấp xã nơi công dân đăng ký thường trú đã phê duyệt, cập nhật thông tin của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì chuyển Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư về cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Căn cước công dân để thực hiện thủ tục giải quyết cấp Căn cước công dân; thực hiện chuyển Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư về bộ phận tàng thư hồ sơ hộ khẩu Công an cấp huyện nơi công dân có đăng ký thường trú.

4. Cập nhật thông tin về công dân khi công dân có yêu cầu:

Công dân đến Công an cấp xã, xuất trình giấy tờ chứng minh sự thay đổi thông tin. Cán bộ Công an tiếp nhận đề nghị công dân kê khai, ký xác nhận vào Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư; tiến hành kiểm tra, đối chiếu với các giấy tờ, tài liệu của cơ quan có thẩm quyền chứng minh nội dung thay đổi, ký đề xuất Trưởng Công an cấp xã phê duyệt, cập nhật thông tin của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chuyển Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư lên Công an cấp huyện để lưu vào tàng thư hồ sơ hộ khẩu.

5. Cập nhật thông tin về công dân từ cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia khác như sau:

Cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia khác thực hiện cập nhật thông tin về công dân vào Cơ dữ liệu quốc gia về dân cư khi có sự thay đổi thông tin về công dân. Chuyển thông tin được cập nhật của công dân từ Cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia khác về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kèm theo căn cứ pháp lý xác định việc cập nhật thông tin của công dân. Việc cập nhật thông tin về công dân thông qua việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia khác.

Điều 6. Chỉnh sửa thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Trường hợp cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cấp huyện, cấp tỉnh, cấp Trung ương phát hiện có sự sai sót trong quá trình thu thập, cập nhật, quản lý thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì có văn bản đề nghị Công an cấp xã nơi công dân đăng ký thường trú kiểm tra tính pháp lý, tính chính xác của các thông tin cần chỉnh sửa.

Trường hợp cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cấp xã phát hiện có sự sai sót trong quá trình thu thập, cập nhật, quản lý thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì đề nghị công dân xuất trình giấy tờ chứng minh nội dung thông tin chính xác của công dân.

- Cán bộ cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cấp xã lập biên bản về việc phát hiện có sự sai sót trong quá trình thu thập, cập nhật, quản lý thông tin về công dân kèm theo giấy tờ, tài liệu liên quan chứng minh thông tin chính xác của công dân; báo cáo Trưởng Công an cấp xã phê duyệt việc chỉnh sửa thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

- Sau khi Trưởng Công an cấp xã phê duyệt thì thực hiện việc điều chỉnh thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

 

Chương III

CƠ SỞ DỮ LIỆU CĂN CƯỚC CÔNG DÂN

 

Điều 7. Thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân

1. Cơ sở dữ liệu căn cước công dân được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú để thu thập, cập nhật, chia sẻ thông tin về công dân.

2. Việc thu thập, cập nhật thông tin về công dân vào Cơ sở dữ liệu căn cước công dân trong quá trình cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân được thực hiện như sau:

a) Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân có trách nhiệm kiểm tra, thu thập các thông tin về công dân vào Cơ sở dữ liệu căn cước công dân từ Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân.

b) Trường hợp thông tin về công dân có thay đổi khi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân, cán bộ tiếp nhận hồ sơ đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân có trách nhiệm lập Phiếu điều chỉnh thông tin căn cước công dân và thực hiện như sau:

- Nếu thông tin về công dân do cơ quan có thẩm quyền cho phép thay đổi thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra thông tin về công dân và báo cáo thủ trưởng cơ quan mình để quyết định cập nhật thông tin về công dân.

- Nếu thông tin về công dân có sự thay đổi do sai sót trong quá trình cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra thông tin về công dân và báo cáo thủ trưởng cơ quan mình để làm thủ tục đề xuất thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an quyết định chỉnh sửa thông tin về công dân.

3. Các thông tin về công dân có thay đổi phải được cập nhật, chỉnh sửa kịp thời, chính xác, đầy đủ vào Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

Điều 8. Thẩm quyền thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân

1. Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước công dân nơi tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân quyết định thu thập, cập nhật thông tin về công dân vào Cơ sở dữ liệu căn cước công dân khi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

2. Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an quyết định chỉnh sửa thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; kết nối Cơ sở dữ liệu căn cước công dân với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác để thu thập, cập nhật, chia sẻ thông tin về công dân.

Điều 9. Khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân

1. Các trường hợp được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân:

a) Cơ quan quản lý căn cước công dân được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân phục vụ công tác cấp, đổi, cấp lại, quản lý thẻ Căn cước công dân;

b) Công an các đơn vị, địa phương được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân phục vụ yêu cầu nghiệp vụ của ngành Công an và phòng, chống tội phạm;

c) Cơ quan tiến hành tố tụng được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử;   

d) Công dân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân;

đ) Cơ quan, tổ chức và công dân không thuộc quy định tại các điểm a, b, c và d Khoản này có nhu cầu khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân phải có văn bản yêu cầu cung cấp thông tin và được sự đồng ý của người có thẩm quyền quy định tại Điều 10 Thông tư này; văn bản yêu cầu cung cấp thông tin phải nêu rõ lý do chính đáng đề nghị cung cấp, các thông tin cụ thể cần cung cấp và cam đoan chịu trách nhiệm trong sử dụng thông tin khi được cung cấp.

2. Thủ tục khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân:

a) Cơ quan, tổ chức có nhu cầu khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân phải có văn bản đề nghị nêu rõ mục đích, nội dung thông tin cần khai thác và được thủ trưởng cơ quan, tổ chức đó ký tên, đóng dấu.

b) Công dân có nhu cầu khai thác thông tin thì có văn bản yêu cầu nêu rõ mục đích, nội dung thông tin cần khai thác; xuất trình thẻ Căn cước công dân để cơ quan Công an kiểm tra, xác định đúng người đề nghị khai thác thông tin.

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu khai thác thông tin, người có thẩm quyền quy định tại Điều 10 Thông tư này quyết định đồng ý hoặc không đồng ý cho phép khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Trường hợp đồng ý cho phép khai thác thông tin thì có văn bản trả lời và cung cấp thông tin cho cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trường hợp từ chối cung cấp thông tin thì phải có văn bản trả lời cho cơ quan, tổ chức, công dân biết và nêu rõ lý do.

Điều 10. Thẩm quyền cho phép khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân

1. Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện có thẩm quyền cho phép khai thác thông tin về công dân cư trú tại địa phương thuộc phạm vi quản lý.

2. Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an có thẩm quyền:

a) Cho phép khai thác các thông tin về công dân trên phạm vi toàn quốc;

b) Cho phép khai thác, tra cứu vân tay được lưu trữ, quản lý trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân tại cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an.

 

Chương IV

CẤP, QUẢN LÝ THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN

 

Điều 11. Trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân

1. Trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân như sau:

a) Công dân đến địa điểm tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Căn cước công dân, xuất trình Sổ hộ khẩu, các giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền để chứng minh nội dung thông tin của công dân.

b) Cán bộ thu nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ Căn cước công dân tại địa điểm tiếp nhận hồ sơ tiến hành kiểm tra, đối chiếu thông tin của công dân trong Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân trong phần mềm cấp Căn cước công dân đã được cập nhật, đồng bộ từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với thông tin trong Sổ hộ khẩu, giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền chứng minh nội dung thông tin của công dân để xác định chính xác người được cấp thẻ và thống nhất các nội dung thông tin về công dân.

c) Trường hợp công dân chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số, thẻ Căn cước công dân gắn mã vạch sang thẻ Căn cước công dân có gắn chíp thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ thu, nộp, xử lý Chứng minh nhân dân theo quy định tại Điều 13 Thông tư này.

d) Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân tiến hành chụp ảnh, thu thập vân tay, đặc điểm nhân dạng của người đến làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân.

Ảnh chân dung của công dân là ảnh màu, phông nền trắng, chụp chính diện, đầu để trần, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính; trang phục, tác phong nghiêm túc, lịch sự, không được sử dụng trang phục chuyên ngành khi chụp ảnh thẻ Căn cước công dân; riêng đối với trường hợp công dân theo tôn giáo, dân tộc thì được phép mặc lễ phục tôn giáo, dân tộc đó, nếu có khăn đội đầu thì được giữ nguyên khi chụp ảnh thẻ Căn cước công dân nhưng phải bảo đảm rõ mặt;

Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân thu nhận vân tay của công dân qua máy thu nhận vân tay bằng hình thức thu nhận vân tay phẳng 4 ngón chụm bàn tay phải, 4 ngón chụm bàn tay trái, 2 ngón cái và lần lượt từng vân tay lăn; trường hợp ngón tay bị cụt, khèo, dị tật, không lấy được vân tay thì ghi nội dung cụ thể vào vị trí tương ứng của ngón đó.

Sau khi hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp Căn cước công dân cho công dân, cán bộ thu nhận hồ sơ in Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân để công dân kiểm tra, đối chiếu thông tin.

đ) Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cho người đến làm thủ tục. Trường hợp hồ sơ, thủ tục chưa đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn công dân hoàn thiện để cấp thẻ Căn cước công dân.

e) Cơ quan nơi tiếp nhận hồ sơđề nghị cấp Căn cước công dân thực hiện việctrả thẻ Căn cước công dân theo thời gian và địa điểmghitrong giấy hẹn.Trường hợp công dân đăng ký trả thẻ Căn cước công dân đến địa chỉ theo yêu cầu thì cơ quan Công an lập danh sách, phối hợp với bưu điện để thực hiện và công dân phải trả phí chuyển phát theo quy định.

2. Người đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình thì phải có người đại diện hợp pháp đến cùng để làm thủ tục theo quy định tại điểm a, b, c, đ, e khoản 1 Điều này.

Điều 12. Trình tự, thủ tục đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân

Trình tự, thủ tục đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân như sau:

1. Thực hiện các thủ tục theo quy định tại Điều 11 Thông tư này;

2. Trường hợp đổi thẻ Căn cước công dân do thay đổi thông tin ghi trên thẻ Căn cước công dân mà thông tin đó chưa có hoặc chưa được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân nộp bản sao và xuất trình bản chính văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc thay đổi các thông tin này để kiểm tra, xác thực và cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

3. Thu lại thẻ Căn cước công dân đã sử dụng trong trường hợp công dân làm thủ tục đổi thẻ Căn cước công dân;

4. Công dân nộp lệ phí đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân theo quy định.

Điều 13. Thu, nộp, xử lý Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân khi công dân chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số, thẻ Căn cước công dân gắn mã vạch sang thẻ Căn cước công dân có gắn chíp và xác nhận số Chứng minh nhân dân

Khi công dân làm thủ tục chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số, thẻ Căn cước công dân gắn mã vạch sang thẻ Căn cước công dân có gắn chíp thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ tiến hành như sau:

1. Đối với Chứng minh nhân dân 9 số:

a) Trường hợp Chứng minh nhân dân 9 số còn rõ nét (ảnh, số Chứng minh nhân dân và chữ) thì cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cùng Chứng minh nhân dân chưa cắt góc cho công dân đến làm thủ tục để sử dụng trong thời gian chờ cấp thẻ Căn cước công dân. Khi trả thẻ Căn cước công dân, cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị công dân nộp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cùng với Chứng minh nhân dân và tiến hành cắt góc phía trên bên phải mặt trước của Chứng minh nhân dân đó, mỗi cạnh góc vuông là 2cm, ghi vào hồ sơ và trả Chứng minh nhân dân đã được cắt góc cho người đến nhận thẻ Căn cước công dân; trường hợp công dân yêu cầu trả thẻ Căn cước công dân qua đường chuyển phát đến địa chỉ theo yêu cầu thì cơ quan quản lý căn cước công dân nơi tiếp nhận hồ sơ tiến hành cắt góc và trả Chứng minh nhân dân đã cắt góc ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ của công dân.

b) Trường hợp Chứng minh nhân dân 9 số bị hỏng, bong tróc, không rõ nét (ảnh, số Chứng minh nhân dân và chữ) thì thu, hủy Chứng minh nhân dân đó, ghi vào hồ sơ và cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân.

2. Đối với Chứng minh nhân dân 12 số, thẻ Căn cước công dân gắn mã vạch:

a) Trường hợp Chứng minh nhân dân 12 số, thẻ Căn cước công dân gắn mã vạch còn rõ nét (ảnh, số Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân và chữ) thì cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cùng Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân chưa cắt góc cho công dân đến làm thủ tục để sử dụng trong thời gian chờ cấp thẻ Căn cước công dân có gắn chíp. Khi trả thẻ Căn cước công dân, cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị công dân nộp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cùng với Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân gắn mã vạch và tiến hành cắt góc phía trên bên phải mặt trước của Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân có gắn mã vạch đó, mỗi cạnh góc vuông là 1,5cm, ghi vào hồ sơ và trả cho công dân; trường hợp công dân yêu cầu trả thẻ Căn cước công dân qua đường chuyển phát đến địa chỉ theo yêu cầu thì cơ quan quản lý căn cước công dân nơi tiếp nhận hồ sơ tiến hành cắt góc và trả Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân gắn mã vạch đã cắt góc ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ của công dân.

b) Trường hợp Chứng minh nhân dân 12 số, thẻ Căn cước công dân có gắn mã vạch bị hỏng, bong tróc, không rõ nét (ảnh, số Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân và chữ) thì thu, hủy Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân đó, ghi vào hồ sơ.

3. Cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân:

a) Khi công dân làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân thì cơ quanquản lý căn cước công dânnơi tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân đối với tất cả các trường hợp chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số sang thẻ Căn cước công dân.

Cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Căn cước công dân có trách nhiệm tra cứu, xác minh thông tin của công dân qua tàng thư căn cước công dân. Sau khi có kết quả xác minh thìcơ quanquản lý căn cước công dânnơi tiếp nhận hồ sơ tiến hành kiểm tra, đối chiếu thông tin, nếu thông tin hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ trìnhthủ trưởng đơn vị kýGiấy xác nhận số Chứng minh nhân dânvà trả cho công dân cùng với thẻ Căn cước công dân; trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì trả lờibằng văn bản vànêu rõ lý do.

b) Trường hợp công dân đã được cấp thẻ Căn cước công dân nhưng chưa được cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dânhoặc bị mất Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dânthì thực hiện như sau:

Công dâncó văn bản đề nghị cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân,xuất trình bản chính và nộp bản sao thẻ Căn cước công dân, bản sao Chứng minh nhân dân 9 số (nếu có) cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ tạicơ quan quản lý căn cước công dân nơi đã làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.Cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra thông tin của công dân, trường hợp thông tin hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơvà viết giấy hẹn trả kết quả cho công dân; trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì trả lời công dânbằng văn bản vànêu rõ lý do.

Thời hạn cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân là 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Điều 14. Phân cấp giải quyết cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân

1. Cơ quan quản lý căn cước công dân Công an cấp huyện và đơn vị hành chính tương đương tiếp nhận hồ sơ giải quyết các trường hợp cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân có nơi đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại địa phương đó.

2. Cơ quan quản lý căn cước công dân Công an cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân có nơi đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó; các trường hợp đổi thẻ Căn cước công dân theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước công dân và cấp lại thẻ Căn cước công dân đối với công dân có nơi đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.

3. Cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ đổi thẻ Căn cước công dân khi công dân có yêu cầu và các trường hợp đặc biệt khác do thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an quyết định.

Điều 15. Tổ chức cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân lưu động trong trường hợp cần thiết

1. Cơ quan quản lý căn cước công dân tiến hành tổ chức cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân lưu động nếu xét thấy cần thiết.

2. Cơ quan quản lý căn cước công dân tổ chức cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân tại nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc khi có văn bản đề nghị của thủ trưởng các cơ quan này.

3. Cơ quan quản lý căn cước công dân tổ chức cấp thẻ Căn cước công dân tại chỗ ở của công dân đối với trường hợp người già yếu, bệnh tật, ốm đau không thể đi lại có xác nhận của Công an cấp xã nơi người đó cư trú.

Điều 16. Sắp xếp, lưu giữ, quản lý hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân

Hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân được sắp xếp, lưu giữ theo quy định tại tàng thư căn cước công dân của Công an cấp tỉnh nơi công dân thường trú để quản lý và khai thác.

 

Chương V

TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG AN CÁC ĐƠN VỊ, ĐỊA PHƯƠNG VỀ CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ DÂN CƯ, CƠ SỞ DỮ LIỆU CĂN CƯỚC CÔNG DÂN, CẤP, QUẢN LÝ THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN

 

Điều 17. Trách nhiệm của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội

1. Tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân. Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra Công an các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân.

2. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; xây dựng kế hoạch và chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Công an các đơn vị, địa phương trong việc triển khai thu thập, cập nhật, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

3. Quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

4. Tổ chức sản xuất, quản lý thẻ Căn cước công dân; chủ trì, phối hợp với Cục Kế hoạch và tài chính, Cục Trang bị và kho vận, Viện Khoa học và công nghệ và các đơn vị có liên quan bảo đảm kinh phí hoạt động, trang cấp vật tư, phương tiện, biểu mẫu phục vụ công tác cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân.

5. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm liên quan đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân theo quy định của pháp luật.

6. Sơ kết, tổng kết, thống kê về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân.

Điều18. Trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an

1. Cục Tổ chức cán bộ, Cục Đào tạocó trách nhiệm phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đề xuất mô hình tổ chức, biên chế, chế độ, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân.

2. Cục Kế hoạch và tài chính có trách nhiệm phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội bố trí kinh phí thường xuyên phục vụ xây dựng và duy trì hoạt động của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân theo quy định của Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện

3. Cục Công nghệ thông tin, Viện Khoa học và công nghệ, Cục Viễn thông và cơ yếucó trách nhiệm phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội hướng dẫn, đảm bảo cho Công an các đơn vị, địa phương về kỹ thuật, công nghệ, bảo mật thông tin trong xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; cấp, quản lý Căn cước công dân.

4. Cục Hậu cần, Cục Trang bị và kho vận có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội hướng dẫn, đảm bảo cho Công an các đơn vị, địa phương về vật tư, trang thiết bị trong xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cấp, quản lý Căn cước công dân.

Điều 19. Trách nhiệm của Công an cấp tỉnh

1. Trực tiếp thực hiện và tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân; tổ chức thu thập, cập nhật, chuẩn hóa thông tin về dân cư trong phạm vi quản lý vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

2. Đào tạo, bồi dưỡng, đề xuất biên chế đội ngũ cán bộ phục vụ công tác xây dựng, thu thập, cập nhật thông tin và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân trong phạm vi quản lý.

3. Tổ chức công tác cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân tại địa phương.

4. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân trong phạm vi quản lý.

5. Sơ kết, tổng kết, thống kê về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân tại địa bàn quản lý và báo cáo về Bộ Công an.

Điều 20. Trách nhiệm của Công an cấp huyện

1. Xây dựng kế hoạch và triển khai thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin về dân cư trong phạm vi quản lý.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Công an cấp xã về thu thập thông tin về công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

3. Tổ chức thực hiện công tác cấp, quản lý Căn cước công dân, kiểm tra việc sử dụng thẻ Căn cước công dân của công dân trong địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật.

4. Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân theo quy định của pháp luật.

5. Tổ chức sơ kết, tổng kết, thống kê về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân theo quy định.

Điều 21. Trách nhiệm của Công an cấp xã

1. Thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

2. Nắm tình hình, thống kê, rà soát người đến độ tuổi được cấp Căn cước công dân; phối hợp với Công an cấp trên trong tổ chức cấp Căn cước công dân tại địa bàn.

3. Tổ chức kiểm tra việc sử dụng thẻ Căn cước công dân trong phạm vi địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật.

 

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 22. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày .. tháng .. năm 2021. Thay thế Thông tư số 07/2016/TT-BCA ngày 01tháng02năm2016 quy định chi tiết một số điều của Luật Căn cước công dânvà Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31tháng12năm2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân vàThông tư số 40/2019/TT-BCA ngày 01tháng10năm2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2016/TT-BCA ngày 01tháng02năm2016 quy định chi tiết một số điều của Luật Căn cước công dânvà Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31tháng12năm2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật CCCD.

Điều 23. Trách nhiệm thi hành

1. Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

2. Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội) để có hướng dẫn kịp thời./.   

Nơi nhận:

- Các đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an;

- Các đơn vị trực thuộc Bộ Công an;

- Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Cổng TTĐT Bộ Công an;

- Lưu: VT, C06 (TTDLDC-Tổ 2).

BỘ TRƯỞNG

 

 

Đại tướng Tô Lâm

Ghi chú

văn bản tiếng việt

văn bản TIẾNG ANH

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

×
×
×
Vui lòng đợi