Công văn 972/BTP-TCCB của Bộ Tư pháp về việc tổ chức thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Báo cáo 972/BTP-TCCB
Cơ quan ban hành: | Bộ Tư pháp |
Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 972/BTP-TCCB |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Báo cáo |
Người ký: | Hà Hùng Cường |
Ngày ban hành: | 01/04/2009 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Tư pháp-Hộ tịch |
tải Báo cáo 972/BTP-TCCB
BỘ TƯ PHÁPSố: 972/BTP-TCCB V/v tổ chức thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 01 tháng 4 năm 2008 |
Kính gửi: - Sở Tư pháp;
- Thi hành án dân sự các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương.
Thời gian qua, nhiều Sở Tư pháp, Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động, tích cực tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện ý kiến Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai công tác năm 2009 của ngành Tư pháp, bước đầu đạt được kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến mới về nhận thức, hành động trong triển khai đồng bộ, toàn diện công tác tư pháp ở địa phương, góp phần đáp ứng kịp thời yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương và của ngành Tư pháp. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, một số địa phương tổ chức triển khai còn chậm, chưa đồng bộ, thống nhất, có nơi còn lúng túng.Để khắc phục những tồn tại trên và tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ, sâu sắc ý kiến Kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp yêu cầu Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tổ chức quán triệt Kết luận của Thủ tướng và Chương trình công tác trọng tâm năm 2009 của ngành Tư pháp đến toàn thể cán bộ, công chức các cơ quan tư pháp và cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn; đặc biệt, căn cứ vào tình hình, điều kiện cụ thể của địa phương, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ, trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt trước ngày 20/4/2009, trong đó tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:
1. Về nâng cao chất lượng xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật và triển khai thực hiện nhiệm vụ theo dõi chung về thi hành pháp luật
Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Uỷ ban nhân dân cùng cấp và các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là UBND cấp tỉnh):
- Tổ chức thực hiện rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đặc biệt là các lĩnh vực đang bức xúc hiện nay như đất đai, đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính…, để phát hiện những quy định, trình tự, thủ tục chồng chéo, bất hợp lý, gây khó khăn, cản trở đối với người dân và doanh nghiệp để trình UBND cấp tỉnh sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ nhằm rút ngắn quy trình, thời gian giải quyết công việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước, đáp ứng kịp thời các giải pháp của Chính phủ và địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, kích cầu đầu tư, tiêu dùng, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng hợp lý.
- Xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về quy trình soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của địa phương để bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, tạo điều kiện để cơ quan tư pháp chủ động tham gia ngay từ đầu vào quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng thẩm định. Trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cần mạnh dạn nghiên cứu, đề xuất những chính sách, giải pháp mới mang tính đột phá trong thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra tại địa phương.
- Xây dựng, ban hành cơ chế phối hợp giữa Sở Tư pháp với các cấp, các ngành để thực hiện tốt nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật, tạo cơ chế phát hiện kịp thời những vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn ở địa phương của các văn bản quy phạm pháp luật để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
- Củng cố, kiện toàn tổ chức, bố trí cán bộ đủ năng lực, trình độ để triển khai, thực hiện hiệu quả công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi chung về thi hành pháp luật trên địa bàn cấp tỉnh.
- Trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định cụ thể về chế độ kinh phí hỗ trợ công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật áp dụng trên địa bàn cấp tỉnh. Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ, hàng năm ngân sách địa phương cần đầu tư thoả đáng cho công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương.
2. Về triển khai thực hiện Luật thi hành án dân sự và Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật thi hành án dân sự
a) Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh uỷ một số nội dung triển khai Luật thi hành án dân sự, việc chuyển đổi mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn theo quy định của Luật thi hành án dân sự; đồng thời, tham mưu, giúp UBND tỉnh:
- Ban hành chỉ thị của UBND cấp tỉnh về triển khai tuyên truyền, thi hành Luật thi hành án dân sự tại địa phương.
- Tổ chức phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản của Luật thi hành án dân sự, các văn bản hướng dẫn thi hành và chỉ thị trên của UBND cấp tỉnh đến cơ quan, tổ chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức thống nhất và chấp hành nghiêm pháp luật về thi hành án dân sự.
- Chỉ đạo tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chức năng để thực hiện công tác thi hành án dân sự, gắn kết công tác thi hành án dân sự với việc phục vụ thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội ở địa phương; đồng thời, có chủ trương, biện pháp chỉ đạo sát sao, mạnh mẽ, quyết liệt để giảm số án tồn đọng, nhất là những vụ việc phức tạp, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội ở địa phương, tạo chuyển biến cơ bản trong công tác thi hành án dân sự.
- Chuẩn bị các điều kiện và thủ tục cần thiết để đến ngày 01/7/2009, thực hiện tốt việc chuyển đổi các cơ quan thi hành án dân sự hiện nay sang mô hình tổ chức mới theo quy định của Luật thi hành án dân sự, trong đó có việc chuyển giao việc quản lý một số mặt công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan Thi hành án dân sự từ Giám đốc Sở Tư pháp sang Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh theo kế hoạch.
- Kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể trong các cơ quan thi hành án dân sự phù hợp với mô hình tổ chức và cơ chế quản lý mới.
b) Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Tư pháp thực hiện một số công việc sau:
- Căn cứ điều kiện cụ thể tại địa phương, đề xuất với Bộ để kiện toàn cơ cấu tổ chức, biên chế, cơ cấu cán bộ của các cơ quan thi hành án dân sự phù hợp với Luật thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ để xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ thi hành án, trên cơ sở đó đề nghị Bộ trưởng bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo và chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự ở địa phương cho phù hợp với mô hình tổ chức mới của các cơ quan này theo Luật thi hành án dân sự. Thực hiện hiệu quả việc điều động, biệt phái, luân chuyển cán bộ thi hành án phù hợp với yêu cầu công tác của từng cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh.
- Rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, đầu tư xây dựng, sửa chữa trụ sở làm việc, kho vật chứng của các cơ quan thi hành án, trên cơ sở đó kiến nghị với Bộ về kế hoạch sửa chữa, nâng cấp, đồng thời hoàn chỉnh quy hoạch, kế hoạch xây dựng trụ sở làm việc cho phù hợp với mô hình tổ chức Toà án khu vực trong Chiến lược cải cách tư pháp.
- Phối hợp với Viện kiểm sát cùng cấp lập danh sách các việc thi hành có khoản thu cho ngân sách nhà nước có giá trị không quá 500.000 đồng (năm trăm ngàn đồng), mà thời gian tổ chức thi hành án đã quá 05 năm, tính đến thời điểm Luật thi hành án dân sự có hiệu lực nhưng người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án để đề nghị Toà án cấp huyện nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở ra quyết định miễn thi hành đối với khoản nghĩa vụ đó trước ngày 10 tháng 7 năm 2009.
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thi hành án dân sự theo quy định của Luật thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ, công chức cơ quan thi hành án dân sự và cán bộ, công chức các cơ quan, tổ chức có liên quan trên địa bàn cấp tỉnh.
3. Về kiện toàn tổ chức, cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Căn cứ vào Thông tư liên tịch mới thay thế Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT/TP-NV ngày 05/5/2005 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ thực hiện:
- Rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, cơ cấu và số lượng biên chế của Sở Tư pháp, tổ chức pháp chế của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (sau đây gọi là tổ chức pháp chế), Phòng Tư pháp và Tư pháp cấp xã, trên cơ sở đó xây dựng, trình UBND cấp tỉnh đề án kiện toàn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, biên chế của Sở Tư pháp, tổ chức pháp chế, Phòng Tư pháp và Tư pháp cấp xã; trong đó, cần xác định rõ số lượng, tên gọi của các tổ chức thuộc Sở Tư pháp, mô hình tổ chức của tổ chức pháp chế (Phòng Pháp chế hoặc công chức pháp chế chuyên trách), cơ cấu và số lượng biên chế của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và Tư pháp cấp xã.
- Trình UBND cấp tỉnh quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, biên chế và cơ cấu cán bộ của Sở Tư pháp; phối hợp với thủ trưởng các cơ quan chuyên môn cùng cấp trình UBND cấp tỉnh thành lập Phòng Pháp chế hoặc bố trí công chức làm công tác pháp chế trong các cơ quan đó; tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp huyện quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, bổ sung đủ biên chế cho Phòng Tư pháp, trong đó đảm bảo mỗi Phòng Tư pháp có từ 5 cán bộ trở lên; tham mưu, giúp Chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ sung thêm cán bộ Tư pháp cấp xã cho phù hợp với những nơi có khối lượng công việc lớn mà cán bộ tư pháp đang bị quá tải, không đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng công việc bị ảnh hưởng, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp;
- Trình UBND cấp tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về lý luận chính trị, đạo đức công vụ, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ cho cán bộ làm công tác tư pháp và thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, đảm bảo trang bị đủ kiến thức quy định theo tiêu chuẩn, trong đó đặc biệt chú trọng đến đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng về chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với vị trí công tác đang đảm nhận và quy hoạch cán bộ ở địa phương, đặc biệt là cán bộ làm công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá, theo dõi thi hành pháp luật, cán bộ làm công tác pháp chế và cán bộ Tư pháp - hộ tịch cấp xã. Phấn đấu đến năm 2010, 100% công chức Sở Tư pháp, tổ chức pháp chế, Phòng Tư pháp, các cơ quan thi hành án dân sự được trang bị kỹ năng nghiệp vụ theo yêu cầu công vụ và có khả năng hoàn thành có chất lượng nhiệm vụ được giao, được trang bị kiến thức về văn hoá công sở, đạo đức và ý thức trách nhiệm; 100% công chức Tư pháp - hộ tịch cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, có đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong đó số công chức có trình độ trung cấp luật và trung cấp khác trở lên tại các vùng đô thị, đồng bằng, vùng núi có tỷ lệ tương ứng là 95%, 80% và 70%.
Sở Tư pháp phối hợp với Sở Nội vụ: tham mưu, đề xuất với UBND cấp tỉnh việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút những người có phẩm chất, có trình độ, năng lực phù hợp với từng tiêu chuẩn chức danh cán bộ đến công tác tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; trong đó, cần đặc biệt chú trọng tới đối tượng đến công tác tại các cơ quan tư pháp, tổ chức pháp chế và cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở Kế hoạch được UBND cấp tỉnh ban hành, Sở Tư pháp, Thi hành án dân sự tỉnh phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện, hàng tháng báo cáo kết quả với UBND tỉnh và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Văn phòng Bộ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Công văn này./.
Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ (để b/c); - Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng (để b/c); - Bộ Nội vụ, VP Chính phủ (để phối hợp); - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Lãnh đạo Bộ; - Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Các đơn vị thuộc Bộ; - Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp; - Lưu: VT, Vụ TCCB. | BỘ TRƯỞNG
(đã ký)
Hà Hùng Cường |
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây