Báo cáo 245 BC/UBTVQH12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • VB gốc
  • Tiếng Anh
  • Hiệu lực
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Nội dung MIX

    - Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…

    - Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.

  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
Ghi chú

thuộc tính Báo cáo 245 BC/UBTVQH12

Báo cáo 245 BC/UBTVQH12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh
Cơ quan ban hành: Ủy ban Thường vụ Quốc hộiSố công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:245 BC/UBTVQH12Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Báo cáoNgười ký:Tòng Thị Phóng
Ngày ban hành:17/06/2009Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Tư pháp-Hộ tịch

tải Báo cáo 245 BC/UBTVQH12

Tải văn bản tiếng Việt (.doc) Báo cáo 245 BC/UBTVQH12 DOC (Bản Word)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Tải văn bản tiếng Việt (.zip) Báo cáo 245 BC/UBTVQH12 ZIP (Bản Word)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

----------------------

Số:  245 BC/UBTVQH12

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------------

Hà Nội, ngày 17 tháng 06 năm 2009

 

 

BÁO CÁO

GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI,

BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐIỆN ẢNH
----------------------

 

Kính gửi: Các vị đại biểu Quốc hội,

 

Tại buổi thảo luận Tổ chiều 22 tháng 5 và thảo luận ở Hội trường sáng 28 tháng 5 năm 2009, các vị đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh.

Đa số các vị đại biểu cơ bản tán thành về nội dung sửa đổi, bổ sung thể hiện trong dự thảo Luật , đồng thời  đã góp nhiều ý kiến vào một số điều, khoản cụ thể.

Sau phiên họp sáng 28/5/2009 của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng và cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

UBTVQH xin báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh như sau:

1. Một số điều liên quan đến cam kết của Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO)

1.1 Về liên doanh, liên kết trong lĩnh vực sản xuất phim, phát hành phim và phổ biến phim

- Có ý kiến cho rằng, về quy định mức vốn góp của phía nước ngoài không quá 51% vốn pháp định của liên doanh,  tỷ lệ 51% về bản chất là không khác với tỷ lệ 90%; có ý kiến băn khoăn về việc các doanh nghiệp liên doanh có tỷ lệ góp vốn của phía nước ngoài trên 51% đã được thành lập theo Luật hiện hành thì xử lý ra sao?

UBTVQH giải trình như sau: mức vốn góp của phía nước ngoài không quá 51% vốn pháp định của liên doanh là tỷ lệ chúng ta đã cam kết khi gia nhập WTO và đã được Quốc hội khóa XI phê chuẩn tại Nghị quyết số 71/2006/QH11. Theo quy định tại khoản 3 Điều 104 Luật Doanh nghiệp về thẩm quyền của đại hội cổ đông, thì những cổ đông có tỷ lệ vốn góp 65%, 75% và 100% có quyền hạn khác nhau. Vì vậy, UBTV xin giữ quy định tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài là không quá 51% vốn pháp định như  trong Dự thảo Luật.

Sau khi Luật này có hiệu lực, theo quy định tại Điều 170 Luật Doanh nghiệp, những doanh nghiệp liên doanh có tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài trên 51% đã thành lập từ trước vẫn được tiếp tục hoạt động đến hết thời hạn ghi trong Giấy phép đầu tư .

- Có ý kiến băn khoăn về cụm từ “dịch vụ sản xuất phim” trong Điều 23 Luật Điện ảnh có trùng với khái niệm “dịch vụ sản xuất phim” trong Biểu cam kết của Việt Nam gia nhập WTO không?

UBTVQH giải trình như sau: cụm từ “dịch vụ sản xuất phim” trong Biểu cam kết của Việt Nam gia nhập WTO là ngành dịch vụ sản xuất phim, còn cụm từ “dịch vụ sản xuất phim” tại Điều 23 trong Luật Điện ảnh hiện hành được hiểu là dịch vụ cung cấp các phương tiện, thiết bị …để sản xuất từng bộ phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Do vậy nội dung hai khái niệm này là khác nhau.

1.2 Về tiêu chuẩn giám đốc doanh nghiệp sản xuất phim

- Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về tiêu chuẩn giám đốc doanh nghiệp sản xuất phim phải cư trú tại Việt Nam, có tài khoản tại ngân hàng Việt Nam.

UBTVQH nhận thấy, vấn đề quan trọng nhất là kiểm soát nội dung phim  trước khi phổ biến. Trong Luật Điện ảnh hiện hành đã qui định cụ thể về điều kiện được cấp phép phổ biến phim sản xuất trong nước và phim nhập khẩu. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh kiểm soát nội dung trước khi phim được đưa ra phổ biến, không phân biệt đó là phim do doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài sản xuất. Những quy định về điều kiện cư trú tại Việt Nam, có tài khoản tại ngân hàng Việt Nam đối với giám đốc doanh nghiệp sản xuất phim là người nước ngoài thực tế ít tác dụng. Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cũng không quy định những điều kiện này. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định như trong Dự thảo Luật để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

1.3 Về điều kiện nhập khẩu phim

- Nhiều ý kiến đề nghị bỏ điều kiện có rạp đối với doanh nghiệp điện ảnh khi nhập khẩu phim; ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng điều kiện “có rạp” là rào cản kỹ thuật để hạn chế việc nhập khẩu phim.

Về vấn đề này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, tại Tờ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội số 189/TTr-CP ngày 12/12/2008, Chính phủ đề nghị sửa đổi điều kiện  nhập khẩu phim như sau: “Doanh nghiệp điện ảnh có rạp chiếu phim được quyền nhập khẩu phim theo qui định của pháp luật về xuất khẩu, nhập khẩu”.

Tiếp thu ý kiến tại các phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã rút đề xuất nêu trên, không đề nghị sửa đổi nội dung này trong Tờ trình Quốc hội số 62/TTr-CP ngày 05/5/2009.

2. Về sản xuất phim đặt hàng, sử dụng ngân sách nhà nước

- Nhiều ý kiến đại biểu tán thành rằng áp dụng phương thức đấu thầu sản xuất phim thì phải theo quy định của Luật Đấu thầu, nhưng cần lưu ý đến tính đặc thù của lĩnh vực sản xuất phim để vận dụng sao cho phù hợp; có ý kiến đề nghị giao cho Chính phủ quy định chi tiết việc này.

UBTVQH nhận thấy đấu thầu trong sản xuất phim có tính đặc thù riêng. Việc đấu thầu sản xuất phim không chỉ căn cứ vào giá thành mà còn phụ thuộc vào phương án sản xuất, năng lực của đạo diễn, quay phim, diễn viên cũng như các thành phần sáng tác khác. Tiếp thu ý kiến của đại biểu, UBTVQH đề nghị sửa Khoản 3 Điều 24 như sau:

“3. Đối với phim sử dụng ngân sách nhà nước, chủ đầu tư dự án sản xuất phim phải thành lập Hội đồng thẩm định kịch bản; được quyết định hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu để lựa chọn dự án sản xuất phim, bảo đảm chất lượng tác phẩm và hiệu quả kinh tế-xã hội.

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành khoản này.”

3. Về vấn đề quản lý phim phát sóng trên truyền hình

- Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm giữa Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch với Bộ Thông tin -Truyền thông và các đài truyền hình trong việc quản lý nội dung phim phát sóng trên truyền hình.

UBTVQH thấy rằng, theo quy định của Luật Điện ảnh hiện hành, Bộ Văn hoá - Thông tin chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về điện ảnh; Tổng Giám đốc, Giám đốc các đài phát thanh – truyền hình được quyền quyết định và chịu trách nhiệm về nội dung phim phát sóng trên đài của mình; tại Khoản 2 Điều 38 Luật Điện ảnh cũng quy định: “Bộ Văn hóa – Thông tin có quyền thu hồi giấy phép phổ biến phim, quyết định phát sóng phim truyền hình”. Khi có sự thay đổi cơ cấu tổ chức của Chính phủ, chức năng quản lý nhà nước về điện ảnh vẫn được giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, còn chức năng quản lý nhà nước về truyền hình được giao cho Bộ Thông tin – Truyền thông. Tuy nhiên, thời gian qua, việc quản lý phim phát sóng trên truyền hình còn lỏng lẻo, sự phối hợp giữa hai bộ về vấn đề này chưa chặt chẽ.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đề nghị Chính phủ quy định cơ chế phối hợp quản lý phim trên truyền hình và đã bổ sung khoản 4 Điều 39 giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy chế thẩm định phim phát sóng trên truyền hình.

- Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị quy định tại Luật Điện ảnh tỷ lệ thời lượng chiếu phim Việt Nam trên truyền hình, tại sao tỷ lệ lại chỉ là 30% mà không cao hơn?

Uỷ ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, tỷ lệ thời lượng phát sóng phim Việt Nam trên truyền hình đã được quy định tại Nghị định 48-CP (năm 1995) của Chính phủ là 50%, Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thi hành, các đài truyền hình vẫn chưa thực hiện được tỷ lệ đó. Nguyên nhân chủ yếu là năng lực sản xuất phim trong nước còn hạn chế. Vì vậy, tại Nghị định số 96/2007/NĐ-CP Chính phủ quy định tỷ lệ chiếu phim Việt Nam trên truyền hình ít nhất là 30%. Đến nay, một số đài truyền hình đã đạt được tỷ lệ này; một số đài đã vượt nhưng còn nhiều đài chưa đạt. Nếu quy định tỷ lệ cao hơn 30% thì không khả thi. Hơn nữa, tỷ lệ này có thể thay đổi theo năng lực sản xuất phim trong nước. Vì thế, không quy định tỷ lệ này trong Luật mà quy định tại Nghị định  của Chính phủ là phù hợp.

- Một số đại biểu đề nghị cần quy định tỷ lệ phim giữa các nước, tránh tình trạng chiếu  quá nhiều phim của một số nước như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Về vấn đề này, UBTVQH thấy rằng khi Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới, việc quy định cụ thể tỷ lệ phim của các nước chiếu tại Việt Nam là không phù hợp với nguyên tắc tự do thương mại của WTO. Vì vậy không nên quy định vấn đề này trong Luật để đảm bảo tự do cạnh tranh, bình đẳng giữa các nước. Tuy nhiên, trong công tác quản lý nhà nước, chúng ta cần coi trọng công tác thẩm định phim, nhất là cần có quy chế thẩm định phim phát sóng trên truyền hình như nêu ở phần trên.

- Có ý kiến đại biểu đề nghị quy định cụ thể  thời lượng quảng cáo trên phim và có chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm trong hoạt động này.

UBTVQH nhận thấy, việc quy định về thời lượng quảng cáo trong phim trên truyền hình đã được quy định tại Điều 10 và Điều 12 Pháp lệnh Quảng cáo, còn chế tài xử phạt vi phạm về quảng cáo phim trên truyền hình đã được quy định trong Nghị định 56/CP-NĐ của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa – thông tin. Do vậy, không quy định những vấn đề trên tại Luật này.

- Có ý kiến đề nghị nên bỏ cụm từ “là cơ quan báo chí” sau cụm từ “việc sản xuất phim truyền hình của Đài truyền hình Việt Nam, đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình” trong Điều 25 Dự thảo Luật.

UBTVQH nhận thấy, hệ thống đài truyền hình của nước ta hiện nay gồm có:  Đài truyền hình Việt Nam, đài phát thanh – truyền hình cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC và đài truyền hình thành phố, thị xã thuộc tỉnh. Theo quy định của Luật Báo chí, chỉ có Đài truyền hình Việt Nam, đài phát thanh-truyền hình cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Đài truyền hình kỹ thuật số VTC là cơ quan báo chí. Do vậy, đề nghị giữ cụm từ trên như trong Dự thảo Luật.

- Có ý kiến đề nghị không nên thay cụm từ “Tổng Giám đốc, Giám đốc” bằng cụm từ “người đứng đầu” đài truyền hình; có ý kiến cho rằng cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các đài truyền hình đối với việc phát sóng phim trên truyền hình.

Về vấn đề này, UBTVQH thấy rằng, khoản 1 Điều 13 Luật Báo chí quy định: “người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng biên tập (báo in) hoặc Tổng giám đốc, Giám đốc (đài phát thanh, đài truyền hình, cơ sở thực hiện chương trình nghe - nhìn thời sự). Như vậy, người đứng đầu ở đây chính là Tổng giám đốc, Giám đốc các đài truyền hình, phát thanh- truyền hình. Do đó, việc thay cụm từ “Tổng giám đốc, Giám đốc các đài truyền hình, đài phát thanh-truyền hình” bằng cụm từ “người đứng đầu” là hợp lý. Trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh – truyền hình đã được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 38 Luật Điện ảnh và khoản 3 Điều 13 Luật Báo chí.

4. Về hội đồng thẩm định phim

- Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định thành lập và quy chế hoạt động của Hội đồng thẩm định phim phát sóng trên truyền hình; có ý kiến đề nghị làm rõ tiêu chí thẩm định phim và trách nhiệm của Hội đồng thẩm định phim.

UBTVQH cho rằng, tại Điều 39 Luật Điện ảnh hiện hành đã quy định thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định phim, trách nhiệm và cơ cấu của Hội đồng, trong đó bao gồm cả Hội đồng thẩm định phim phát sóng trên truyền hình, nhưng chưa quy định về tiêu chí thẩm định phim. Thực tế hiện nay việc thẩm định phim phát sóng trên truyền hình và phim phổ biến tại rạp chưa được thống nhất. Có hiện tượng một số phim không được cấp phép phổ biến tại rạp nhưng vẫn được phát sóng trên truyền hình. Để khắc phục tình trạng trên, việc quy định tiêu chí thẩm định phim chung cho cả loại phim phổ biến tại rạp và phim phát sóng trên truyền hình là cần thiết. Tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH bổ sung khoản 4 Điều 39 như sau:

“4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm ban hành quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định phim phổ biến tại rạp, phim phát sóng trên truyền hình.”.

- Có ý kiến đề nghị bổ sung thành phần dân tộc vào Hội đồng thẩm định phim.

UBTVQH thấy rằng, Điều 6 Quy chế thẩm định phim của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành kèm theo Quyết định số 49/2008/QĐ-BVHTTDL quy định thành phần Hội đồng thẩm định phim bao gồm: “Đại diện người đứng đầu cơ quan cấp giấy phép phổ biến phim; đạo diễn, biên kịch, lý luận phê bình và các chức danh khác. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch hội đồng sau khi thống nhất với người đứng đầu cơ quan cấp giấy phép phổ biến phim có thể mời thêm một số chuyên gia thuộc lĩnh vực có liên quan để tham khảo ý kiến”. Như vậy, căn cứ vào nội dung phim, có thể mời đại diện dân tộc tham gia thẩm định.

-  Có ý kiến đại biểu đề nghị không nên giao cho các địa phương duyệt phim nhập khẩu mà phải để Trung ương duyệt và cấp giấy phép phổ biến.

Về vấn đề này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, điểm a khoản 1 Điều 38 Luật Điện ảnh hiện hành quy định: “Bộ Văn hóa- Thông tin cấp giấy phép phổ biến phim đối với phim sản xuất và nhập khẩu của cơ sở điện ảnh thuộc Trung ương, cơ sở điện ảnh thuộc địa phương và cơ sở điện ảnh tư nhân trong phạm vi cả nước, trừ trường hợp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh được Chính phủ giao cấp giấy phép phổ biến phim.”.

Như vậy hầu hết phim truyện sản xuất trong nước và phim nhập khẩu đều do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch duyệt và cấp phép. Trong trường hợp địa phương có đủ điều kiện và được Chính phủ giao cấp giấy phép phổ biến phim, thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải thành lập Hội đồng thẩm định hoạt động theo quy chế thẩm định phim do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành.

5.  Một số nội dung khác

- Có ý kiến đề nghị nên sửa tổng thể Luật Điện ảnh, bổ sung vào Luật Điện ảnh những vấn đề cấp thiết, phát sinh trong quá trình thi hành.

Về vấn đề này, UBTVQH xin giải trình như sau: Luật điện ảnh đã đi vào đời sống và tác động tích cực đến hoạt động điện ảnh nước nhà; huy động được nhiều nguồn lực tham gia hoạt động điện ảnh; cơ sở điện ảnh nhà nước và tư nhân được bình đẳng trong hoạt động sản xuất phim, phát hành phim và phổ biến phim. Nhờ đó, việc sản xuất phim trong nước được đẩy mạnh, tỷ lệ chiếu và phát sóng phim Việt Nam đã được nâng cao, góp phần làm cho nền điện ảnh nước nhà khởi sắc.

Sửa đổi Luật Điện ảnh lần này để thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), đồng thời sửa một số quy định bất cập mới phát sinh trong thực tế hai năm thi hành Luật.

- Có ý kiến đại biểu cho rằng Luật Điện ảnh chưa có chính sách cho phim về đề tài dân tộc, miền núi; có ý kiến đề nghị đưa đề tài dân tộc, miền núi vào đối tượng của Quỹ hỗ phát triển điện ảnh; có ý kiến đề nghị bổ sung vào Luật chính sách đào tạo diễn viên.

UBTVQH cho rằng, chính sách cho phim về các đề tài dân tộc, miền núi đã được quy định tại Điều 5 Luật Điện ảnh hiện hành về Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, cụ thể là :khoản 4 quy định: “Tài trợ cho việc sản xuất phim truyện về đề tài thiếu nhi, truyền thống lịch sử, dân tộc thiểu số…”; khoản 5 quy định “Tài trợ cho việc phổ biến phim phục vụ miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa….” . Nghị định số 96/2007/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành những điều khoản trên. Hơn nữa, đối với phim về đề tài dân tộc, miền núi có nội dung phù hợp với quy định của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh cũng sẽ được hưởng các chính sách từ Quỹ này.

Về chính sách đào tạo diễn viên, UBTVQH nhận thấy vấn đề này đã được thể hiện tại khoản 3, Điều 5 Luật Điện ảnh hiện hành: “… đào tạo, bồi dưỡng nhân lực về chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý hoạt động điện ảnh…”.

- Có ý kiến đề nghị cần có quy định về bảo hiểm cho phim và thành viên đoàn làm phim.

UBTVQH thấy rằng, đây là vấn đề mới, cần có thời gian để nghiên cứu thêm và sẽ đề nghị Chính phủ xem xét để có thể quy định tại các văn bản pháp luật về bảo hiểm.

- Có ý kiến đại biểu đề nghị cần phân biệt mô hình tổ chức và hoạt động của các đài truyền hình là đơn vị sự nghiệp hay doanh nghiệp.

UBTVQH thấy rằng, mô hình tổ chức và hoạt động của các đài truyền hình đã được quy định trong Luật Báo chí, nên không quy định trong Luật này.

- Có ý kiến đại biểu cho rằng cần tăng thuế để điều tiết phim nhập khẩu.

UBTVQH nhận thấy, việc tăng thuế để điều tiết phim nhập khẩu là cần thiết. Tuy nhiên, tùy theo từng thời điểm mà quy định các mức thuế phù hợp trong hệ thống pháp luật về thuế, mà không quy định trong Luật Điện ảnh.

- Có ý kiến đại biểu  đề nghị bổ sung đối tượng Hợp tác xã là một loại hình cơ sở điện ảnh.

Về vấn đề này, UBTVQH thấy rằng, Điều 12 Luật Điện ảnh hiện hành quy định các loại hình cơ sở điện ảnh, trong đó, tuy không quy định cụ thể Hợp tác xã là một loại hình cơ sở điện ảnh nhưng tại điểm g của điều này có ghi “Cơ sở điện ảnh khác theo quy định của pháp luật”. Điều 5 Luật Điện ảnh hiện hành quy định Nhà nước khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh, được thực hiện các quyền và nghĩa vụ bình đẳng trước pháp luật về điện ảnh. Tuỳ từng trường hợp cụ thể, đối tượng tham gia hoạt động điện ảnh có thể lựa chọn mô hình tổ chức phù hợp với điều kiện và khả năng của mình theo quy định của pháp luật.

- Có ý kiến đại biểu  đề nghị trong Luật nên xây dựng một chương  về hợp tác Quốc tế.

UBTVQH thấy rằng, các quy định về hợp tác quốc tế trong Luật Điện ảnh hiện hành về cơ bản đã được thể hiện cụ thể trong 8 điều ở 4 chương: Sản xuất phim, Phát hành phim, Phổ biến phim, Thanh tra và xử lý vi phạm. Các điều này liên quan trực tiếp đến nội dung chuyên ngành của từng chương, nên không thể nhập thành một chương riêng.

- Có ý kiến cho rằng cần xem lại các quy định về trách nhiệm, quyền hạn của thanh tra trong Dự thảo luật Điện ảnh để phù hợp với Luật Thanh tra.

UBTVQH giải trình như sau: Khoản 3 điều 48 Luật Điện ảnh qui định: “Tổ chức và hoạt động của thanh tra điện ảnh được thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về thanh tra.”. Vì vậy, nhiệm vụ, chức năng, trách nhiệm, quyền hạn của thanh tra điện ảnh cũng thực hiện theo qui định chung của pháp luật về thanh tra.

Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 48 Luật Điện ảnh hiện hành quy định “Thanh tra điện ảnh thuộc thanh tra Bộ văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thực hiện thanh tra chuyên ngành về điện ảnh.”, như vậy là không bao gồm thanh tra của các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Vì vậy, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu, UBTVQH  đã sửa đổi khoản 1 Điều 48 Dự thảo Luật như sau “1. Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, thanh tra Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về điện ảnh.”.

6. Về kỹ thuật văn bản

- Có ý kiến đề nghị gộp Điều 3 và Điều 4 dự thảo Luật thành một điều.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, UBTVQH đã sửa các điều này như sau:

“Điều 3. Hiệu lực và hướng dẫn thi hành:

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 10 năm 2009

2. Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.”.

Ngoài những nội dung trên đây, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu các ý kiến khác nhau của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý các điều, khoản cụ thể về nội dung cũng như về kỹ thuật soạn thảo văn bản cho phù hợp.

Trên đây là báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh. UBTVQH trình Quốc hội xem xét, quyết định./.

 

 

TM.UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

PHÓ CHỦ TỊCH

(đã ký)

 

 

 

 

Tòng Thị Phóng

 

Ghi chú
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Nội dung văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

văn bản mới nhất

loading
×
×
×
Vui lòng đợi