Từ 01/02/2020, nhiều văn bản về tiền lương công chức bị bãi bỏ

Từ ngày 01/02/2020, bãi bỏ nhiều văn bản liên quan đến việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu của cán bộ, công chức. Đồng thời cũng là ngày chính thức có hiệu lực của nhiều quy định nổi bật khác.


1/ Bãi bỏ nhiều văn bản liên quan đến tiền lương công chức

Đây là nội dung chủ yếu được Bộ Nội vụ nêu tại Thông tư 15/2019/TT-BNV, ban hành ngày 27/11/2019.

Theo đó, 03 Thông tư liên tịch do Bộ trưởng Bộ Nội vụ liên tịch ban hành được bãi bỏ gồm:

- Thông tư liên tịch số 125/TT-LB ngày 24/6/1995 hướng dẫn bàn giao nhiệm vụ, tổ chức và nhân sự bảo hiểm xã hội của hệ thống lao động, thương binh và xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sang Bảo hiểm xã hội Việt Nam;

- Thông tư liên tịch số 54/1999/TTLT-BTCCBCP-BTC ngày 29/12/1999 hướng dẫn điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu, mức trợ cấp và mức sinh hoạt phí với người hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và sinh hoạt phí từ nguồn kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước;

- Thông tư liên tịch số 72/2000/TTLT-BTCCBCP-BTC ngày 26/12/2000 hướng dẫn điều chỉnh mức lương tối thiểu, mức trợ cấp và sinh hoạt phí với người hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và sinh hoạt phí từ nguồn kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước.


Nhiều văn bản liên quan đến cán bộ, công chức bị bãi bỏ (Ảnh minh họa)

2/ Lập chứng từ giả chi ngân sách Nhà nước bị phạt đến 40 triệu đồng

Để hướng dẫn các hành vi vi phạm hành chính, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 87/2019/TT-BTC.

Theo đó, Thông tư này hướng dẫn Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 với mức phạt cao nhất dành cho hành vi lập hồ sơ, chứng từ giả để chi ngân sách Nhà nước nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự và không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ. Cụ thể:

- Phạt tiền 12,5 triệu đồng nếu lập chứng từ giả mạo để thanh toán, chi trả các khoản chi thường xuyên, chi chương trình mục tiêu quốc gia…

- Phạt tiền 40 triệu đồng để thanh toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu…

Xem thêm

3/ Sửa đổi định nghĩa sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh

Bộ Y tế ban hành Thông tư 30/2019/TT-BYT sửa đổi, bổ sung quy định về tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh.

Theo đó, 02 định nghĩa sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh được sửa đổi, bổ sung thêm tên gọi khác, cụ thể như sau:

- Sàng lọc trước sinh còn được gọi là tầm soát trước sinh;

- Sàng lọc sơ sinh còn được gọi là tầm soát sơ sinh.

Đồng thời, Thông tư này cũng bổ sung trách nhiệm thực hiện báo cáo, thống kê của các cơ sở thực hiện tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh về hoạt động của cơ sở mình theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế…

4/ Hướng dẫn nộp hồ sơ quyết toán thực hiện nhiệm vụ đặc biệt

Thông tư 49/2019/TT-BGTVT hướng dẫn chi tiết quy trình, hồ sơ thanh quyết toán, thủ tục hỗ trợ giá cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt thực hiện vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt, nhiệm vụ an sinh xã hội.

Theo đó, Điều 1 Thông tư hướng dẫn chi tiết tài liệu kèm theo hồ sơ quyết toán kinh phí hỗ trợ giá thực hiện vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt gồm:

- Thuyết minh hồ sơ quyết toán;

- Biểu tổng hợp quyết toán hỗ trợ giá theo từng nhiệm vụ;

- Biểu tổng hợp quyết toán doanh thu theo từng nhiệm vụ;

- Biểu tổng hợp quyết toán chi phí theo từng nhiệm vụ;

- Bảo sao các chứng từ, tài liệu liên quan.

Đáng lưu ý, trong hồ sơ quyết toán, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt phải loại trừ các trường hợp đã được bên đề nghị thanh toán khi thực hiện nhiệm vụ đặc biệt…

5/ Công khai biên bản mở thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia

Nội dung mới này được nêu tại Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT quy định cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng…

Theo đó, Điều 14 Thông tư này nêu rõ, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải được phát hành trên Hệ thống ngay sau khi đăng tải thành công thông báo mời thầu, thông báo mời chào hàng.

Đồng thời, bên mời thầu phải tiến hành mở thầu và công khai biên bản mở thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trong thời hạn không quá 02 giờ kể từ thời điểm đóng thầu.

Nếu đến lúc đóng thầu không có nhà thầu nộp hồ sơ, bên mời thầu có thể gia hạn thời điểm đóng thầu hoặc tổ chức đấu thầu lại…


Chính sách mới có hiệu lực 01/02/2020 (Ảnh minh họa)

6/ Quy định mới về hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu

Ngày 16/12/2019, Bộ Y tế ban hành Thông tư 32/2019/TT-BYT sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý mỹ phẩm.

Theo đó, Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự, là bản chính, còn hạn thì đã bỏ quy định là bản sao có chứng thực hợp lệ và bổ sung thêm các nội dung:

- Tên cơ quan, tổ chức cấp CFS;

- Số, ngày cấp CFS;

- Tên sản phẩm, hàng hóa được cấp CFS;

- Loại hoặc nhóm sản phẩm, hàng hóa được cấp CFS;

- Tên và địa chỉ của nhà sản xuất…

Đặc biệt, nếu công bố sản phẩm mỹ phẩm được lưu hành và xuất khẩu từ các nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương thì không cần phải có CFS…

Xem thêm

7/ Thêm 2 điều kiện để được sản xuất, buôn bán giống cây trồng

Một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác được hướng dẫn tại Nghị định số 94/2019/NĐ-CP do Chính phủ ban hành.

Theo đó, ngoài các điều kiện quy định tại Điều 22 của Luật Trồng trọt thì tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng phải đáp ứng thêm các điều kiện:

- Trước khi buôn bán giống cây trồng phải gửi thông báo qua thư điện tử hoặc gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông các thông tin về địa chỉ giao dịch, tên chủ cơ sở, điện thoại liên hệ…

- Phải có hồ sơ bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng gồm thông tin về hợp đồng, hóa đơn mua bán lô giống, hồ sơ chất lượng, nhãn phù hợp…

8/ Ban hành mới 2 thủ tục hành chính lĩnh vực trồng trọt

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 151/QĐ-BNN-TT công bố thủ tục hành chính mới ban hành, thay thế lĩnh vực trồng trọt thuộc phạm vi chức năng quản lý của cơ quan này.

Theo đó, ban hành kèm Quyết định này là 02 thủ tục hành chính mới ban hành cấp Trung ương do Cục Trồng trọt thực hiện là:

- Tự công bố lưu hành giống cây trồng;

- Cấp phép xuất khẩu giống cây trồng và hạt lai của giống cây trồng chưa được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành và không thuộc Danh mục nguồn gen giống cây trồng cấm xuất khẩu phục vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, quảng cáo, triển lãm…

Tất cả những chính sách này đều có hiệu lực từ hôm nay, ngày 01/02/2020.

>> Chính sách mới nổi bật có hiệu lực tháng 02/2020

Nguyễn Hương

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục