Yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường quản lý tạm ứng vốn đầu tư công

Đây là yêu cầu tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường quản lý tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Theo đó, nội dung Chỉ thị nêu rõ, những năm qua, công tác quản lý nhà nước về tạm ứng vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) đã từng bước được tăng cường, quy định tương đối chặt chẽ và được thể chế hóa tại các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hợp đồng, quản lý, thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN.

Tuy nhiên, công tác thu hồi vốn tạm ứng vẫn còn xảy ra các trường hợp chưa được chủ đầu tư và các cơ quan quản lý chú trọng đúng mức, dẫn đến còn tồn tại những khoản dư tạm ứng có thời gian dài chưa được thu hồi.

Yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường quản lý tạm ứng vốn đầu tư công. (Ảnh minh họa)

Tại Nghị quyết số 91/2023/QH15 của Quốc hội về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, Quốc hội đã giao Chính phủ: "Quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn ngân sách nhà nước và xử lý dứt điểm những trường hợp tạm ứng quá thời hạn quy định kéo dài nhiều năm". 

Để chấn chỉnh và khắc phục tồn tại trong công tác quản lý vốn tạm ứng NSNN như thời gian qua, khẩn trương thu hồi số dư tạm ứng quá hạn, bảo đảm việc tạm ứng vốn trong thời gian tới đúng quy định, đúng mục đích, đúng đối tượng và sử dụng vốn tạm ứng có hiệu quả, không để phát sinh các khoản tạm ứng quá hạn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương:

  • Căn cứ quy định của pháp luật hiện hành, tăng cường quản lý chặt chẽ, hiệu quả vốn tạm ứng theo đúng quy định;
  • Chịu trách nhiệm trong công tác tổng hợp, theo dõi và chỉ đạo trực tiếp các chủ đầu tư thực hiện đúng quy định về quản lý, tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước trong phạm vi kế hoạch vốn được giao;
  • Thực hiện kiểm tra định kỳ, đột xuất để chấn chỉnh và xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện của các chủ đầu tư.

Trường hợp người quyết định đầu tư quyết định mức tạm ứng cao hơn 30% giá trị hợp đồng theo quy định tại Điều 10 Nghị định 99/2021/NĐ-CP thì phải căn cứ vào tiến độ thực hiện khối lượng của hợp đồng, khả năng thu hồi vốn tạm ứng của dự án, đánh giá rõ lý do, sự cần thiết mới tăng tỷ lệ tạm ứng và chịu trách nhiệm toàn diện về quyết định của mình.

Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo cơ quan tài chính địa phương phối hợp với cơ quan kiểm soát, thanh toán đồng cấp rà soát số vốn tạm ứng quá hạn (nếu có), định kỳ (6 tháng và hàng năm) báo cáo để có biện pháp thu hồi hết số vốn tạm ứng quá hạn theo quy định tại khoản 6 Điều 10 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP.

Chỉ thị 20/CT-TTg được ký ban hành ngày 12/7/2024.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục