Xử lý tài sản liên quan đến tội phạm tham nhũng

Việc xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm tham nhũng đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn tại Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ.

Cụ thể, sau khi thụ lý vụ án, Tòa án phải xem xét áp dụng ngay biện pháp kê biên tài sản, phong toả tài khoản liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội nếu các tài sản này chưa bị áp dụng biện pháp cưỡng chế trong giai đoạn điều tra, truy tố.

xu ly tai san lien quan den toi pham tham nhung
Xử lý tài sản liên quan đến tội phạm tham nhũng (Ảnh minh họa)

Tòa án xem xét, quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước, tịch thu tiêu hủy hoặc buộc trả lại, bồi thường cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật đối với tài sản liên quan trực tiếp đến tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ, bao gồm:

- Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;

- Tiền, tài sản bị chiếm đoạt;

- Của hối lộ;

- Thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra;

- Khoản thu lợi bất chính từ hành vi phạm tội;

- Lợi nhuận, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản do phạm tội mà có;

- Tài sản khác theo quy định của pháp luật.

Đối với tài sản thuộc trường hợp bị tịch thu sung ngân sách nhà nước không còn tại thời điểm giải quyết vụ án thì Tòa án quyết định tịch thu trị giá tài sản theo kết luận định giá của cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp tài sản có nguồn gốc từ tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ đã được nhập vào khối tài sản thuộc sở hữu chung thì Tòa án chỉ tịch thu hoặc buộc trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp đối với phần tài sản có nguồn gốc từ tội phạm. Lợi nhuận thu được từ khối tài sản chung này cùng được chia theo tỷ lệ để tịch thu hoặc trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật.

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 15/02/2021.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục