(LuatVietnam) Trong nhiều năm trở lại đây, các nhà chức trách đã phát hiện và xử lý rất nhiều vụ pha trộn tạp chất vào xăng dầu nhằm kinh doanh, thu lợi nhuận cao. Những hành vi vi phạm này không giảm mà có chiều hướng ngày càng tăng. Xăng dầu tăng giá, đây cũng là dịp cho nhiều đối tượng trục lợi…
Ngày 05/06/2017, Bộ Công Thương đã có Công văn 4881/BCT-TTTN về việc điều hành kinh doanh xăng dầu gửi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối về việc điều chỉnh giá các mặt hàng xăng dầu. Theo đó, từ 15h chiều ngày 05/06/2017, giá tất cả các mặt hàng xăng dầu sẽ đồng loạt được điều chỉnh tăng từ 139 - 326 đồng/lít,kg.
Việc tăng giá xăng dầu có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và cuộc sống của người dân. Xăng tăng kéo theo đó là giá của hàng loạt mặt hàng khác cũng tăng, có thể kể đến như cước vận chuyển, thực phẩm, hàng hóa, điện, gas…
Ở một khía cạnh khác, giá xăng tăng cũng góp phần nào đó làm gia tăng các hành vi gian lận trong lĩnh vực kinh doanh dầu, khí.
Giá xăng dầu tăng, với mỗi lít bán ra, người bán sẽ thu về một khoản lợi nhuận nhất định. Khoản lợi nhuận này có thể là nhỏ nhưng cũng có thể là lớn tùy vào số lượng bán được. Người kinh doanh luôn luôn muốn số lợi nhuận này tăng lên nhiều hơn nữa, gấp 2, gấp 3 hoặc gấp nhiều lần số vốn bỏ ra ban đầu. Việc gian lận trong lĩnh vực kinh doanh dầu khí tiêu biểu có thể kể đến đó là việc pha trộn/pha chế xăng dầu. Theo đó, những đối tượng kinh doanh xăng dầu sẽ sử dụng các loại tạp chất khác, đó thường là những chất không có nguồn gốc rõ ràng, rẻ tiền, không hợp quy chuẩn, thậm chí là nước lã để pha lẫn vào xăng, dầu theo tỷ lệ phù hợp. Những loại “xăng, dầu” này sau khi pha chế sẽ được bán ra thị trường cho người dân với giá bằng với giá loại xăng, dầu thật. Lợi nhuận thu được từ việc pha chế xăng dầu này là vô cùng lớn.
Trên thực tế, việc pha trộn tạp chất vào xăng dầu để kinh doanh trục lợi còn là hành vi thể hiện sự thiếu đạo đức, thiếu tính nhân văn. Theo các chuyên gia, chính hành vi pha trộn tạp chất vào xăng đầu là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng một số phương tiện giao thông đang lưu thông thì bị chết máy, cháy, nổ… như các phương tiện thông tin đại chúng vẫn phản ánh trong thời gian qua. Sự việc này không chỉ gây ảnh hưởng đến kinh tế (xe cộ bị phá hủy, hỏng hóc) và còn nguy hiểm đến tính mạng của con người mà cụ thể là chính người điều khiến xe và những người lưu thông trên cùng đường.
Nhằm giảm thiểu và răn đe những đối tượng có hành vi pha trộn xăng dầu trái phép, kể từ ngày 10/07/2017, những đối tượng thực hiện pha chế xăng dầu khi không phải là thương nhân đầu mối; Thực hiện pha chế xăng dầu tại địa điểm không phải nơi sản xuất, xưởng pha chế hoặc kho xăng dầu phục vụ cho nhu cầu nội địa của thương nhân đầu mối; Thực hiện cách pha trộn hoặc đưa các chất khác vào xăng dầu để trục lợi… sẽ bị phạt tiền từ 60 - 100 triệu đồng. Đây là quy định được nêu tại Điều 34, Nghị định số 67/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí do Chính phủ ban hành ngày 25/05/2017.
Trước đây, đối với hành vi pha trộn chất phụ gia hoặc các chất khác vào xăng dầu làm thay đổi chất lượng xăng dầu; mua, bán, sản xuất, pha chế xăng dầu có chất lượng không phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn công bố áp dụng sẽ bị phạt tiền từ 1,5 lần đến 2,5 lần giá trị hàng hóa vi phạm. Như vậy có thể thấy Nghị định 67/2017/NĐ-CP đã cụ thể hóa mức xử phạt cho hành vi pha chế xăng dầu ra thành những con số. Hy vọng thay đổi về chế tài xử phạt này sẽ có tác động tích cực trong việc hạn chế và xóa bỏ những hành vi sai trái trong hoạt động buôn bán và pha chế trái phép xăng dầu hiện nay.
Bạn đọc có thể tải nội dung quy định về Tăng giá xăng dầu và Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu theo link dưới đây:
- Công văn số 4881/BCT-TTTN của Bộ Công Thương ngày 05/06/2017 về việc điều hành kinh doanh xăng dầu