Tòa án tối cao giải đáp 5 vướng mắc về vụ án kinh doanh thương mại

Ngày 27/12/2022, Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn 206/TANDTC-PC thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử.

Theo đó, Tòa án nhân dân tối cao đã giải đáp 05 vướng mắc về kinh doanh thương mại như sau:

Trong vụ án kinh doanh thương mại, sau khi Tòa án thụ lý vụ án thì người thế chấp tài sản (người có quyền, nghĩa vụ liên quan) chết. Nguyên đơn và Tòa án không xác định được nơi cư trú của người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng.

Tòa án căn cứ điểm a khoản 1 Điều 214 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) để tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Như vậy, trường hợp không thể xác định nơi cư trú của người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng nêu trên thì Tòa án giải quyết như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại khoản 1 Điều 74 BLTTDS về kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng thì trường hợp đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế của người đó tham gia tố tụng.

Trường hợp nguyên đơn và Tòa án không xác định được nơi cư trú của người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng, Tòa án áp dụng điểm a khoản 1 Điều 214 BLTTDS để tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Đồng thời, hướng dẫn nguyên đơn có quyền yêu cầu Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú hoặc yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích.

Sau khi có kết quả giải quyết việc tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú hoặc có quyết định tuyên bố một người mất tích đối với người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung.

Tòa án tối cao giải đáp 5 vướng mắc về kinh doanh thương mại
Tòa án tối cao giải đáp 5 vướng mắc về kinh doanh thương mại (Ảnh minh họa)

Trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng có nguyên đơn là ngân hàng, Tòa án phải xem xét tính hợp pháp của hợp đồng thế chấp tài sản mà ngân hàng đã thẩm định tài sản trước khi cho vay, để làm cơ sở giải quyết vụ án.

Trường hợp sau khi ngân hàng thẩm định tài sản thế chấp mà có người thứ ba đang sử dụng tài sản này (đang sử dụng đất hoặc đang ở nhà trên đất) thì khi giải quyết vụ án, Tòa án có phải đưa những người này tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay không?

Trả lời: Khoản 4 Điều 68 BLTTDS quy định:

4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trường hợp này, Tòa án xem xét việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người thứ ba này hay không, nếu có thì phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng, bên vay dùng tài sản là quyền sử dụng đất và nhà trên đất thuộc sở hữu, sử dụng của mình làm tài sản thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng, sau đó bên thứ ba đã tháo dỡ nhà cũ để xây dựng nhà mới trên đất.

Bên thứ ba biết rõ quyền sử dụng đất và nhà cũ trên đất dùng được thế chấp cho ngân hàng nhưng không thông báo cho Ngân hàng và Ngân hàng cũng không biết việc bên thứ ba xây dựng nhà mới trên đất.

Bên vay không trả nợ đúng hạn nên đã bị ngân hàng khởi kiện. Khi giải quyết tranh chấp, Tòa án có cần phải định giá tài sản là căn nhà mới phát sinh trên đất hay không và giải quyết như thế nào đối với tài sản phát sinh này?

Trả lời: Căn nhà mới của bên thứ ba xây dựng trên đất là tài sản phát sinh sau khi bên vay thế chấp cho Ngân hàng nên khi giải quyết vụ án, Tòa án phải đưa bên thứ ba vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Tòa án phải căn cứ vào thỏa thuận của các bên trong hợp đồng thế chấp, yêu cầu của các bên đương sự để xem xét có định giá căn nhà mới hay không. Nếu việc định giá tài sản là cần thiết, kết quả định giá căn nhà mới có giá trị sử dụng trong quá trình giải quyết vụ án thì Tòa án tiến hành định giá tài sản này.

Nếu bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ thì Tòa án tuyên phát mại tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất để thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bên vay.

Quá trình thi hành án, bên thứ ba được ưu tiên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và mua tài sản gắn liền với đất nếu có nhu cầu. Trường hợp bên thứ ba không nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và không mua tài sản gắn liền với đất thì sẽ được thanh toán giá trị tài sản của mình trên đất theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của BLTTDS thì các đương sự có quyền thỏa thuận mời một tổ chức định giá độc lập, sau khi định giá sẽ căn cứ vào giá ghi trong chứng thư định giá của tổ chức định giá để giải quyết. Tuy nhiên, trường hợp chỉ một trong các bên đương sự nhất trí mời tổ chức định giá, một hoặc các bên còn lại không nhất trí thì trường hợp này xử lý như thế nào?

Trả lời: Khoản 2 Điều 104 BLTTDS quy định:

2. Các đương sự có quyền thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản để thực hiện việc thẩm định giá tài sản và cung cấp kết quả thẩm định giá cho Tòa án.

Việc thẩm định giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về thẩm định giá tài sản.

Theo quy định trên, các đương sự trong vụ án có quyền thỏa thuận để lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản và cung cấp kết quả thẩm định giá cho Tòa án để giải quyết tranh chấp, việc thẩm định giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về thẩm định giá tài sản.

Tuy nhiên, trường hợp chỉ một trong các bên nhất trí mời tổ chức thẩm định giá tài sản và các bên còn lại không nhất trí thì coi là các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản để thẩm định giá tài sản.

Do đó, Tòa án phải quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá theo điểm b khoản 3 Điều 104 BLTTDS để làm căn cứ giải quyết vụ án.

Khi giải quyết các tranh chấp Hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là Ngân hàng với bị đơn là hộ kinh doanh cá thể, trong đó chủ hộ kinh doanh là người trên 60 tuổi. Hộ kinh doanh cá thể vay tiền để thực hiện hoạt động kinh doanh có mục đích lợi nhuận.

Vậy người trên 60 tuổi trong trường hợp này có được miễn án phí theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14?

Trả lời: Theo khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP:

1. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.

Theo khoản 2 Điều 81 Nghị định 01/2021 thì chủ hộ kinh doanh đại diện cho hộ kinh doanh với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án.

Trong trường hợp này, chủ hộ kinh doanh chỉ là người đại diện cho hộ kinh doanh tham gia tố tụng tại Tòa án, nên hộ kinh doanh là chủ thể phải nộp án phí chứ không phải là chủ hộ kinh doanh.

Vì vậy, nếu chủ hộ kinh doanh là người trên 60 tuổi thì cũng không được miễn án phí theo điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14.

Xem chi tiết Công văn 206/TANDTC-PC.

Nếu gặp vướng mắc liên quan, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192  để được hỗ trợ.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục