Cụ thể, Thông tư cho phép, trong khi Chính phủ chưa có quy định mới hoặc Viettel chưa xây dựng được thang lương, bảng lương, phụ cấp lương thì Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên và người lao động của Viettel tiếp tục xếp lương, phụ cấp lương theo quy định hiện hành.
Căn cứ quy định của pháp luật, điều kiện tổ chức sản xuất kinh doanh, tổ chức lao động, Viettel có trách nhiệm xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương làm căn cứ xếp lương, phụ cấp lương đối với người lao động. Thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do Tập đoàn xây dựng phải báo cáo Bộ Quốc phòng có ý kiến trước khi thực hiện.
Đơn giá tiền lương đối với Viettel được giao ổn định trong giai đoạn 2011 - 2013 là 230 đồng/1.000 đồng tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có lương. Khi thực hiện đơn giá tiền lương ổn định theo quy định nêu trên, Viettel phải bảo đảm mức tăng tiền lương bình quân phải thấp hơn mức tăng năng suất lao động bình quân. Lợi nhuận thực hiện hàng năm phải cao hơn lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề ít nhất 5% (lợi nhuận năm 2011 là gốc).
Cũng theo Thông tư này, Viettel được trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau liền kề nhằm bảo đảm việc trả lương không bị gián đoạn và không được sử dụng vào mục đích khác. Mức dự phòng hàng năm do Tổng Giám đốc quyết định sau khi có ý kiến của Ban Chấp hành công đoàn cùng cấp, nhưng không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 26/11/2011; các quy định tại Thông tư này được thực hiện từ ngày 01/01/2011 đến hết ngày 31/12/2013.
- LuậtViệtnam