Vị trí dễ nảy sinh tham nhũng, sau 3-5 năm phải chuyển?

Dự thảo các nội dung chính của Bộ luật Phòng chống tham nhũng vừa được Thanh tra Chính phủ đưa ra có những biện pháp khá mạnh mẽ, cương quyết để đấu tranh với tham nhũng. Theo đó, cán bộ công chức công tác tại những vị trí được coi là dễ nảy sinh tham nhũng sẽ được luân chuyển trong thời hạn không quá 3 hoặc 5 năm. Những cán bộ từ cấp trưởng phòng phải kê khai tài sản của cả người thân.

Những vị trí dễ nảy sinh tham nhũng

Cán bộ, công chức công tác tại các vị trí được coi là dễ nảy sinh tham nhũng phải được luân chuyển trong thời hạn không quá 3 năm hoặc 5 năm sang các vị trí không nằm trong danh mục các vị trí dễ nảy sinh tham nhũng.

Chính phủ ban hành danh mục các vị trí được coi là dễ nảy sinh tham nhũng và hướng dẫn các Bộ, ngành xác định danh mục này trong từng lĩnh vực: hải quan, thuế, mua sắm tài sản công, đăng ký kinh doanh, quản lý thị trường, công an, kiểm sát, toà án, quản lý tài chính công, kế hoạch đầu tư, thanh tra, kiểm toán, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, cơ quan chống tham nhũng...

Các Bộ, ngành, địa phương phải xây dựng công khai quy hoạch, kế hoạch luân chuyển cán bộ vào và ra khỏi các vị trí được coi là dễ nảy sinh tham nhũng.

Từ cấp trưởng phòng: phải kê khai tài sản của cả người thân

Kê khai tài sản của cán bộ, công chức nhằm mục đích công khai minh bạch về tài sản, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức và nhân dân giám sát, nhất là giám sát việc hình thành những tài sản mới, góp phần ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Bộ luật này quy định, mọi cán bộ công chức phải kê khai trung thực tài sản của mình (có tính chất tuyên thệ trước pháp luật). Các cán bộ, công chức từ một chức danh nhất định trở lên (trưởng phòng) phải kê khai cả tài sản của người thân (bố, mẹ, vợ/chồng, con đẻ/con nuôi).

Các loại tài sản theo quy định của pháp luật phải đăng ký để quản lý hoặc để hưởng sự bảo hộ của pháp luật. Cán bộ phải thực hiện khai báo thu nhập nếu thu nhập đó từ mức thu nhập chịu thuế trở lên, đồng thời khai báo việc đi học nước ngoài của vợ/chồng hoặc con. Trong trường hợp không thuộc diện được hưởng học bổng nhà nước thì phải nêu rõ nguồn tài chính phục vụ cho việc đi du học đó.

Cán bộ phải kê khai tài sản khi được bổ nhiệm, sau khi miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức. Ngoài ra, cán bộ phải kê khai bổ sung hàng năm.

Trường hợp bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức cán bộ công chức phải hoàn thành việc kê khai trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày quyết định có hiệu lực.

Hàng năm, cán bộ công chức phải hoàn thành việc kê khai và nộp bản kê khai cho cơ quan theo dõi việc minh bạch tài sản công chức (theo phân cấp), để quản lý theo chế độ quy định, đồng gửi cho Thủ trưởng cơ quan quản lý công chức, chậm nhất là ngày 31/1.

(Vân Giang - VietNamNet)

 

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục