Vi phạm về sở hữu công nghiệp bị xử phạt tối đa đến 500 triệu đồng

(LuatVietnam) Ngày 21/9/2010 Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (SHCN). Hình thức phạt tiền được áp dụng theo khung tiền phạt quy định đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại điều khoản tương ứng của Nghị định này, mức phạt tối đa là 500 triệu đồng. Phạt cảnh cáo được áp dụng đối với hành vi vi phạm thuộc trường hợp quy định tại Điều 13 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và quy định tại điều khoản tương ứng của Nghị định này.
Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, người có hành vi vi phạm có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: Tịch thu tang vật, phương tiên vi phạm hành chính; Tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không thời hạn chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, thẻ giám định viên, giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề giám định; Đình chỉ có thời hạn hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ vi phạm. Ngoài các hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung, người có hành vi vi phạm còn bị buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, phương tiện kinh doanh; Buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý, hàng hóa xâm phạm quyền SHCN; Buộc sửa, đổi bổ sung chỉ dẫn về SHCN; Thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền thu lợi bất hợp pháp do hành vi vi phạm hành chính mà có…
 
Về hình thức và mức phạt đối với các hành vi điển hình như: Phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi cung cấp thông tin, chứng cứ sai lệch trong quá trình thực hiện một số thủ tục liên quan đến văn bằng bảo hộ. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đối với hành vi vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đối với hành vi kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp khi không đáp ứng điều kiện về chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trình tự, thủ tục giám định, thời hạn giám định SHCN. Người thực hiện hành vi bán, chào hàng, vận chuyển, tàng trữ, trưng bày để bán sản phẩm xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí nếu giá trị hàng hóa vi phạm đến 5 triệu đồng thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 2 đến 4 triệu; giá trị hàng hóa vi phạm trên 500 triệu đồng thì bị xử phạt vi phạm từ 400 đến 500 triệu đồng. Ngoài ra trong Nghị định còn quy định hình thức và mức phạt cụ thể đối với các trường hợp vi phạm khác trong lĩnh vực SHCN.
 
Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp; tổ chức, cá nhân phát hiện hành vi xâm phạm gây thiệt hại cho người tiêu dùng, cho xã hội có quyền yêu cầu xử lý vi phạm hành chính về SHCN. Trong phạm vi ngành hoặc khu vực mình quản lý, các cơ quan: Thanh tra Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Thông tin và Truyền thông, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Cục quản lý cạnh tranh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện chủ động phát hiện và xử lý vi phạm hoặc tiếp nhận đơn yêu cầu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN của chủ thể có quyền yêu cầu.
 
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 09/11/2010 và thay thế Nghị định số 106/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006. Đối với những vi phạm hành chính được thụ lý từ ngày 01/01/2010 đến trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì xử lý theo quy định của Nghị định số 106/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006; trường hợp hành vi vi phạm hành chính về SHCN chưa xử lý mà Nghị định này quy định mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả nhẹ hơn thì áp dụng quy định cùa Nghị định này.  
  • LuậtViệtnam 

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục