Luật được xây dựng trên nền tảng Pháp lệnh Đo lường và yêu cầu quản lý đo lường thực tế hiện nay, tư tưởng chung trong Luật là khắc phục, sửa đổi được những quy định còn yếu, lạc hậu và bổ sung các nội dung thiếu của Pháp lệnh, đặc biệt những bài học, kinh nghiệm về quản lý đo lường trong thời gian vừa qua.
Cụ thể, trước đây không có quy định kiểm tra Nhà nước về đo lường thì giờ đã có một mục riêng về việc này, cho phép các cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đo lường chủ động tiến hành kiểm tra, cảnh báo cho người tiêu dùng, kiến nghị xử lý vi phạm và đặc biệt công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những vi phạm về đo lường.
Cũng cần nhấn mạnh, Luật đã có quy định về mức phạt tiền đối với các vi phạm hành chính về đo lường là từ 01 đến 05 lần số tiền thu lợi bất chính trong suốt quá trình vi phạm mà có, tịch thu số tiền thu lợi bất chính đó và giao cho Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử phạt.
Một trong những điểm đáng chú ý khác là nếu trước kia áp dụng phí cho mỗi lần thực hiện nhiệm vụ kiểm định thì nay Luật quy định nguyên tắc xác định chi phí kiểm định để tránh sự áp đặt hoặc ép người sử dụng dịch vụ phải chi trả giá quá cao. Chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo phải được xây dựng, niêm yết công khai và theo quy định của pháp luật về giá...
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2012; Pháp lệnh Đo lường số 16/199/PL-UBTVQH10 ngày 06/10/1999, quy định về phí kiểm định phương tiện đo lường tại Danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh về phí và lệ phí số 38/2011/PL-UBTVQH10 ngày 28/08/2001 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.
Cũng trong kỳ họp lần này, Quốc hội khóa XIII cũng đã thông qua một số Luật được hiều người quan tâm là: Luật Lưu trữ; Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo.
- LuậtViệtnam