Đây là một trong những điểm mới được quy định tại Nghị định 08/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 08/01/2020 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.
Điều 36 Nghị định này quy định:
Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ một số trường hợp không được lập vi bằng như vi phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình; ghi nhận sự kiện, hành vi để thực hiện các giao dịch trái pháp luật…
Trong đó, giá trị của vi bằng được ghi nhận như sau:
- Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác (nội dung mới).
- Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật.
- Đồng thời, vi bằng là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, dù không vi phạm các trường hợp không được lập vi bằng nhưng trong một số trường hợp xem xét giá trị của vi bằng, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân vẫn có thể triệu tập Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 24/02/2020.
Thùy Linh