Nếu có từ hai người đăng ký mua trở lên, việc bán doanh nghiệp được thực hiện theo phương thức đấu giá. Theo đó, người mua doanh nghiệp phải nộp đơn đăng ký mua doanh nghiệp và đặt tiền trước cho tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp với mức tiền bằng 10% giá khởi điểm. Trong lần đầu giá cuối cùng, nếu tập thể người lao động trong doanh nghiệp trả giá bằng người mua khác, thì phải ưu tiên bán doanh nghệp cho tập thể người lao động.
Nếu chỉ có một đơn đăng ký mua doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền quyết định bán doanh nghiệp theo phương thức bán thỏa thuận trực tiếp. Cụ thể, Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cùng Giám đốc doanh nghiệp trao đổi trực tiếp với người mua về giá bán, phương án sử dụng lao động và thỏa thuận về các nội dung trong hợp đồng.
Nghị định cũng chỉ rõ, giá khởi điểm bán doanh nghiệp không được thấp hơn tổng giá trị phần vốn Nhà nước và giá trị quyền sử dụng đất (nếu có) theo giá công bố của UBND cấp tỉnh nếu người mua kế thừa các khoản nợ; không thấp hơn tổng giá trị doanh nghiệp đã được xác định nếu người mua không kế thừa các khoản nợ.
Chính sách về quyền lợi của người lao động sau khi doanh nghiệp được bán cũng là một nội dung được quy định rất cụ thể tại Nghị định này. Theo đó, người lao động tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp mới sẽ được tính trả trợ cấp thôi việc với thời gian người lao động làm việc tại doanh nghiệp từ thời điểm ký hợp đồng mua bán trở về trước; được thực hiện giao kết hợp đồng lao động mới khi chuyển sang làm việc tại doanh nghiệp mới. Đồng thời, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động sẽ được hưởng chế độ trợ cấp mất việc làm, thôi việc; người đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí sẽ được hưởng các quyền lợi theo quy định của pháp luật…
· LuatVietnam