Các cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người lao động là người tàn tật được áp dụng chính sách hỗ trợ gồm các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty hợp danh, hợp tác xã, tổ hợp tác được thành lập theo quy định của pháp luật có trên 51% số lao động là người tàn tật và có quy chế hoạt động hoặc điều lệ phù hợp với đối tượng lao động là người tàn tật.
Ưu đãi về thuế
Cơ sở kinh doanh nêu trên được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Riêng đối với hoạt động kinh doanh hàng xuất khẩu (trừ xuất khẩu mặt hàng dệt, may được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đến hết năm 2011.
Ngoài ra, cơ sở kinh doanh còn được miễn tiền thu sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước. Trong thời gian được miễn tiền thu sử dụng đất, không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; không được thế chấp, cầm cố, bảo lãnh, góp vốn liên doanh liên kết bằng quyền sử dụng đất.
Ưu đãi vay vốn
Cơ sở kinh doanh được Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay phần vốn còn thiếu của dự án đầu tư, sản xuất sau khi đã sử dụng nguồn vốn tự có và các nguồn vốn hợp pháp khác nếu đủ 2 điều kiện: Có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh nhằm ổn định việc làm cho người tàn tật và thu hút thêm người tàn tật vào làm việc; thực hiện đảm bảo tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.
Mức vốn vay tối đa cho một dự án căn cứ vào số lao động là người tàn tật được thu hút vào dự án và không quá 30 triệu đồng/1 lao động. Lãi suất cho vay bằng 50% mức lãi suất cho vay ưu đãi đối với các đối tượng khác vay vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay trong hạn. Thời hạn vay vốn thực hiện theo quy định hiện hành áp dụng đối với các dự án vay vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách Xã hội.
. (Theo Website Chính phủ)