Tại hướng dẫn kê khai hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và hướng dẫn kê khai hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) nhiệm kỳ 2021 - 2026 ban hành kèm theo Nghị quyết 41 hướng dẫn điền mục Quốc tịch như sau:
Ghi rõ “Chỉ có 01 quốc tịch là quốc tịch Việt Nam và không trong thời gian thực hiện thủ tục xin gia nhập quốc tịch quốc gia khác”; trường hợp đang có cả quốc tịch nước khác hoặc đang làm thủ tục xin gia nhập quốc tịch nước khác thì ghi rõ thông tin về các quốc tịch đang có hoặc đang xin gia nhập.
Ứng cử ĐBQH và HĐND phải ghi rõ có hoặc đang xin quốc tịch khác (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, Nghị quyết này cũng hướng dẫn khai đối với mục khác, đáng lưu ý có:
- Quê quán: Ghi nơi sinh của ông nội hay nơi sinh của cha; trường hợp cá biệt có thể ghi theo nơi sinh của mẹ hoặc người nuôi dưỡng mình từ nhỏ (nếu không biết rõ cha, mẹ); ghi rõ tên hiện nay của xã (phường, thị trấn), huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương), tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương).
- Các hình thức kỷ luật, xử lý vi phạm đã bị áp dụng (Đảng, chính quyền, đoàn thể), gồm có:
+ Kỷ luật về Đảng: khai trừ, cách chức, cảnh cáo, khiển trách theo quy định của Đảng.
+ Kỷ luật hành chính: các biện pháp xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức.
+ Xử lý vi phạm hành chính: các biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
+ Xỷ lý hình sự: các hình phạt chính và hình phạt bổ sung theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Trường hợp đã bị kỷ luật về Đảng, kỷ luật hành chính, xử lý hành chính trong thời gian 01 năm tính đến ngày làm hồ sơ ứng cử thì ghi rõ tên cơ quan ra quyết định, thời gian ra quyết định, lý do bị kỷ luật, xử lý và hình thức, thời hạn xử lý.
Trường hợp bị kết án về hình sự mà chưa được xóa án tích thì ghi rõ số bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, thời gian ra bản án, quyết định, tội danh, hình phạt bị áp dụng.
Nếu không có hoặc đã bị xử lý nhưng không thuộc các trường hợp kể trên thì ghi “Không bị kỷ luật, không có án tích”.