Trong ngày làm việc thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đóng góp về 2 dự thảo luật Đa Dạng sinh học và Luật Công nghệ cao được xây dựng theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để phát triển kinh tế theo chiều sâu, đồng thời bảo toàn đa dạng sinh học nhằm phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế tri thức.
Dự án Luật Đa dạng sinh học gồm 10 chương, 91 điều do Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm biên soạn nhằm xây dựng khung pháp lý để quy hoạch, quản lý, bảo tồn và phát triển nguồn gen hoang dã, các hệ sinh thái tự nhiên đặc trưng của thiên nhiên Việt Nam
Đa dạng sinh học để phát triển bền vững
Theo dự án Luật đa dạng sinh học, cho phép nuôi sinh sản thương mại các loài được bảo vệ, những nguồn gien quý hiếm để tránh tình trạng lợi dụng, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ trái phép các loài được bảo vệ. Việc thẩm định dự án thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên giao cho cơ quan quản lý nhà nước về môi trường ở cấp Trung ương.
Về cơ bản, UBTVQH đồng tình với những quan điểm do ban soạn thảo đưa ra. Tuy nhiên, đa số thành viên của UBTV cho rằng đối tượng điều chỉnh như trong dự thảo luật là hẹp, cần mở rộng điều chỉnh đối với các loài đã được thuần hóa, cây trồng đặc hữu, quý hiếm, sinh vật biến đổi gien vì đây là những đối tượng đem lại giá trị kinh tế thiết thực nên cần được quan tâm và đưa vào điều chỉnh trong luật này.
UBTVQH cũng cho rằng, việc thẩm định dự án thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên nên phân công, phân cấp cho địa phương tùy theo phân hạn của khu bảo tồn để nâng cao trách nhiệm cũng như hiệu lực quản lý.
Một số ý kiến cho rằng, trong dự thảo luật còn một số phạm vi điều chỉnh, mức độ điều chỉnh không phù hợp và khó thực thi trong thực tế như tiêu chí khu dự trữ sinh quyển là giữ được 70% diện tích các hệ sinh thái tự nhiên trở lên, trong khi đó thực tế những khu này chỉ duy trì được ở mức 30-50%.
Chủ nhiệm UB văn hóa, giáo dục Thanh niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cũng kiến nghị ban soạn thảo nên ban hành điều luật quản lý, giám sát thật chặt chẽ sản phẩm biến đổi gen vì những nguồn gen này có thể tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người và làm thoái hóa nguồn gen thiên nhiên quý hiếm.
Phát triển công nghệ cao theo chiều sâu
Đầu tư cho phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ là động lực quan trọng nhất để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Dự án Luật công nghệ cao do Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) biên soạn nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho khoa học công nghệ phát triển ứng dụng hướng tới nền kinh tế tri thức.
Tuy nhiên, Dự án Luật Công nghệ cao do Bộ KHCN trình UBTVQH lần này còn nhiều vấn đề gây tranh cãi. Theo đánh giá của đa số các đại biểu, Dự án chưa định nghĩa được rõ ràng, chính xác về khái niệm công nghệ cao.
UBTVQH cũng cho rằng, Dự án luật chưa xác định được rõ ràng đối tượng ưu tiên lựa chọn ứng dụng phát triển công nghệ cao. Việc dự án luật đưa cả 4 đối tượng: công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, tự động hóa và công nghệ thông tin sẽ dẫn đến tình trạng đầu tư tràn lan, thiếu hiệu quả. Trong khi đó đầu tư cho công nghệ cao đòi hỏi nguồn lực rất lớn về con người và tài chính. UBTVQH kiến nghị, chỉ nên chọn ra một lĩnh vực bức thiết nhất, cơ bản nhất, phù hợp với đòi hỏi phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay để ưu tiên đầu tư phát triển theo chiều sâu.
Việc nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ cao cần được xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế thay vì dồn hết gánh nặng lên vai nhà nước.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên yêu cầu ban soạn thảo tiếp thu những ý kiến đóng góp của UBTVQH, xem xét chỉnh sửa lại nội dung, báo cáo UBTVQH khi đưa ra lấy ý kiến ở kỳ họp Quốc hội tới đây.
(Theo Website Chính phủ)