Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Tòng Thị Phóng khẳng định, trong thời gian vừa qua việc thực hiện chính sách DS đã đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên Pháp lệnh DS năm 2003 đã thể hiện một số hạn chế.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Bá Thủy nêu rõ, do tách rời nghĩa vụ thực hiện KHHGĐ, xây dựng quy mô gia đình ít con (Điều 4) với quyền quyết định số con của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân (tại Điều 10) đã dẫn đến những cách hiểu khác nhau, chú trọng quyền mà xem nhẹ nghĩa vụ. Việc quy định thiếu chặt chẽ tại Điều 10 “Mỗi cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định số con” đã dẫn đến việc người dân hiểu là Nhà nước không còn hạn chế quy mô gia đình ở mức 1 hoặc 2 con, để mỗi cặp vợ chồng, cá nhân được tự do quyết định số con của mình.
Từ đó dẫn đến nguyên nhân làm tăng dân số, ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Các cơ quan đơn vị, cộng đồng nới lỏng biện pháp hành chính, e ngại xử lý đối với người sinh con thứ 3 trở lên.
Khẳng định rõ trong Pháp lệnh Dân số: mỗi gia đình chỉ có 1 hoặc 2 con
Thảo luận về Dự án Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh dân số năm 2003, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’Sor Phước đề nghị, sửa đổi Pháp lệnh Dân số phải hướng đến mục tiêu không để mức sinh quá cao, chất lượng dân số phải đáp ứng với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước.
Đại biểu K’Sor Phước đề nghị nên quan tâm đến dân tộc ít người, nhất là thực tế vừa qua có dân tộc trên 10.000 người nhưng không tăng dân số, dẫn đến nguy cơ suy giảm dân số. Vì vậy cần ưu tiên những dân tộc trên được sinh con thứ 3.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Thu Ba đề nghị lần sửa đổi này phải làm rõ trong Pháp lệnh DS là chỉ sinh 1-2 con.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, cần khẳng định tư tưởng quy mô gia đình ít con, làm rõ nghĩa vụ thực hiện cuộc vận động Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), mỗi gia đình chỉ có 1 hoặc 2 con và ghi rõ trong Pháp lệnh DS. Xem xét sửa đổi Điều 10 và Điều 4 của Pháp lệnh dân số năm 2003.
Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng đề nghị, cần coi trọng công tác tuyên truyền, củng cố công tác tổ chức làm về DS-KHHGĐ. Xử lý nghiêm đối các trường hợp sinh con quá nhiều và những địa phương có tỷ lệ sinh quá cao, có những chính sách khuyến khích, động viên đối với những gia đình sinh từ 1 hoặc 2 con. Đồng thời có chính sách đối với những dân tộc đang có tỷ lệ sinh giảm.
Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng cho biết, cuối phiên họp thứ 15 của UBTVQH, Dự án Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh DS 2003 sẽ được TVQH xem xét thông qua.
Quy hoạch đô thị phục vụ phát triển lâu dài
Cũng trong chiều qua, UBTVQH đã thảo luận và cho ý kiến về Dự án Luật Quy hoạch Đô thị.
Dự án Luật này đã được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 4, QH khóa XII. Đa số đại biểu tán thành với những nội dung cơ bản của Dự thảo Luật. Với 7 chương, 81 điều, Dự thảo Luật đã phản ánh tương đối đầy đủ các nội dung của công tác quy hoạch đô thị.
Theo báo cáo về một số vấn đề lớn của Dự án Luật Quy hoạch Đô thị của Ủy ban Kinh tế QH (UBKT), các quy hoạch ngành trong đô thị phải dựa trên quy hoạch đô thị.
Về trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị, UBKT của QH cho biết, có ý kiến đề nghị quy định chính quyền đô thị là người tổ chức lập quy hoạch đô thị của cấp đó; Bộ Xây dựng chỉ thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị theo thẩm quyền, không là người tổ chức lập. Có ý kiến đề nghị đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I và những thành phố trực thuộc Trung ương giao Bộ Xây dựng giúp Chính phủ tổ chức lập quy hoạch.
Riêng đối với Thủ đô Hà Nội và TP.HCM là 2 đô thị loại đặc biệt có quy mô lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quốc gia và ảnh hưởng lan tỏa với khu vực xung quanh. Vì vậy Dự thảo Luật quy định thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch chung đô thị loại đặc biệt cho Bộ Xây dựng là nhằm đáp ứng các yêu cầu trên.
Cùng ngày, UBTVQH đã thảo luận, cho ý kiến về Dự án Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án. Đồng thời, tập trung xem xét, quyết định việc tăng thẩm quyền xét xử cho tòa án nhân dân cấp huyện.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp nêu rõ, trong thời gian qua, UBTVQH đã thông qua 4 Nghị quyết về tăng thẩm quyền xét xử hình sự, dân sự cho 503 Tòa án nhân dân cấp huyện. Tuy nhiên hiện vẫn còn 195 đơn vị chưa được tăng thẩm quyền xét xử. Theo thống kê của Ủy ban Tư pháp, hiện có 8 tòa án cấp huyện, các thẩm phán đang phải thụ lý và giải quyết một khối lượng công việc lớn, trung bình một thẩm phán giải quyết trên 100 vụ án hình sự và dân sự/năm.
Chính vì vậy, Ủy ban Tư pháp đề nghị Tòa án nhân dân tối cao cần sớm bổ sung thẩm phán cho những đơn vị này, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác xét xử.
Về số lượng các Tòa án nhân dân cấp huyện được đề nghị tăng thẩm quyền, đa số ý kiến cho rằng, chỉ nên giao nhiệm vụ thẩm quyền xét xử mới cho 120 đơn vị có từ 3 thẩm phán trở lên, trong đó, phải có 1 Chánh án, ít nhất 1 Phó Chánh án.
Đối với 31 đơn vị có 2 thẩm phán thì chưa nên tăng thẩm quyền này vì theo điều 186 của Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu bản án bị hủy để xét xử lại từ cấp sơ thẩm mà toà án chỉ có 2 thẩm phán thì không thể thực hiện được.
Như vậy, nếu được UBTVQH thông qua 120 tòa án đợt này thì sẽ có tổng số 606 Tòa án nhân dân cấp huyện được tăng thẩm quyền xét xử cả hình sự, dân sự và 17 tòa án quân sự khu vực được tăng thẩm quyền xét xử riêng về hình sự.
Về Dự án Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị tăng mức án phí lên 4 lần so với mức quy định trong Nghị định 70 ngày 12/6/1997 của Chính phủ, đối với án phí hình sự sơ thẩm, phúc thẩm, án phí dân sự sơ thẩm với các vụ án tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, án phí dân sự phúc thẩm. Tăng 2 lần mức án phí dân sự sơ thẩm đối với các vụ án về tranh chấp kinh doanh, thương mại. Dự thảo mức án phí, lệ phí tòa án dân sự phúc thẩm là 200.000 đồng, lệ phí kháng cáo quyết định của tòa án liên quan đến trọng tài là 300.000 đồng.
. Theo Website Chính phủ