Theo Thông tư, đối với hoạt động thí điểm các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn là hoạt động thí điểm mô hình dạy nghề cho 18.000 lao động nông thôn thuộc bốn (04) nhóm đối tượng nghề nghiệp, gồm: nhóm lao động làm nông nghiệp (ở các vùng núi, vùng chuyên canh); Nhóm lao động trong các làng nghề ở vùng đồng bằng; Nhóm nông dân chuyển nghề sang công nghiệp, dịch vụ (ở vùng núi và vùng đồng bằng, trung du); Nhóm đánh bắt xa bờ ở các tỉnh duyên hải miền Trung (học sửa chữa máy tàu thủy, chế biến và bảo quản thủy sản...)
Phương thức thực hiện mô hình thí điểm dạy nghề thông qua hợp đồng giữa cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề với cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn và các đơn vị có liên quan khác. Hợp đồng phải thể hiện rõ trách nhiệm của các bên trong quá trình triển khai thực hiện, thanh quyết toán kinh phí và các nội dung khác phù hợp với quy định của pháp luật. Đặc biệt, tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề theo các mô hình thí điểm tối thiểu đạt 80%.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định rõ nội dung và mức chi cho từng hoạt động thực hiện Đề án như: Chi hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn; Hoạt động điều tra khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn; Hoạt động hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với các cơ sở dạy nghề công lập; Hoạt động phát triển giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề; Hoạt động hỗ trợ lao động nông thôn học nghề …
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Thông tư liên tịch số 06/2006/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 19/01/2006 của liên Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn.
- LuậtViệtnam