Cách đây không lâu, trên mạng xã hội facebook, một tài khoản cá nhân đã đăng tải hình ảnh một chiếc máy bay dân dụng rơi trên cánh đồng, xung quanh có nhiều người kèm theo dòng miêu tả: “Mưa to quá máy bay rơi luôn…thật là kinh khủng… Nội Bài này”. Thông tin này sau đó được làn truyền rất nhanh, làm nhiều người lo lắng.
Trước tình hình này, đại diện Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài đã lên tiếng khẳng định không hề có máy bay rơi và thông tin được đăng tải trên mạng xã hội hoàn toàn là bịa đặt. Chủ tài khoản facebook đăng thông tin này sau đó đã thừa nhận đăng hình ảnh máy bay rơi nhằm “câu like”, tạo sự chú ý, tăng lượt người theo dõi để phục vụ hoạt động buôn bán online của mình.
Thông tin rơi máy bay được đăng tải lên mạng xã hội |
Tung tin đồn thất thiệt lên mạng để “câu like” tưởng chừng không gây hậu quả gì nhưng thực tế đây lại là hành vi nguy hiểm và trái pháp luật. Tùy theo tính chất, mục đích, hậu quả của vụ việc, người tung tin đồn có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Trong trường hợp tung tin máy bay rơi nêu trên, người tung tin có thể bị phạt hành chính đến 20.000.000 đồng.
Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện có quy định rất rõ về các mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin. Trong đó, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Về việc xử lý hình sự, tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ việc, người tung tin đồn thất thiệt có thể bị xử lý hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet.
Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet được quy định tại Điều 226 của Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Trong đó có quy định người nào đưa lên máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 88 (Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam) và Điều 253 (Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy) của Bộ luật này, xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Phạm tội có tổ chức, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng… thì bị phạt tù từ 02-07 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm.
Bịa đặt ra những thông tin không có thật rồi đăng tải lên mạng để lôi kéo sự chú ý, phục vụ mục đích của mình là một hành vi gây nguy hiểm, không chỉ gây thiệt hại cho đối tượng bị tung tin đồn mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự và sự phát triển của xã hội. Do vậy, để hạn chế những tin đồn thất thiệt lan truyền, mỗi người cần có ý thức trong việc chọn lọc, kiểm chứng thông tin. Ngoài ra, xử lý mạnh tay những đối tượng tung tin đồn thất thiệt là việc làm cần thiết.
Những điều, khoản, khung hình phạt trên chỉ mang tính chất tham khảo. Bạn đọc có thể theo dõi thêm những quy định đã nêu trong bài viết tại các văn bản sau:
Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 của Quốc hội
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, số 37/2009/QH12 của Quốc hội