Từ hôm nay (20/3), nhiều chính sách bắt đầu có hiệu lực

Cấm tự ý đưa thuốc, thực phẩm chức năng vào trại giam; Hỗ trợ 500 USD/người/năm mua bảo hiểm cho thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ hôm nay (20/3/2020).

Cấm tự ý đưa thuốc, thực phẩm chức năng vào trại giam

Đây là quy định tại  Thông tư 10/2020/TT-BCA. Theo đó, từ hôm nay (20/3) cấm đưa các loại thuốc chữa bệnh; thuốc phòng bệnh, thực phẩm chức năng vào trại giam khi chưa được sự đồng ý của thủ trưởng cơ sở giam giữ.

Như vậy, sẽ có 11 loại đồ vật cấm đưa vào trại giam gồm: Vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ; chất độc, chất gây mê; chất cháy, chất gây cháy, hóa chất độc dược; các chất ma túy; tiền, vàng, bạc; giấy tờ tùy thân; điện thoại, máy ảnh…

Khi phát hiện phạm nhân đưa vào, tàng trữ, sử dụng đồ vật cấm trong trại giam thì cán bộ phải lập biên bản và tạm giữ đồ vật cấm.

Đối với hành vi đưa vào, tàng trữ, sử dụng đồ vật cấm trong trại giam có dấu hiệu tội phạm thì Giám thị trại giam ra quyết định khởi tố vụ án tiến hành các hoạt động điều tra, sau đó chuyển Cơ quan điều tra có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.


Nhiều chính sách có hiệu lực 20/3/2020 (Ảnh minh họa)

Hỗ trợ 500 USD/người/năm mua bảo hiểm cho thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài

Đây là nội dung được Bộ Tài chính thông qua tại Thông tư 07/2020/TT-BTC.

Theo đó, căn cứ vào quyết định cử đi công tác nhiệm kỳ, ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức 500 USD/người/năm để mua bảo hiểm khám chữa bệnh cho thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, phu nhân/phu quân.

Trưởng Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài và phu nhân/phu quân đi công tác nhiệm kỳ cùng Trưởng Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được hỗ trợ 1.800 USD/người/01 nhiệm kỳ để mua sắm trang phục và những đồ dùng cá nhân trong nhiệm kỳ công tác và được khoán gọn cho cả nhiệm kỳ.

Thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, phu nhân/phu quân trong thời gian đi công tác nhiệm kỳ ở nước ngoài được tham gia đóng bảo hiểm y tế bắt buộc trong nước theo quy định hiện hành.

Đặc biệt, nữ thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài khi sinh con được hưởng theo chế độ thai sản với mức hưởng bằng 100% mức lương bình quân tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả và thôi không được hưởng chế độ sinh hoạt phí trong thời gian nghỉ theo chế độ thai sản.

5 điều kiện để nhập quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài

Tại Nghị định 16/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam, Chính phủ đã có những quy định chi tiết  trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn muốn giữ quốc tịch nước ngoài thì phải đáp ứng các điều kiện như:

- Có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam;

- Có công lao đặc biệt đóng góp cho Việt Nam và việc nhập quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn giữ quốc tịch nước ngoài là có lợi cho Nhà nước Việt Nam;

- Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước đó;

- Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước ngoài bị ảnh hưởng;

- Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tình Nguyễn
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục