Cụ thể, đối với thị trường trong nước, ngân hàng thương mại muốn thực hiện hoạt động ngoại hối cơ bản như: Thực hiện các giao dịch mua bán ngoại tệ giao ngay; nhận tiền gửi, cho vay bằng ngoại tệ đối với các khách hàng không phải là TCTD... phải có phương án kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường trong nước; có trang thiết bị, điều kiện vật chất, hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo các yêu cầu về quản trị điều hành, quản lý rủi ro, an toàn... Đặc biệt, cán bộ quản lý từ cấp phòng trở lên và cán bộ nghiệp vụ phải có trình độ tối thiểu tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế, ngân hàng, tài chính hoặc có bằng đại học các ngành nêu trên và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; trình độ tiếng Anh đạt C trở lên.
Riêng đối với các hoạt động ngoại hối khác trên thị trường trong nước và quốc tế như: Hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài; hoạt động ngoại hối phái sinh trên thị trường quốc tế..., ngân hàng thương mại được xem xét thực hiện có thời hạn các hoạt động ngoại hối nêu trên khi đã được phép thực hiện một phần hoặc toàn bộ hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường trong nước hoặc quốc tế; không bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động ngoại hối năm liền kề năm nộp hồ sơ và đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp phép và kinh doanh ngân hàng có lãi trong 02 năm liền kề năm nộp hồ sơ...
Cũng theo Thông tư này, trong thời hạn 12 tháng từ ngày 15/10, TCTD đã được cấp Giấy phép, Giấy xác nhận đủ điều kiện hoạt động ngoại hối phải chuyển đổi sang Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc quyết định sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động. Quá thời hạn nêu trên, TCTD không thực hiện chuyển đổi hoặc không chuyển đổi được do không đáp ứng đủ điều kiện sẽ phải chấm dứt các hoạt động ngoại hối đó.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2014.
- LuậtViệtnam