(LuatVietnam) Nhằm kiểm soát và hạn chế việc xuất khẩu than nguyên liệu trong khi nguồn tài nguyên này đang dần cạn kiệt và có dư luận cho rằng Việt Nam đang nhập khẩu than, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 108/2011/TT-BTC ngày 28/07/2011 sửa đổi, bổ sung quy định về thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Theo đó, kể từ ngày 11/09/2011, thuế xuất than đá; than bánh, than quả bàng và nhiên liệu rắn tương tự sản xuất từ than đá; than cốc và than nửa cốc, luyện từ than đá, than non hoặc than bùn, đã hoặc chưa đóng bánh; muội bình chưng than đá tăng từ 15% lên 20%.
Số liệu từ Vinacomin cho hay, số lượng than nhập khẩu từ nay đến năm 2012 vào khoảng 10 triệu tấn mỗi năm; kế hoạch đến năm 2020, con số than nhập khẩu sẽ nâng lên 100 triệu tấn. Trong khi đó, mỗi tháng Vinacomin lại xuất khẩu gần 2 triệu tấn than và khoảng 20 triệu tấn mỗi năm.
Theo một số nguồn tin, giới chuyên gia cũng đồng tình với việc tăng thuế xuất khẩu sản phẩm này, nguyên nhân là do than của Việt Nam xuất đi chủ yếu là sản phẩm chất lượng cao trong khi nguồn hàng nhập về lại chất lượng kém, có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao.
Ngoài việc tăng thuế xuất khẩu than, các mặt hàng bột hoá thạch silic và đất silic tương tự, đã hoặc chưa nung, có trọng lượng riêng không quá 1; quặng steatit tự nhiên, đã hoặc chưa đẽo thô hoặc mới chỉ cắt bằng cưa hay các cách khác, thành các khối hoặc tấm, talc cũng được điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu thêm 5% lên mức 20%. Riêng thuế xuất khẩu mặt hàng tà vẹt đường sắt hoặc đường xe điện (thanh ngang) bằng gỗ tăng thêm 15% lên mức 20%.
Thông tư cũng điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng, cụ thể như sau: Các loại ống, ống dẫn, ống vòi và các phụ kiện dùng để ghép nối bằng polyme etylen, polyme propylen có thuế nhập khẩu giảm từ 17% xuống còn 12%; các bộ phận của giày, dép như mũi dày bằng kim loại, bằng gỗ có mức thuế suất giảm từ 20% xuống còn 15%; thuế nhập khẩu kính có cốt thép giảm từ 30% xuống còn 25%...