Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải bằng xe taxi (từ 09 chỗ ngồi trở xuống kể cả lái xe), Nghị định nhấn mạnh, doanh nghiệp, hợp tác xã phải đăng ký và thực hiện sơn biểu trưng (logo) không trùng với biểu trưng đã đăng ký của đơn vị kinh doanh vận tải taxi trước đó và số điện thoại giao dịch cho các xe thuộc đơn vị; phải có trung tâm điều hành, duy trì hoạt động của trung tâm điều hành với lái xe, đăng ký tần số liên lạc và có thiết bị liên lạc giữa trung tâm với các lái xe thuộc đơn vị; taxi phải có niêm hạn sử dụng không quá 08 năm (tại đô thị loại đặc biệt) hoặc 12 năm (tại các địa phương khác); trên xe phải gắn đồng hồ tính tiền, được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì. Đặc biệt, từ ngày 01/01/2016, doanh nghiệp, hợp tác xã đó phải có tối thiểu 10 xe taxi; riêng đối với đô thị loại đặc biệt, số xe tối thiểu phải có là 50 xe.
Cũng theo Nghị định này, từ ngày 01/07/2015, ô tô có trọng tải thiết kế từ 10 hành khách trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng vận tải khách du lịch hoặc hợp đồng lữ hành, phải thông báo tới Sở Giao thông Vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải các thông tin cơ bản của chuyến đi, bao gồm: Hành trình, số lượng khách, các điểm đón, trả khách, thời gian thực hiện hợp đồng.
Một nội dung đáng chú ý khác là quy định về thiết bị giám sát hành trình của xe. Theo đó, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách; xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa... phải có thiết bị giám sát hành trình hoạt động liên tục trong thời gian xe tham gia giao thông. Đối với những loại xe chưa được lắp thiết bị giám sát hành trình trước ngày 01/12/2014, việc lắp đặt được thực hiện lần lượt trước ngày 01/07/2015; 0101/2016 và 01/07/2016 đối với taxi, sơ mi rơ moóc kinh doanh vận tải; ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 10 tấn trở lên và ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 07tấn đến dưới 10 tấn...
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2014.
- LuậtViệtnam