Ngày 22/08/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2011/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động, có hiệu lực từ ngày 05/10/2011; thay thế 02 Nghị định số 107/2010/NĐ-CP và số 108/2010/NĐ-CP ngày 29/10/2010.
Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 01/10/2011 đến hết ngày 31/12/2012 như sau: Mức lương tối thiểu vùng là 2 triệu đồng/tháng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I; mức 1,78 triệu đồng/tháng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II; mức 1,55 triệu đồng/tháng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III; mức 1,4 triệu đồng/tháng đối với doanh nghiệp hoạt động trên các địa bàn thuộc vùng IV.
Mức lương tối thiểu vùng này là mức lương thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa thuận tiền lương trả cho người lao động và được làm căn cứ để xây dựng các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, tính các mức lương ghi trong hợp đồng lao động và thực hiện các chế độ khác do doanh nghiệp xây dựng và ban hành theo thẩm quyền do pháp luật lao động quy định.
Nghị định cũng quy định mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng được quy định trong Nghị định.
Khuyến khích doanh nghiệp tổ chức ăn giữa ca cho người lao động; mức tiền ăn giữa ca do doanh nghiệp, Ban Chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban Chấp hành công đoàn lâm thời và người lao động thỏa thuận, để đảm bảo chất lượng bữa ăn giữa ca cho người lao động…
- LuậtViệtnam