TP. Hà Nội: Đất ở đô thị bằng 80% mức tối đa CP quy định

Đây là nguyên tắc xây dựng khung giá đất ở tại đô thị Hà Nội vừa được Phó Chủ tịch TP Lê Quý Đôn trình tại Phiên khai mạc kỳ họp HĐND TP. Hà Nội sáng 7/12.

Cùng ngày, HĐND TP. Hà Nội còn nghe báo cáo về tình hình thực hiện các nhiệm vụ của Thành phố về kinh tế xã hội, ngân sách năm 2004 cùng một số tờ trình liên quan đến việc đặt và đổi tên một số công trình, đường phố, việc thực hiện pháp lệnh nghĩa vụ công ích...

Đất ở đô thị tại Hà Nội tối đa 54 triệu đồng/m2, tối thiểu là 2,5 triệu đồng/m2

"Việc xây dựng khung giá đất vừa phải kết hợp với thu thập thông tin về điều tra giá đất trên thực tế của thị trường, vừa phải phân tích loại trừ các yếu tố không bình thường của thị trường, vừa phải căn cứ vào tình hình thực tế về giá đất đã áp dụng thời gian qua cũng như khung giá đất do Chính phủ quy định, để xây dựng khung giá đất hợp lý có lộ trình cụ thể cho năm 2005 và các năm tới" - nguyên tắc xây dựng khung giá đất của Hà Nội được PCT Lê Quý Đôn nói rõ trước khi trình khung giá đất dự kiến năm tới.

3 loại đất cơ bản mà Hà Nội dự kiến xây dựng khung giá là đất nông nghiệp, đất ở và đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp.

Ông Lê Quý Đôn cho biết: mức tối thiểu khung giá đất nông nghiệp không thấp hơn 30.000đ/m2 (đối với đất nông nghiệp hàng năm), 31.500đ/m2 (đối với đất trồng cây lâu năm) và 7.650đ/m2 (đối với đất rừng phòng hộ, đặc dụng, rừng sản xuất...).

Theo lý giải của ông Lê Quý Đôn, khung giá trên nhằm đảm bảo quyền lợi cho người nông dân, hạn chế ảnh hưởng đến chính sách bồi thường đồng thời, hỗ trợ hiện hành khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để phát triển đô thị và công nghiệp.

"Áp dụng bằng 80% mức tối đa khung giá đất Chính phủ quy định đối với đô thị đặc biệt" cũng là đề xuất của UBND TP. Hà Nội trong việc xây dựng khung giá đất ở tại đô thị.

Theo đó, khung giá tối đa cho đất ở đô thị tại TP là 54 triệu đồng/m2, tối thiểu là 2,5 triệu đồng/m2 (so với khung giá đất Chính phủ cho phép là tối đa 67,5 triệu đồng/m2 và tối thiểu 1,5 triệu đồng/m2).

Tương tự, với khung giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp trên địa bàn TP, Hà Nội đề nghị áp dụng mức tối đa chỉ bằng 49% so với mức Chính phủ quy định đối với đô thị loại đặc biệt, tức chỉ bằng hơn 23,5 triệu đồng/m2 so với hơn 47,8 triệu đồng/m2.

Theo PCT Lê Quý Đôn, hiện, giá đất cho các doanh nghiệp thuê tại Hà Nội theo khung giá của TP có mức tối đa là 11,76 triệu đồng/m2, trong khi mức giá tối đa của Chính phủ quy định tại Nghị định 188/2004 là 47,81 triệu đồng/m2, gấp tới 4,07 lần. "Nếu áp dụng với giá đất hiện nay của TP thì doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh mức thuê đất từ 0,5%/năm lên 1,5%/năm (tăng 3 lần). Trong khi nếu áp dụng theo khung giá đất Chính phủ quy định thì tiền thuê đất của các doanh nghiệp sẽ tăng tới 12,21 lần" - ông Đôn lý giải.

Kiên quyết cắt, dừng, tạm hoãn những dự án không hiệu quả

Đây là một trong 9 đề nghị của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP được nêu rõ trong Báo cáo thẩm định của Ban về các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ kinh tế - xã hội của TP trong năm 2004.

"Kinh tế tăng trưởng cao nhưng các tiềm năng về đất đai, nhân lực, vốn... vẫn chưa được huy động tốt và sử dụng hiệu quả; tỷ lệ lấp đầy một số khu công nghiệp tập trung còn thấp; đầu tư còn dàn trải, nhiều công trình đầu tư kéo dài, chậm đưa vào sử dụng; một số công trình tồn đọng lâu làm giảm hiệu quả đầu tư..." - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Lê Văn Hoạt nhận định.

Để khắc phục tình trạng trên, giải pháp mạnh, đồng bộ mà ông Hoạt thay mặt Ban đề xuất lên HĐND, UBND TP "từ năm 2005, không bố trí kế hoạch khi chưa rõ nguồn vốn chắc chắn; trường hợp phải triển khai những dự án bổ sung do nhiệm vụ cấp bách, nếu chưa có nguồn bổ sung chắc chắn thì phải sử dụng dự phòng ngân sách hoặc chỉ rõ cắt giảm từ các nhiệm vụ đã giao để đảm bảo yêu cầu mọi nhiệm vụ, mục tiêu đều phải có đủ nguồn lực để thực hiện".

Đặc biệt, theo ông, HĐND, UBNDTP "cần rà soát lại tất cả các dự án đầu tư đã được duyệt, kiên quyết cắt, dừng hoặc tạm hoãn những dự án không hiệu quả, chưa thực sự cấp bách".

Hà Nội thu ngân sách năm 2004 chủ yếu từ nguồn đấu giá đất

"Thu ngân sách địa phương năm 2004 tuy vượt dự toán 196,427 tỷ nhưng chủ yếu do nguồn đấu giá đất (vượt 300 tỷ). Trái lại, các khoản thu hưởng theo tỷ lệ điều tiết thuế và phí thì không đạt kế hoạch (chỉ bằng 97,5% dự toán) - ông Lê Văn Hoạt cho biết.

Mặc dù vậy, theo nhận định trước đó của Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐNDTP, tổng thu ngân sách trên địa bàn vượt dự toán 4,3% và tăng 8,5% so với năm 2003 là "cố gắng lớn, trong đó một số khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% tăng cao". Nhờ tổng thu ngân sách địa phương vượt dự toán 22,4% nên TP đã có điều kiện tăng chi cho những nhiệm vụ mới, nhất là chi cho đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, cũng theo kết quả thẩm định của Ban này được ông Hoạt nêu tại kỳ họp HĐND sáng nay, tăng thu ngân sách năm 2004 là 8,5% so với năm 2003 trong điều kiện GDP theo giá cố định tăng 11,12% và chỉ số trượt giá chung trong năm khoảng 6,28% được coi là "mức tăng khiêm tốn".

Để tạo động lực khai thác nguồn thu, theo đề xuất của Ban Kinh tế - Ngân sách với HĐNDTP, cần thống nhất giao dự toán thu năm 2005 cao hơn dự toán Bộ Tài chính giao 200 tỷ đồng; đồng thời, giao chỉ tiêu phấn đấu cho các cơ quan thu và các cấp, các ngành với mức tăng 5% so với Nghị quyết HĐNDTP.

Tiếp tục thực hiện thưởng 50% số thu vượt dự toán nộp về ngân sách cấp trên với các khoản thu quận, huyện được phân phối cho quận, huyện cũng được coi là giải pháp quan trọng được đề xuất để tạo động lực khai thác nguồn thu ngân sách.

Các giải pháp trên sẽ hiệu quả hơn nếu HĐNDTP đẩy mạnh việc thực hiện kiểm kê các tài sản công, đặc biệt là đất đai, cơ sở vật chất về nhà cửa, trụ sở làm việc và những tài sản có giá trị lớn thuộc các đơn vị hành chính sự nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn, theo đề xuất của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND.

Đồng ý với dự toán tổng nguồn thu ngân sách địa phương năm 2005 do UBNDTP trình, song Ban Kinh tế - Ngân sách cũng đề nghị UBNDTP làm rõ thêm một số vấn đề để HĐNDTP có đủ thông tin thảo luận và quyết định phương án phân bổ ngân sách TP năm tới.

Cụ thể, UBNDTP phải báo cáo về tổng số nợ đọng (cả XDCB và chi thường xuyên) tính đến hết năm 2004 và phương án xử lý số nợ này trong năm 2005; đồng thời, làm rõ kinh phí chi cho an ninh, quốc phòng từ ngân sách TP gồm 62 tỷ đồng có bao gồm cả phần kinh phí hỗ trợ ngoài những nhiệm vụ mà ngân sách địa phương có trách nhiệm chi theo Luật Ngân sách hay không?

  • Hồng Lam (VietNamNet)

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Điểm tin VBPL tuần từ 15/11 - 21/11/2024

LuatVietnam gửi đến quý độc giả điểm tin VBPL tuần từ 15/11 - 21/11/2024 với các nội dung nổi bật liên quan đến Luật Hành chính, Luật Ngân hàng, Luật Dân sự.