Tổng quan điểm mới 9 Luật có hiệu lực từ tháng 7/2018

Từ 01/07/2018, 09 Luật sẽ chính thức có hiệu lực với nhiều nội dung đáng chú ý, như: Gây oan sai, cán bộ phải hoàn trả ít nhất 10% lương; Chuyển từ cơ chế phí sang giá dịch vụ thủy lợi; Hành khách đi tàu được trả lại vé trước giờ tàu chạy; Người dân được yêu cầu Nhà nước cung cấp thông tin…

Gây oan sai, cán bộ phải hoàn trả ít nhất 10% lương

Đây là nội dung mới được quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, có hiệu lực ngày 01/07/2018.

Cụ thể, người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại phải hoàn trả cho ngân sách Nhà nước một phần hoặc toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người gây thiệt hại. Việc hoàn trả có thể được thực hiện bằng cách trừ dần vào tiền lương hằng tháng của người thi hành công vụ với mức tối thiểu là 10% và tối đa là 30%.

Trường hợp người thi hành công vụ phải hoàn trả là người đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi hoặc phụ nữ đang mang thai thì được hoãn hoàn trả.

Cũng theo Luật này, người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự được phục hồi danh dự bằng cách được trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai tại nơi cư trú nếu là cá nhân, nơi đặt trụ sở nếu là pháp nhân...

Quy định 4 đối tượng được cảnh vệ

Luật Cảnh vệ năm 2017 quy định cụ thể về các đối tượng được cảnh vệ, bao gồm: Người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; Khu vực trọng yếu; Sự kiện đặc biệt quan trọng.

Trong đó, người giữ chức vụ, chức danh cấp cao được bảo vệ có: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch nước; Phó Chủ tịch Quốc hội; Phó Thủ tướng…

Luật cũng quy định, để được tuyển chọn vào lực lượng cảnh vệ, công dân phải đáp ứng các tiêu chuẩn: Đủ 18 tuổi trở lên; có sức khỏe, lý lịch rõ ràng và tự nguyện phục vụ lâu dài trong lực lượng Cảnh vệ; Có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phù hợp với tính chất đặc thù công tác cảnh vệ.

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

6 trường hợp nổ súng không cần cảnh báo

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 cũng sẽ có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

Luật này quy định 06 trường hợp người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào đối tượng không cần cảnh báo, bao gồm:

- Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội đó;

- Đối tượng sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ;

- Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của đối tượng cảnh vệ, công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;

- Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác;

- Đối tượng đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;

- Được nổ súng vào động vật đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm về nợ công

Luật Quản lý nợ công năm 2017 quy định cụ thể về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi xảy ra vi phạm về nợ công.

Theo đó, người đứng đầu phải giải trình và chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm về quản lý nợ công của cơ quan, tổ chức. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người đứng đầu có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Luật cũng quy định Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về nợ công. Trong đó có việc chủ trì tổ chức thực hiện đàm phán, ký kết hiệp định khung, hiệp định cụ thể về vay ODA, trước đây vai trò này thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đáng chú ý, Luật quy định 03 đối tượng được vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, gồm: UBND cấp tỉnh; Đơn vị sự nghiệp công lập và Doanh nghiệp. Để được vay lại, các đối tượng này phải có phương án tài chính khả thi được cấp có thẩm quyền thẩm định.

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

Hỗ trợ học phí cho con của thành viên Đại sứ quán Việt Nam

Cũng có hiệu lực từ ngày 01/07/2018 là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài năm 2017.

Luật này bổ sung quyền lợi dành cho thành viên cơ quan đại diện, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan đại diện như sau:

- Con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài sẽ được hỗ trợ một phần học phí và chi phí mua bảo hiểm khám bệnh, chữa bệnh tại quốc gia tiếp nhận.

- Thành viên cơ quan đại diện, vợ hoặc chồng được cử đi công tác cùng với thành viên cơ quan đại diện được bảo đảm chi phí đi lại trong trường hợp cha, mẹ đẻ hoặc cha, mẹ vợ (chồng) hoặc vợ, chồng, con thành viên cơ quan đại diện chết.

Tiêu chuẩn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền cũng là một nội dung được bổ sung tại Luật này. Theo đó, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền phải có trình độ đại học trở lên; Sử dụng thông thạo ít nhất 01 ngoại ngữ; Trong độ tuổi đủ để hoàn thành ít nhất một nhiệm kỳ công tác…

Chuyển từ cơ chế phí sang giá dịch vụ thủy lợi

Một trong những nội dung đáng chú ý của Luật Thủy lợi năm 2017 là chuyển từ phí thủy lợi sang giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi.

Giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi bao gồm chi phí quản lý, vận hành, bảo trì, chi phí khấu hao, chi phí thực tế hợp lý khác và lợi nhuận phù hợp với mặt bằng thị trường.

Việc định giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi căn cứ vào giá thành, chất lượng sản phẩm dịch vụ thủy lợi; mức lợi nhuận; Khả năng thanh toán của người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; Khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; Đặc điểm công trình thủy lợi…

Luật cũng nghiêm cấm việc sử dụng xe cơ giới vượt tải trọng cho phép đi trên công trình thủy lợi; sử dụng xe cơ giới, phương tiện thủy nội địa lưu thông trong công trình thủy lợi khi có biển cấm; Đổ chất thải, rác thải trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; xả nước thải trái quy định vào công trình thủy lợi…

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

Cấm chuyển giao chất phóng xạ vào Việt Nam

Danh mục công nghệ cấm chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam theo Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 bao gồm:

- Không đáp ứng quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo đảm sức khỏe con người, bảo vệ tài nguyên, môi trường và đa dạng sinh học;

- Tạo ra sản phẩm gây hậu quả xấu đến phát triển kinh tế - xã hội; ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội;

- Sử dụng chất phóng xạ, tạo ra chất phóng xạ không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

- Công nghệ; máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ không còn sử dụng phổ biến và chuyển giao ở các quốc gia đang phát triển và không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

- Công nghệ sử dụng hóa chất độc hại hoặc phát sinh chất thải không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Ngoài ra, Luật cũng quy định cấm chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài công nghệ thuộc Danh mục bí mật Nhà nước.

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

Hành khách đi tàu được trả lại vé trước giờ tàu chạy

Quyền của hành khách đi tàu là một trong những nội dung được quy định tại Luật Đường sắt năm 2017, có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

Theo đó, hành khách đi tàu có các quyền lợi như sau:

- Được hưởng mọi quyền lợi theo đúng hạng vé và không phải trả tiền vận chuyển đối với hành lý mang theo người trong phạm vi khối lượng và chủng loại theo quy định.

- Trả lại vé, đổi vé trước giờ tàu chạy và chịu các khoản chi phí (nếu có) theo quy định.

- Được hoàn trả tiền vé, bồi thường thiệt hại và các chi phí phát sinh khi bị thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản do lỗi của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt theo quy định.

- Được bảo hiểm về tính mạng, sức khoẻ theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, hành khách có nghĩa vụ: Phải có vé hành khách, vé hành lý và tự bảo quản hành lý mang theo người; Bồi thường thiệt hại nếu làm hư hỏng, mất mát tài sản của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt; Chấp hành nghiêm chỉnh nội quy đi tàu.

Người dân được yêu cầu Nhà nước cung cấp thông tin

Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 khẳng định mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Công dân có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước cung cấp thông tin, trừ thông tin thuộc bí mật Nhà nước; thông tin mà nếu tiếp cận sẽ gây nguy hại hoặc thông tin cá nhân, thông tin thuộc bí mật kinh doanh…

Hình thức yêu cầu cung cấp thông tin bao gồm: Trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác đến trụ sở cơ quan Nhà nước yêu cầu cung cấp thông tin; Gửi Phiếu yêu cầu qua mạng điện tử, bưu chính, fax đến cơ quan Nhà nước.

Khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin hợp lệ, cơ quan Nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin thông báo về thời hạn, địa điểm, hình thức cung cấp thông tin; chi phí thực tế để in, sao, chụp, gửi thông tin qua dịch vụ bưu chính, fax (nếu có)…

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

Quý khách hàng có thể xem thêm Danh sách Luật có hiệu lực từ tháng 07/2018 tại đây.

LuatVietnam

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục