Tổng quan chính sách mới Luật và Nghị quyết có hiệu lực từ 2018

Tổng quan chính sách mới Luật và Nghị quyết có hiệu lực từ 2018

(LuatVietnam) Trong năm 2018, có 21 Luật và 01 Nghị quyết của Quốc hội sẽ chính thức có hiệu lực; theo đó, hàng loạt chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội sẽ được áp dụng, như: Bỏ hình phạt tử hình với nhiều tội danh; Vi phạm về kinh doanh đa cấp bị phạt tù đến 5 năm; Miễn, giảm thuế cho hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp; Gây oan sai, cơ quan Nhà nước phải chủ động xin lỗi...

Bỏ hình phạt tử hình với nhiều tội danh

Đây là một trong những nội dung mới tại Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 của Quốc hội, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Theo đó, hình phạt tử hình sẽ không còn được áp dụng với một loạt tội danh, trong đó có: Tội cướp tài sản; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tội phá hủy công trình, cơ sở phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Tội chống mệnh lệnh; Tội đầu hàng địch…; mức phạt cao nhất với các tội này là tù chung thân.

Đáng chú ý, lần đầu tiên tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động được đưa vào Bộ luật Hình sự. Bộ luật này quy định, người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ từ 06 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tiếp tục vi phạm có thể bị phạt tù đến 07 năm; pháp nhân phạm tội có thể bị phạt tiền đến 03 tỷ đồng.

Hỏi cung bị can phải được ghi âm, ghi hình

Ngày 01/01/2018, Bộ luật Tố tụng Hình sự số 101/2015/QH13 sẽ chính thức có hiệu lực với nhiều nội dung mới, đáng chú ý.

Bộ luật này quy định, việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Trường hợp hỏi cung bị can tại địa điểm khác cũng phải được ghi âm, ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Cũng theo Bộ luật này, bị can, bị cáo bao gồm cả pháp nhân. Bị can được quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội. Bị cáo được tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; tranh luận tại phiên tòa.

Điều tra viên được huy động phương tiện để bắt người

Cũng có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13 đã quy định cụ thể về một số quyền và nghĩa vụ của điều tra viên.

Điều tra viên được huy động, sử dụng phương tiện giao thông, thông tin liên lạc của tổ chức, cá nhân để ngăn chặn hành động phạm tội, đuổi bắt người phạm tội, cấp cứu người bị nạn nhưng phải có trách nhiệm hoàn trả ngay khi tình huống cấp thiết không còn.

Điều tra viên không được can thiệp vào việc giải quyết vụ án, vụ việc hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án, vụ việc; đưa hồ sơ, tài liệu vụ án, vụ việc ra khỏi cơ quan nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền. Đặc biệt, điều tra viên không được tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án, vụ việc mà mình có thẩm quyền giải quyết ngoài nơi quy định.

Người bị tạm giam vẫn được gặp người thân

Theo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 của Quốc hội, người bị tạm giam được gặp thân nhân 01 lần/tháng; người bị tạm giữ được gặp thân nhân 01 lần trong thời gian tạm giữ và 01 lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ; thời gian mỗi lần gặp không quá 01 giờ. Trường hợp người bị tạm giam, tạm giữ là người dưới 18 tuổi, số lần thăm gặp được tăng gấp đôi.

Người bị tạm giam được nhận quà của thân nhân gửi không quá 03 lần/tháng; người bị tạm giữ được nhận quà 01 lần trong thời gian tạm giữ; nếu gia hạn tạm giữ, được nhận quà 01 lần với mỗi lần gia hạn.

Cũng theo Luật này, người đồng tính, người chuyển giới; phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng; người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A; người bị kết án tử hình… có thể sẽ được bố trí giam giữ ở buồng riêng.

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Tổ chức tôn giáo hoạt động ổn định 5 năm mới được công nhận

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo số 02/2016/QH14 của Quốc hội quy định, tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo sẽ được công nhận là tổ chức tôn giáo khi đáp ứng các điều kiện: Hoạt động ổn định, liên tục từ đủ 05 năm trở lên; Có hiến chương theo quy định; Người đại diện, người lãnh đạo tổ chức phải là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam; Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình…

Luật cũng chỉ rõ, mỗi người dân đều có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo và có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại các cơ sở đào tạo tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ, người giám hộ đồng ý.

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Vi phạm về kinh doanh đa cấp bị phạt tù đến 5 năm

Từ năm 2018, vi phạm quy định về kinh doanh đa cấp sẽ được đưa vào Bộ luật Hình sự với mức phạt tiền tối đa 05 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 05 năm.

Cụ thể, mức phạt nêu trên được áp dụng trong trường hợp người tổ chức hoạt động kinh doanh đa cấp mà không có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng với nội dung của Giấy chứng nhận, thu lợi bất chính từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 1,5 tỷ đồng hoặc có quy mô mạng lưới từ 100 người tham gia.

Cũng theo quy định của Bộ luật này, luật sư sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về việc không tố giác thân chủ nếu trong quá trình bào chữa, biết rõ thân chủ đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Trên đây là những nội dung đáng chú ý tại Luật số 12/2017/QH14, sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Miễn, giảm thuế cho hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp

Theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14, từ năm 2018, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hưởng một số ưu đãi nhất định, như: Được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường; Hỗ trợ giá thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp trong thời hạn tối đa 05 năm…

Đặc biệt, hộ kinh doanh chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp nhỏ và vừa còn được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn; miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn; miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm...

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Quy định về áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

Có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 của Quốc hội quy định việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá; chống trợ cấp và biện pháp tự vệ) phải đảm bảo một số nguyên tắc nhất định.

Cụ thể như: Chỉ được áp dụng sau khi đã điều tra minh bạch, công bằng; Các quyết định về việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phải được công bố công khai; Không thu khoản chênh lệch về thuế nếu mức thuế phòng vệ thương mại chính thức cao hơn mức thuế phòng vệ thương mại tạm thời; Hoàn lại khoản chênh lệch về thuế nếu mức thuế phòng vệ thương mại chính thức thấp hơn mức thuế phòng vệ thương mại tạm thời…

Khi doanh nghiệp Việt Nam bị nước nhập khẩu điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, các cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện các hoạt động trợ giúp như: Cung cấp thông tin liên quan; xây dựng phương án yêu cầu bồi thường; khởi kiện nước nhập khẩu khi phát hiện vi phạm điều ước quốc tế…

Được tự đăng ký xếp hạng sao cho khách sạn

Luật Du lịch số 09/2017/QH14 của Quốc hội cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Các cơ sở lưu trú du lịch này sẽ được xếp hạng theo tiêu chuẩn từ 01 sao đến 05 sao.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch chỉ được sử dụng từ “sao” hoặc hình ảnh ngôi sao để quảng cáo về hạng cơ sở lưu trú du lịch sau khi được công nhận; phải treo biển công nhận hạng và quảng cáo đúng với loại, hạng đã được công nhận.

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

14 đối tượng được trợ giúp pháp lý

Luật Trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH14 của Quốc hội quy định 14 đối tượng được nhận trợ giúp pháp lý, thay vì chỉ có 04 đối tượng như trước đây.

Các đối tượng này gồm: Người có công với cách mạng; Người thuộc hộ nghèo; Trẻ em; Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng đặc biệt khó khăn; Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; Người bị buộc tội thuộc hộ nghèo; Người thuộc các trường hợp sau có khó khăn về tài chính: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; Người nhiễm chất độc da cam; Người cao tuổi; Người khuyết tật; Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án dân sự; Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; Nạn nhân của hành vi mua bán người; Người nhiễm HIV.

Các đối tượng nêu trên được trợ giúp pháp lý hoàn toàn miễn phí.

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Không được sử dụng tài sản công vào việc riêng

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 của Quốc hội cũng sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Luật quy định không được cho mượn, sử dụng tài sản công vào mục đích cá nhân. Tuy nhiên, cơ quan Nhà nước có thể cho cơ quan Nhà nước khác sử dụng chung hội trường, phương tiện vận tải và được thu một khoản kinh phí để bù đắp chi phí trực tiếp liên quan đến vận hành tài sản.

Tài sản công sẽ bị thu hồi trong các trường hợp: Trụ sở làm việc không sử dụng liên tục quá 12 tháng; Được Nhà nước giao trụ sở mới hoặc đầu tư xây dựng trụ sở khác để thay thế; Chuyển nhượng, bán, tặng cho, góp vốn, sử dụng tài sản để bảo đảm nghĩa vụ dân sự không đúng quy định…

Tài sản công sau khi bị thu hồi được xử lý theo một trong các hình thức: Giao cơ quan, tổ chức, đơn vị khác quản lý, sử dụng; Điều chuyển; Bán, thanh lý; Tiêu hủy…

Ngân hàng phá sản phải có phương án trả tiền gửi cho khách hàng

Đây là quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng số 17/2017/QH14 của Quốc hội.

Cụ thể, ngân hàng chỉ được phá sản khi đã rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, không có khả năng phục hồi theo các phương án tái cơ cấu khác… Trong phương án phá sản, ngân hàng phải đánh giá tác động của việc thực hiện phương án phá sản đối với sự an toàn chung của hệ thống; đồng thời, phải lên phương án chi trả tiền gửi cho các khách hàng là cá nhân.

Luật này cũng bổ sung quy định ngân hàng phải báo cáo bằng văn bản với Ngân hàng Nhà nước khi thay đổi tên chi nhánh; tạm ngừng hoạt động kinh doanh dưới 05 ngày làm việc; niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong nước.

Luật này có hiệu lực từ ngày 15/01/2018.

Thí điểm chính sách đặc thù với TP. Hồ Chí Minh

Tại Nghị quyết số 54/2017/QH14, Quốc hội thông qua thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh; trong đó có cơ chế về quản lý đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách Nhà nước…

Cụ thể, Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh có quyền đề xuất áp dụng thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường trên địa bàn, mức tăng không quá 25% so với hiện hành; Có quyền quyết định áp dụng phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí và lệ phí hoặc tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Ngân sách Thành phố sẽ được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu nêu trên và 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn Thành phố để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội…

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 15/01/2018.

Giá vận tải đường sắt phải được công khai

Theo Luật Đường sắt số 06/2017/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/07/2018, giá vận tải đường sắt phải được niêm yết tại ga đường sắt và công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt trước thời điểm áp dụng.

Luật cũng quy định, doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải mua bảo hiểm cho hành khách đi tàu; phí bảo hiểm được tính trong giá vé hành khách. Như vậy, vé hành khách, giấy tờ đi tàu sẽ là bằng chứng để chi trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Một nội dung đáng chú ý khác của Luật này là thay đổi điều kiện đối với lái tàu. Theo đó, lái tàu không bắt buộc phải có từ 24 tháng liên tục làm phụ lái như quy định trước đây.

Mọi công dân đều bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin

Luật Tiếp cận thông tin số 104/2016/QH13 của Quốc hội quy định, mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, không phải mọi thông tin người dân đều được quyền tiếp cận.

Thông tin công dân không được tiếp cận bao gồm: Thông tin thuộc bí mật Nhà nước; Thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh, gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác.

Thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện bao gồm: Thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh được tiếp cận trong trường hợp chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó đồng ý; Thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được tiếp cận nếu người đó đồng ý; thông tin liên quan đến bí mật gia đình được tiếp cận nếu các thành viên của gia đình đồng ý…

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ

Các doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ sẽ được Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia hỗ trợ thông qua các hình thức như: Cho vay ưu đãi; Hỗ trợ lãi suất vay; Bảo lãnh để vay vốn; Hỗ trợ vốn. Đây là nội dung tại Luật Chuyển giao công nghệ số 07/2017/QH14 của Quốc hội, có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

Luật này cũng quy định, những đối tượng sau được hưởng ưu đãi theo quy định về thuế để thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ: Tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài; Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, giải mã công nghệ tại doanh nghiệp; Tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao…

Trước khi xả lũ phải thông báo với chính quyền địa phương

Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 của Quốc hội yêu cầu tổ chức, cá nhân trước khi vận hành xả lũ có trách nhiệm thông báo cho chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan theo quy trình vận hành được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Luật nhấn mạnh, việc bảo đảm an toàn cho đập, hồ chứa nước là ưu tiên cao nhất trong quản lý, khai thác. Tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước phải có trách nhiệm đánh giá hiện trạng đập trước mùa mưa hàng năm. Khi xuất hiện nguy cơ gây mất an toàn đập, phải cứu hộ đập khẩn cấp và báo ngay với cơ quan phòng, chống thiên tai để kịp thời hỗ trợ, ứng cứu, chỉ đạo.

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

Gây oan sai, cơ quan Nhà nước phải chủ động xin lỗi

Theo Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước số 10/2017/QH14, trong 15 ngày từ ngày có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, cơ quan Nhà nước chủ động thông báo bằng văn bản cho người bị thiệt hại về việc Nhà nước tổ chức thực hiện phục hồi danh dự.

Việc phục hồi danh dự đối với người bị thiệt hại được thực hiện bằng các hình thức: Trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai tại nơi cư trú trong trường hợp người bị thiệt hại là cá nhân hoặc tại nơi đặt trụ sở trong trường hợp đối tượng bị thiệt hại là pháp nhân thương mại; Đăng báo xin lỗi và cải chính công khai.

Trường hợp người bị thiệt hại đã chết thì cơ quan Nhà nước vẫn phải thực hiện đăng báo xin lỗi và cải chính công khai.

Luật này có hiệu lực ngày 01/07/2018.

Biện pháp cảnh vệ đối với cơ quan Đảng, Chính phủ

Nội dung này được quy định cụ thể tại Luật Cảnh vệ số 13/2017/QH14 của Quốc hội, có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

Theo đó, khu vực làm việc của Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp cảnh vệ: Tuần tra, canh gác thường xuyên; Kiểm tra, kiểm soát người, đồ vật và phương tiện ra, vào khu vực; Kiểm tra an ninh, an toàn trong trường hợp cần thiết; Biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia và Luật Công an nhân dân.

Đối với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Phủ Chủ tịch, Quảng trường Ba Đình và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn, quận Ba Đình, TP. Hà Nội, không áp dụng biện pháp kiểm tra, kiểm soát người, đồ vật và phương tiện ra, vào khu vực; vẫn áp dụng các biện pháp cảnh vệ còn lại nêu trên.

Các trường hợp được nổ súng quân dụng

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 14/2017/QH14 của Quốc hội quy định:

Người thi hành nhiệm vụ độc lập phải cảnh báo bằng hành động, lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào đối tượng trong các trường hợp: Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vũ lực tấn công hoặc chống trả đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; Khi biết rõ đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng…

Trường hợp đối tượng đang sử dụng vũ khí, trực tiếp thực hiện hành vi khủng bố, giết người, bắt cóc con tin; Đối tượng sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trực tiếp sử dụng vũ khí chống lại việc bắt giữ; Đối tượng đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ… thì người thi hành nhiệm vụ được nổ súng vào đối tượng không cần cảnh báo.

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

Hỗ trợ học phí cho con của thành viên Đại sứ quán Việt Nam

Từ 01/07/2018, con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được hỗ trợ một phần học phí và chi phí mua bảo hiểm khám bệnh, chữa bệnh tại quốc gia tiếp nhận. Nội dung mới này được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài số 19/2017/QH14.

Đối với thành viên cơ quan đại diện, vợ/chồng và con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan đại diện ngoài việc được hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp như quy định trước đây, còn được bảo đảm chi phí đi lại trong trường hợp cha, mẹ hoặc cha, mẹ của vợ/chồng hoặc vợ, chồng, con của thành viên cơ quan đại diện chết.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm về nợ công

Có hiệu lực từ ngày 01/07/2018, Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH14 của Quốc hội quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải giải trình và chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý nợ công của cơ quan, tổ chức mình. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.­­­­­­

Luật cũng quy định 03 đối tượng được vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, gồm: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Đơn vị sự nghiệp công lập và Doanh nghiệp. Các đối tượng này phải có phương án tài chính khả thi được cấp có thẩm quyền thẩm định.

Theo Luật này, Bộ Tài chính là cơ quan duy nhất được giao chịu trách nhiệm trong quản lý nợ công.

Khách hàng của LuatVietnam có thể xem thêm Danh sách luật và nghị quyết có hiệu lực trong năm 2018 tại đây.

 

 

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục