Tổng quan chính sách mới Luật và Nghị quyết có hiệu lực từ 2017

(LuatVietnam) Bước vào năm 2017, nhiều luật và nghị quyết mới sẽ chính thức có hiệu lực, theo đó hàng loạt chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội sẽ được áp dụng, như: Chính thức cho phép chuyển đổi giới tính; Cấm báo chí quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa; Tiết lộ thông tin cá nhân của trẻ từ 7 tuổi phải được trẻ đồng ý; Thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài; Tổ chức dạy thêm, học thêm không còn là ngành nghề KD có điều kiện…


Chính thức cho phép chuyển đổi giới tính

Tại Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, Quốc hội đã chính thức cho phép chuyển đổi giới tính. Theo đó, cá nhân chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi.

Một nội dung mới khác của Bộ luật này là cho phép các bên được thỏa thuận lãi suất vay tài sản trong dân sự, nhưng tối đa không quá 20%/năm của khoản tiền vay; không tính theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước như trước. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất nêu trên.

Về thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản, Bộ luật quy định thời hiệu là 30 năm đối với bất động sản; 10 năm với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết về quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, thay vì 02 năm như quy định hiện hành.

Từ 2017, 17 khoản phí chuyển sang giá dịch vụ

Theo Luật Phí và Lệ phí số 97/2015/QH13, từ ngày 01/01/2017, 17 khoản phí sẽ chuyển sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá; trong đó có: Phí chợ; Phí sử dụng đường bộ; Phí qua đò, qua phà; Phí sử dụng cảng, nhà ga; Phí kiểm định phương tiện vận tải; Phí trông giữ xe;  Phí phòng, chống dịch bệnh; Phí kiểm dịch y tế; Phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn; Phí vệ sinh; Phí hoạt động chứng khoán…

Cũng theo Luật này, các đối tượng được miễn, giảm phí, lệ phí, bao gồm: Trẻ em, hộ nghèo; Người cao tuổi; Người khuyết tật; Người có công với Cách mạng; Đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và một số đối tượng đặc biệt theo quy định của pháp luật…

Luật nghiêm cấm các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức, cá nhân tự đặt và thu các loại phí, lệ phí; thu, nộp, quản lý và sử dụng khoản thu phí, lệ phí trái với quy định của pháp luật. Đồng thời, phải niêm yết công khai tại địa điểm thu và trên trang thông tin điện tử về tên phí, lệ phí, mức thu, phương thức thu, đối tượng nộp, miễn, giảm phí, lệ phí…

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2017.

Tổ chức dạy thêm, học thêm không còn là ngành nghề KD có điều kiện

Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư số 03/2016/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 quy định số lượng ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là 243 ngành, nghề, thay vì 267 ngành, nghề như trước đây.

Như vậy, Luật đã loại bỏ một số ngành, nghề khỏi danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó có: Dịch vụ tổ chức dạy thêm, học thêm; Kinh doanh dịch vụ của đại lý đấu thầu; Sản xuất phim; Nhập khẩu hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành của Ngân hàng Nhà nước (cửa kho tiền); Kinh doanh dịch vụ tổ chức lễ hội…

Đồng thời, Luật bổ sung 02 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện mới là: Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô và Kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị. Quy định này sẽ được áp dụng từ ngày 01/07/2017.

Luật này còn bổ sung hoạt động kinh doanh pháo nổ vào danh mục các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Ngân sách Nhà nước phải được công khai, giám sát

Luật Ngân sách Nhà nước số 83/2015/QH13 của Quốc hội sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2017;  trong đó quy định cụ thể về việc công khai, giám sát ngân sách Nhà nước.

Theo đó, dự toán ngân sách Nhà nước trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân; dự toán ngân sách Nhà nước đã được cấp có thẩm quyền quyết định; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước; các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách Nhà nước… phải được công khai theo một trong các hình thức như: Công bố tại kỳ họp; niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát hành ấn phẩm; thông báo bằng các văn bản đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; đưa lên trang thông tin điện tử; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Về giám sát ngân sách Nhà nước, Luật quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đại diện cho cộng đồng chủ trì tổ chức việc giám sát ngân sách Nhà nước. Nội dung giám sát bao gồm: Việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước; Tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm và việc thực hiện công khai ngân sách Nhà nước theo quy định.

Cũng theo Luật này, mức dư nợ vay của Hà Nội và TP.HCM không được vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Đối với các địa phương còn lại, mức dư nợ vay tối đa bằng 30% hoặc 20%.

Cấp Chứng chỉ kế toán viên thay cho Chứng chỉ hành nghề kế toán

Theo Luật Kế toán số 88/2015/QH13 của Quốc hội, từ năm 2017, sẽ cấp Chứng chỉ kế toán viên thay cho Chứng chỉ hành nghề kế toán; Chứng chỉ hành nghề cấp trước 2017 vẫn có giá trị.

Một nội dung đáng chú ý khác là quy định thay đổi điều kiện đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán. Theo đó, người đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, ngoài việc phải có Chứng chỉ kế toán viên hoặc Chứng chỉ kiểm toán viên; có năng lực hành vi dân sự; tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức theo quy định, còn phải có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán từ 36 tháng trở lên kể từ thời điểm tốt nghiệp đại học.

Ngoài ra, Luật đã bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kế toán, như: Thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ kế toán viên, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán dưới mọi hình thức; Lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên hoặc cung cấp, công bố các báo cáo tài chính có số liệu không đồng nhất trong cùng một kỳ kế toán; Kinh doanh dịch vụ kế toán khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; Kế toán viên và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán thông đồng, móc nối với khách hàng để cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật…

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2017.

Báo chí không được quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa

Rất nhiều nội dung mới, đáng chú ý được thể hiện tại Luật Báo chí số 103/2016/QH13 của Quốc hội, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017.

Trước tiên, Luật này nghiêm cấm báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án; Tiết lộ thông tin thuộc bí mật đời tư của cá nhân, bí mật Nhà nước và các bí mật khác theo quy định; Thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em; Thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội…

Người được cấp thẻ nhà báo là người có thời gian công tác liên tục tại cơ quan báo chí đề nghị cấp thẻ từ 02 năm trở lên, tính đến thời điểm xét cấp thẻ; trong khi trước đây phải có thời gian công tác từ 03 năm trở lên. Thẻ nhà báo được Luật quy định có thời hạn 05 năm.

Với báo điện tử - loại hình báo chí đang phát triển rất mạnh mẽ hiện nay, Luật cũng có một số yêu cầu riêng, trong đó cơ quan báo điện tử phải thực hiện chế độ lưu trữ nguyên vẹn nội dung thông tin đăng, phát trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đăng, phát để phục vụ công tác kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước. Đồng thời, phải có ít nhất một tên miền “.vn” đã đăng ký phù hợp với tên báo chí và sử dụng hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam.

Cấm bán lẻ thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc

Tại Luật Dược số 105/2016/QH13, Quốc hội đã có những quy định nhằm siết chặt quản lý về kinh doanh thuốc, trong đó nổi bật là quy định nghiêm cấm bán lẻ thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc; Bán lẻ vắc xin; Bán thuốc cao hơn giá kê khai, giá niêm yết; Lợi dụng việc kê đơn thuốc để trục lợi; Sản xuất, pha chế, bán thuốc cổ truyền có kết hợp với dược chất khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền…

Cơ sở bán lẻ là nhà thuốc phải niêm yết giá bán lẻ bằng đồng Việt Nam tại nơi giao dịch hoặc nơi bán thuốc để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng; ghi rõ tên thuốc, hàm lượng, hạn dùng cho người sử dụng trong trường hợp bán lẻ thuốc không đựng trong bao bì ngoài của thuốc; trường hợp không có đơn thuốc đi kèm, phải ghi thêm liều dùng, số lần dùng và cách dùng.

Riêng với thuốc cổ truyền, Luật quy định lưu hành thuốc cổ truyền phải thực hiện thủ tục cấp Giấy đăng ký lưu hành; thuốc cân (bốc) theo bài thuốc, đơn thuốc được chế biến, bào chế trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phải đăng ký lưu hành.

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2017.

Tiết lộ thông tin cá nhân của trẻ từ 7 tuổi phải được trẻ đồng ý

Từ ngày 01/06/2017, Luật Trẻ em số 102/2016/QH13  của Quốc hội có hiệu lực; theo đó, nhiều quy định mới nhằm bảo vệ quyền lợi của trẻ em sẽ chính thức được áp dụng.

Cụ thể, Luật nghiêm cấm hành vi: Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ; Cung cấp dịch vụ Internet, sản xuất, kinh doanh xuất bản phẩm, đồ chơi, trò chơi phục vụ trẻ em nhưng có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ; Không cung cấp hoặc che giấu thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực; Lấn chiếm, sử dụng cơ sở hạ tầng dành cho việc học tập, vui chơi, giải trí của trẻ em trái với quy định của pháp luật; Bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em…

Luật cũng mở rộng các quyền của trẻ em từ 10 lên 25 quyền, nổi bật như: Quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển; Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín; Được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục…

Trên môi trường mạng, cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên môi trường mạng phải có các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em; cha mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em phải có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em tự biết bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng.

Bỏ quy định về hộ chiếu thuyền viên

Đây là nội dung mới đáng chú ý tại Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 của Quốc hội, có hiệu lực từ ngày 01/07/2017. Cụ thể, Bộ luật này đã bỏ quy định thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế phải có hộ chiếu thuyền viên để xuất cảnh hoặc nhập cảnh; thay vào đó, thuyền viên chỉ cần có hộ chiếu phổ thông.

Đồng thời, Bộ luật cũng đã rút gọn các trường hợp tạm giữ tàu biển, chỉ còn 03 trường hợp, gồm: Đang trong quá trình điều tra tai nạn hàng hải mà việc tạm giữ là cần thiết để phục vụ công tác điều tra; Chưa nộp đủ tiền phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; Có hành vi vi phạm pháp luật thuộc trường hợp bị tạm giữ phương tiện theo quy định của pháp luật; trong khi trước đây, tàu biểu còn có thể bị tạm giữ trong trường hợp không có đủ các điều kiện về an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường; hoặc chưa thanh toán xong các khoản phí, lệ phí hàng hải.

Thời hạn bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải cũng là một nội dung mới được quy định trong Bộ luật này. Theo đó, thời hạn bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải tối đa là 30 ngày.

Tăng tiền đặt cọc đấu giá lên tối đa 20%

Có hiệu lực từ ngày 01/07/2017, Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 của Quốc hội quy định người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước từ 5% - 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá, thay cho mức từ 1% - 15% trước đây.

Cũng từ ngày 01/07/2017, luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, quản tài viên và trọng tài viên đã có thời gian hành nghề từ 2 năm trở lên sẽ được miễn đào tạo nghề đấu giá tài sản.

Bên cạnh đó, Luật còn rút ngắn thời gian niêm yết thông báo việc đấu giá bất động sản. Cụ thể, tổ chức đấu giá phải niêm yết việc đấu giá tài sản là bất động sản tại trụ sở của tổ chức mình, nơi tổ chức cuộc đấu giá và UBND cấp xã nơi có bất động sản đấu giá ít nhất là 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá; thay vì 30 ngày như quy định trước đây. Thời gian niêm yết thông báo việc đấu giá động sản vẫn được giữ nguyên như quy định cũ, là 7 ngày trước khi tiến hành đấu giá.

Đặc biệt, Luật yêu cầu đến hết tháng 07/2019, doanh nghiệp đấu giá tài sản thành lập trước ngày 01/07/2017 phải thực hiện đăng ký hoạt động với Sở Tư pháp.

Định mức phân bổ ngân sách Nhà nước năm 2017

Theo Nghị quyết số 266/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2017, sẽ phân bổ 55 triệu đồng/biên chế cho khối cơ quan TANDTC, VKSNDTC, cơ quan thi hành án dân sự, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ; với khối các Bộ, cơ quan Trung ương khác, định mức phân bổ tùy theo bậc biên chế, dao động từ 45 triệu - 54 triệu đồng/biên chế/năm tùy theo số lượng biên chế.

Với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, định mức phân bổ chi sự nghiệp giáo dục cho người trong độ tuổi đến trường từ 1 - 18 tuổi dao động từ hơn 2 triệu đồng/người/năm đến hơn 5 triệu đồng/người/năm; định mức phân bổ chi sự nghiệp đào tạo và dạy nghề được quy định từ hơn 90.000 đồng/người/năm - hơn 200.000 đồng/người/năm; định mức phân bổ chi sự nghiệp y tế từ hơn 180.000 đồng/người/năm - gần 500.000 đồng/người/năm tùy từng vùng; trong đó mức phân bổ chi cho vùng đô thị, đồng bằng thấp hơn mức chi cho miền núi, vùng cao - hải đảo…

Về định mức phân bổ chi hoạt động kinh tế, Nghị quyết quy định mức phân bổ chung bằng 10% chi thường xuyên các lĩnh vực nêu trên; riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được phân bổ tăng thêm 70% để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng về giao thông đô thị.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017 và thời kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2020 theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Miễn thuế toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đến hết năm 2020

Theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, từ năm 2017 đến hết 2020, sẽ miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp thay vì chỉ miễn đối với diện tích đất trong hạn mức giao đất nông nghiệp.

Đối với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang quản lý nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp thì thực hiện thu hồi đất theo quy định của Luật Đấu thầu; trong thời gian Nhà nước chưa thu hồi thì phải nộp 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Đặc biệt, Nghị quyết điều chỉnh thời hạn miễn thuế từ ngày 01/01/2011 đến hết ngày 31/12/2020 sang từ ngày 01/01/2017 đến hết ngày 31/12/2020.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 01/01/2017.

Từ 2/2017, thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài

Việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đã được Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm trong 02 năm, từ ngày 01/02/2017 đến ngày 01/02/2019. Thị thực điện tử có giá trị nhập cảnh 01 lần với thời hạn không quá 30 ngày; người đề nghị cấp thị thực điện tử phải nộp phí cấp thị thực qua tài khoản ngân hàng; trường hợp không được cấp, phí cấp thị thực không được hoàn trả lại.

Để được thí điểm cấp thị thực điện tử, người nước ngoài phải là công dân của nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ; không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam. Ngoài ra, người nước ngoài được cấp thị thực điện tử còn phải có hộ chiếu và không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Trên đây là nội dung của Nghị quyết số 30/2016/QH14, có hiệu lực từ ngày 01/02/2017.


Khách hàng của LuatVietnam có thể xem thêm Danh sách luật có hiệu lực trong năm 2017
tại đây.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục