Thù lao giáo viên dạy nghề sơ cấp tối đa 02 triệu đồng/người/buổi
Đây là nội dung được sửa đổi tại Thông tư 40/2019/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 28/6/2019.
Theo đó, mức thù lao cho giáo viên dạy nghề sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng được quy định cụ thể như sau:
- Giáo viên cơ hữu đang làm việc tại các cơ sở đào tạo của Nhà nước áp dụng mức tiền lương, phụ cấp theo lương của giảng viên, giáo viên hiện nay;
- Người dạy không phải giáo viên cơ hữu thì được trả thù lao tối đa không quá 02 triệu đồng/người/buổi.
- Giáo viên, người dạy nghề, cán bộ quản lý đạo tạo thường xuyên xuống thôn, bản, phum, sóc có điều kiện đặc biệt khó khăn từ 15 ngày trở lên trong tháng thì được hưởng phụ cấp lưu động là 298.000 đồng…
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2019.
Nguồn kinh phí để tăng lương năm 2019 tại các đơn vị sự nghiệp
Để thực hiện việc tăng lương cơ sở lên 1,49 triệu đồng/tháng trong năm 2019 cho các đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn kinh phí được xác định theo quy định tại Thông tư 46/2019/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 23/7/2019 như sau:
- Nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2018 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2019 (nếu có);
- Tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2019 (phần còn lại sau khi đã sử dụng để thực hiện đến mức lương cơ sở 1,39 triệu đồng/tháng);
- Với số thu từ dịch vụ khám chữa bệnh, y tế dự phòng… của cơ sở y tế công lập thì sử dụng tối thiểu 35%;
- Nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2019 tăng thêm so với năm 2018 được cấp có thẩm quyền giao…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 06/9/2019.
Mức trợ cấp cao nhất cho quân nhân xuất ngũ là 2,235 đồng/tháng
Ngày 24/7/2019, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 106/2019/TT-BQP hướng dẫn điều chỉnh trợ cấp hàng tháng với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
Theo đó, cùng với việc tăng mức lương cơ sở thì mức trợ cấp hàng tháng cho quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc từ ngày 01/7/2019 như sau:
- Từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm: 1,891 triệu đồng/tháng.
- Từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm: 1,977 triệu đồng/tháng.
- Từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm: 2,064 triệu đồng/tháng.
- Từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm: 2,150 triệu đồng/tháng.
- Từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm: 2,235 triệu đồng/tháng.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 08/9/2019.
Tổng hợp 05 chính sách tiền lương có hiệu lực từ 01/9/2019 (Ảnh minh họa)
Công chức ngạch Văn thư có hệ số lương cao nhất là 6,78
Có 03 đối tượng công chức văn thư được hướng dẫn xếp lương theo quy định tại Thông tư 10/2019/TT-BNV:
- Ngạch văn thư chính (mã số 02.006) áp dụng bảng lương công chức loại A2 (nhóm 1);
- Ngạch văn thư (mã số 02.007) áp dụng bảng lương công chức loại Al;
- Ngạch văn thư trung cấp (mã số 02.008) áp dụng bảng lương công chức loại B.
Trong đó, mức lương cao nhất là hơn 10 triệu đồng/tháng với hệ số 6,78; thấp nhất là hơn 2,7 triệu đồng/tháng với hệ số 1,86…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/9/2019.
Lương giáo viên giáo dục nghề nghiệp cao nhất 11,92 triệu đồng
Đây là điểm nổi bật nêu tại Thông tư 12/2019/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chuyển xếp lương viên chức ngành giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, sẽ căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ, năng lực và chuyên môn nghiệp vụ đang đảm nhận để bổ nhiệm và xếp lương cho đối tượng viên chức giáo dục nghề nghiệp. Một số mức lương cụ thể của đối tượng này như sau:
- Giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp có mức lương cao nhất là 11,92 triệu đồng/tháng;
- Giảng viên giáo dục nghề nghiệp chính có mức lương cao nhất là 10,1022 triệu đồng/tháng;
- Giảng viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết có mức lương cao nhất là 7,4202 triệu đồng/tháng…
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 26/9/2019.
>> Video: Tin vui về mức lương của cán bộ, công chức từ năm 2020
Nguyễn Hương