Theo Bộ Tài chính, trong quá trình xây dựng biểu thuế này, các ý kiến đề xuất chủ yếu tập trung vào 2 phương án: Đó là xây dựng mức thuế suất theo từng loại linh kiện, phụ tùng, không phân biệt theo chủng loại xe và xây dựng mức thuế suất phân biệt đối với các loại linh kiện, phụ tùng theo chủng loại xe. Bộ cho rằng thuế suất cho linh kiện, phụ tùng phải nhằm khuyến khích sản xuất trong nước, khắc phục tình trạng lợi dụng chính sách bảo hộ của Nhà nước để thu lợi cao, người tiêu dùng bị thiệt thòi nhưng mục tiêu nội địa hóa vẫn không đạt được.
Cụ thể, theo công văn, Bộ Tài chính đề nghị mức thuế suất bảo hộ hợp lý không vượt quá 30%. Đối với những linh kiện, phụ tùng trong nước không sản xuất được hoặc sản xuất nhưng chưa có lợi thế thì quy định mức thuế suất thấp hơn để giảm chi phí đầu vào.
Đối với loại xe chở người đến 16 chỗ, mức thuế suất bình quân theo dự kiến thấp hơn mức thuế suất của bộ linh kiện CKD (20% so với 25%), một số linh kiện theo dự kiến sẽ có mức thuế suất cao hơn (30%) là thân, khung xe, cụm nội thất, săm lốp, ắc quy... Đây là những phụ tùng trong nước có khả năng sản xuất, do đó sẽ định hướng cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất hoặc sử dụng hàng sản xuất trong nước một cách có lựa chọn thay vì nhập khẩu cả bộ linh kiện như trước đây.
Đối với loại xe tải và xe buýt, dự kiến sẽ có mức thuế suất cao hơn mức thuế suất CKD hiện hành (3 - 10%) để khuyến khích sản xuất trong nước. Cụ thể: Mức thuế suất bình quân gia quyền của các linh kiện của xe chở người từ 16 chỗ trở lên và xe tải dưới 5 tấn khoảng 16 - 17%. Nếu tính theo từng linh kiện rời của phụ tùng nguyên chiếc là 13 - 14%, cao hơn so với mức thuế suất CKD hiện hành là 10 - 15%; Dự kiến mức thuế suất thấp (5%) đối với phụ tùng của các loại xe tải trên 10 tấn. Các loại phụ tùng khác như thân xe, hệ thống phanh, điện... trong nước có khả năng sản xuất sẽ dự kiến quy định mức thuế tương đương loại xe dưới 5 tấn (10 - 30%).
(Theo Hà Nội Mới)