Thủ tướng yêu cầu trình đề án xử lý nợ xấu ngân hàng

Theo Quyết định Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành, trong tháng 6 này, Ngân hàng Nhà nước phải trình Thủ tướng Đề án tăng cường năng lực tài chính, tập trung vào vấn đề nợ xấu, của các ngân hàng thương mại.

Quyết định nêu rõ, trước ngày 30/6/2006, Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp với các bộ ngành liên quan hoàn thiện Đề án tăng cường năng lực tài chính các ngân hàng thương mại để trình lên Thủ tướng phê duyệt.

Nội dung chính của đề án này tập trung vào các vấn đề tăng vốn tự có, xử lý các tồn đọng tài chính, chủ yếu là nợ xấu, của các ngân hàng thương mại theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế về kế toán, phân loại nợ và lộ trình cổ phần hoá các ngân hàng thương mại nhà nước.

 

Hiện nội dung của Đề án chưa được công bố chi tiết. Tuy nhiên, theo hướng phát triển từ nay đến năm 2010, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu chung là chốt tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ đến năm 2010 dưới 5%. Tỷ lệ này được xác định theo tiêu chuẩn phân loại nợ của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế.

 

Về thực trạng nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam hiện nay, đặc biệt là trong khối ngân hàng thương mại quốc doanh vẫn còn nhiều đánh giá khác nhau.

 

Theo Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về phân loại nợ xấu (trừ Ngân hàng Chính sách Xã hội), thì tỷ lệ nợ xấu của phần lớn các ngân hàng Việt Nam hiện ở những mức không quá lo ngại.

 

Trong khối quốc doanh, "lý tưởng" nhất vẫn là Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) với tỷ lệ khoảng 3%; kế đến là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Công thương (Incombank) khoảng từ 5 - 6%; và cao nhất là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), với con số được nhắc tới trong thời gian gần đây là 9%.

 

Trong khi đó, khối ngân hàng thương mại cổ phần lại có một tỷ lệ khá thấp, phần lớn đều dưới mức 1%. Cá biệt là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), một ngân hàng vừa thoát khỏi sự kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Nhưng Eximbank đang được đánh giá là có một sự trở lại khá ấn tượng và tỷ lệ này dự báo sẽ được giảm đáng kể ngay trong năm nay.

 

Đáng chú ý là trong khối ngân hàng cổ phần, tiến triển xử lý nợ xấu được đánh giá cao hơn khi có "làn sóng" đầu tư nước ngoài đang đổ vào.

 

Trong đề án tăng cường năng lực tài chính các ngân hàng, vấn đề xử lý nợ xấu được đặt bên cạnh lộ trình cổ phần hóa các ngân hàng thương mại quốc doanh. Sự gắn bó này sẽ hứa hẹn một sự cải thiện tình trạng nợ xấu nhanh chóng hơn trong tương lai.

 

Một khía cạnh khác cũng cần chú ý, từng được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy đề cập, là "nợ xấu không có nghĩa là không đòi được".

 

Liên quan đến tăng cường năng lực tài chính các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu chung là đạt được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% trong trung hạn (có thể trong năm 2006) và 10% trong dài hạn (đến năm 2010).

 

(Theo HNM)

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Điểm tin VBPL tuần từ 15/11 - 21/11/2024

LuatVietnam gửi đến quý độc giả điểm tin VBPL tuần từ 15/11 - 21/11/2024 với các nội dung nổi bật liên quan đến Luật Hành chính, Luật Ngân hàng, Luật Dân sự.