Tại Công văn 393/TTg-PL, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về xử lý các văn bản pháp luật (VBPL) liên quan đến sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Cụ thể:
(1) Văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung để có hiệu lực đồng thời với Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp
- Đối với văn bản thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
Các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo cần rà soát và xác định những nội dung cần sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội.
Các bộ, cơ quan ngang bộ cần khẩn trương soạn thảo các văn bản chưa có trong chương trình lập pháp năm 2025, trình Chính phủ xem xét và trình Quốc hội.
Rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản không thuộc các trường hợp trên để thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
- Đối với văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ:
Các cơ quan chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản theo thẩm quyền, đặc biệt là các quy định về phân định thẩm quyền giữa cơ quan trung ương và địa phương.
(2) Văn bản chưa thể sửa đổi, bổ sung để có hiệu lực đồng thời với Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp
- Xử lý trong dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi):
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu quy định chuyển tiếp trong dự án Luật này.
Các nội dung chưa xử lý được trong Luật này sẽ được áp dụng theo Nghị quyết số 190/2025/QH15.
- Các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát văn bản đã ban hành: Đề xuất phương án phân định thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý ngành, lĩnh vực khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
(3) Văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp ban hành
Các cấp Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cần rà soát và thực hiện xử lý các văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành, bảo đảm phù hợp với phương án tổ chức chính quyền địa phương hai cấp và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên.
- Đối với các văn bản chi tiết, hướng dẫn thi hành: Rà soát và đề xuất sửa đổi bổ sung sau khi các văn bản cấp trên được ban hành.
- Phân định thẩm quyền: Đảm bảo phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và thủ tục hành chính từ cấp huyện xuống cấp xã hoặc lên cấp tỉnh.
(4) Nghiên cứu và ban hành Nghị quyết đặc thù cho các địa phương
Các địa phương nghiên cứu ban hành Nghị quyết để quy định biện pháp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xử lý các vấn đề phát sinh từ việc tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.