1. Hiện nay, dịch cúm gia cầm đang xuất hiện trở lại, có chiều hướng lây lan rất nhanh ở nhiều địa phương, nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và trong thời gian ngắn đã có một số bệnh nhân cúm bị tử vong do nhiễm vi rút cúm A (H5N1). Tình hình này là nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến chăn nuôi gia cầm và sức khỏe của nhân dân.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất, hàng đầu của mình, tập trung chỉ đạo, huy động mọi lực lượng, thực hiện các biện pháp quyết liệt nhất cho công tác kiểm soát, ngăn chặn và dập tắt dịch; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội tổ chức tốt việc tuyên truyền về nguy hại của dịch bệnh, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội và sức khỏe của cộng đồng để mọi người dân tự giác, bình tĩnh và tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Y tế và các Bộ, ngành có liên quan chỉ đạo thực hiện ngay các biện pháp khẩn cấp sau:
a) Khi trong đàn có gia cầm bị chết do nhiễm bệnh hoặc phát hiện có gia cầm bị nhiễm bệnh thì phải tiêu hủy cả đàn theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. áp dụng các biện pháp bao vây, tiêu độc khử trùng ổ dịch và vùng bị uy hiếp theo quy định của pháp luật về thú y.
b) Chỉ đạo cơ quan thú y, lực lượng công an, thanh tra giao thông, quản lý thị trường và chính quyền các cấp thực hiện các biện pháp nghiêm cấm vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra, vào ổ dịch, vùng dịch theo quy định của pháp luật về thú y. Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp ở địa phương phải chỉ đạo kiên quyết và chịu trách nhiệm kiểm tra việc cấm vận chuyển gia cầm ra, vào ổ dịch, vùng dịch (cấp thôn, ấp, xã, huyện, tỉnh).
Kiểm soát chặt chẽ vệ sinh thú y đối với việc giết mổ, chế biến và vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm đối với vùng chưa có dịch.
c) Tạm dừng nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm từ các nước láng giềng. Tịch thu và tiêu hủy gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; chủ hàng không được bồi thường số gia cầm, sản phẩm gia cầm bị tịch thu và phải chịu chi phí cho việc tiêu hủy.
d) Kinh phí hỗ trợ phòng chống dịch và hỗ trợ người sản xuất có gia cầm bị tiêu hủy, trước mắt thực hiện theo Quyết định số 396/QĐ-TTg ngày 20-4-2004 của Thủ tướng Chính phủ và chính sách cụ thể của từng địa phương.
3) Bộ Y tế sớm triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện khẩn số 61/TTg-NN ngày 14-1-2005; rà soát lại và bổ sung kịp thời hệ thống trang thiết bị cấp cứu ở các tuyến điều trị, để cấp cứu tại chỗ cho bệnh nhân bị nhiễm bệnh. Chủ động phòng chống, không để xảy ra dịch trên diện rộng.
(Theo Hà Nội Mới)