Theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị (gọi tắt là NĐĐ) phải đề ra các biện pháp, tổ chức thực hiện các quy định về TKCLP tại Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời phải chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc liên đới khi cơ quan, tổ chức, đơn vị mình phụ trách vi phạm các quy định về TKCLP. Đây là một điểm mới phù hợp trong việc thực thi các điều luật cũng như quy định TKCLP của Nhà nước ban hành.
Trong Chương II (từ Điều 5 đến Điều 15), Nghị định 103/2007/NĐ-CP quy định rất rõ ràng về trách nhiệm của NĐĐ trong việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các biện pháp TKCLP. NĐĐ có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện các quy định công khai việc sử dụng ngân sách Nhà nước và các nguồn tài chính được giao cho đơn vị mình; công khai việc mua sắm trang thiết bị, phương tiện, nhà công vụ... để làm cơ sở cho các cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát các quy định về TKCLP.
Một vấn đề nổi cộm hiện nay là trách nhiệm trong quản lý đầu tư xây dựng các dự án sử dụng tiền, tài sản, ngân sách Nhà nước, NĐĐ phải thật cẩn trọng khi quản lý, phê duyệt, triển khai dự án đầu tư đúng quy trình, quy chế quản lý đầu tư hiện hành của Nhà nước. Trong phạm vi quản lý của mình, NĐĐ có trách nhiệm kiểm tra, rà soát diện tích đất đai, trụ sở làm việc để bố trí, sử dụng hợp lý, đúng chế độ, đúng tiêu chuẩn quy định. Nghiêm cấm việc sử dụng sai mục đích nhà công vụ cũng như đất đai Nhà nước giao cho đơn vị mình phụ trách.
Nghị định 103/2007/NĐ-CP nêu rõ các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về TKCLP, người vi phạm lần đầu sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với hành vi phải bồi thường thiệt hại đến 5 triệu đồng/lần. Người vi phạm sẽ bị kỷ luật thôi việc khi tái phạm, gây hậu quả lớn và có hành vi vi phạm phải bồi thường thiệt hại từ 50 triệu đồng trở lên/lần xét bồi thường.
Để chống lãng phí, căn bệnh trầm kha của xã hội hiện đại, tiếp theo Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí (có hiệu lực từ ngày 1/6/2006), Nghị định 103/2007/NĐ-CP một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng trong quản lý cũng như tổ chức thực hiện của thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Trách nhiệm của NĐĐ khi đã được quy định rõ ràng sẽ chấn chỉnh lại cả phong cách làm việc, trình độ quản lý và tạo điều kiện tốt hơn cho việc chống lãng phí tại cơ quan hành chính Nhà nước.
. (Luật Việt Nam)