Quốc hội chính thức thông qua Luật Căn cước, áp dụng từ 01/7/2024

Quốc hội thông qua Luật Căn cước để thay thế cho Luật Căn cước công dân (CCCD), đồng thời thẻ CCCD sẽ có tên gọi mới là thẻ Căn cước.

Sáng 27/11/2023, Quốc hội bấm nút đối với dự án Luật Căn cước. Với 87,25% đại biểu tán thành, Luật Căn cước chính thức được thông qua, thay thế cho Luật CCCD năm 2014.

Luật Căn cước có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

Quốc hội thông qua Luật Căn cước, đổi tên CCCD thành thẻ Căn cước
Quốc hội thông qua Luật Căn cước, đổi tên CCCD thành thẻ Căn cước (Ảnh minh họa)

Không chỉ tên gọi, một số thông tin thể hiện trên mặt thẻ căn cước cũng được đổi mới so với thẻ CCCD.

Trong đó, dòng chữ "CĂN CƯỚC CÔNG DÂN" đổi thành "CĂN CƯỚC", "quê quán" đổi thành "nơi đăng ký khai sinh", "nơi thường trú" đổi thành "nơi cư trú".

Ngoài ra, thẻ căn cước sẽ không còn thể hiện dấu vân tay (ngón trỏ trái và ngón trỏ phải), chữ ký của người cấp thẻ đổi từ Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an thành "Nơi cấp: Bộ Công an".

Quá trình thảo luận về dự án Luật Căn cước, một số đại biểu cho rằng thời gian qua đã có nhiều thay đổi về hình thức, nội dung và tên gọi của thẻ căn cước, vì vậy đề nghị không đổi tên luật và tên thẻ.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật, vừa phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số.

Việc đổi tên thành thẻ căn cước cũng giúp công tác quản lý nhà nước khoa học hơn, phục vụ công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia các hoạt động xã hội, giao dịch về hành chính, dân sự.

"Nội dung này Đảng Đoàn Quốc hội đã xin ý kiến Bộ Chính trị và được Bộ Chính trị đồng thuận, thống nhất cao về việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước, thẻ căn cước như Chính phủ trình", Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông tin.

Theo Tiền phong

Nếu có thắc mắc, bạn đọc liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục