Nghị quyết nêu rõ: Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính.
Đối với thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu ở các cấp bộ, tỉnh, huyện, xã; người có thẩm quyền giải quyết phải thụ lý giải quyết trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 10 ngày, đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết. Tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết không quá 15 ngày, đối với những vụ việc phức tạp thì hời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 20 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết.
Trong nhóm thủ tục giải quyết khiếu nại lần 2 tại các cấp bộ, tỉnh và cấp huyện; thời hạn giải quyết không quá 30 ngày, đối với những vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, đối với những vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết.
Chính phủ cũng yêu cầu phải quy định rõ hơn về trình tự giải quyết trong đó đáng chú ý là: Quy định tổ chức gặp gỡ, đối thoại là một trình tự bắt buộc của thủ tục giải quyết khiếu nại; mở rộng vai trò của luật sư trong quá trình giải quyết khiếu nại thông qua việc ghi nhận luật sư có quyền thực hiện các quyền của người khiếu nại khi được ủy quyền; trong trường hợp cần thiết, người giải quyết khiếu nại phải thành lập Hội đồng tư vấn để tham khảo ý kiến trước khi ra quyết định giải quyết…
- LuậtViệtnam