Cách tính thời gian thực tế làm việc tại vùng đặc biệt khó khăn

Thời gian công tác tại vùng đặc biệt khó khăn là tổng thời gian làm việc có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại Nghị định 76/2019 do Chính phủ ban hành ngày 08/10/2019.


Cách tính thời gian thực tế làm việc tại vùng đặc biệt khó khăn (Ảnh minh họa)

Theo đó, khi làm việc ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ được hưởng các phụ cấp, trợ cấp khác nhau. Trong đó, căn cứ để tính mức hưởng và điều kiện được hưởng dựa vào thời gian thực tế làm việc tại đây. Theo Nghị định 76, thời gian này được tính theo 02 cách:

Tính theo năm:

- Dưới 03 tháng thì không tính;

- Từ đủ 03 tháng đến đủ 06 tháng thì được tính bằng 1/2 năm công tác;

- Trên 06 tháng thì được tính bằng 01 năm công tác;

Tính theo tháng:

- Có thời gian làm việc trong tháng từ 50% trở lên được tính là cả tháng;

- Có thời gian làm việc trong tháng từ 50% trở xuống thì không tính;

Riêng với nhà giáo: Nếu có từ 50% định mức giờ giảng trong tháng trở lên thì được tính cả tháng. Trong đó, thời gian nghỉ hè được hưởng lương được tính phụ cấp thu hút và phụ cấp ưu đãi theo nghề.

Đặc biệt: 04 thời điểm sau sẽ không được tính vào thời gian làm việc thực tế tại vùng đặc biệt khó khăn:

- Thời gian đi công tác, làm việc, học tập không ở đây từ 01 tháng trở lên;

- Thời gian nghỉ việc không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;

- Thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định;

- Thời gian bị tạm đình chỉ công tác, bị tạm giữ, tạm giam.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/12/2019.


Nguyễn Hương
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục