(LuatVietnam) Đó là hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Thông tư số 39/2009/TT-BLĐTBXH ngày 18/11/2009. Theo Thông tư này, tiền trợ cấp mất việc làm bằng số năm được tính hưởng trợ cấp mất việc làm nhân với tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp mất việc làm và nhân với 01. Trong đó, số năm được tính hưởng trợ cấp mất việc làm được xác định là tổng thời gian người lao động làm việc liên tục cho người sử dụng lao động đó được tính từ khi bắt đầu làm việc đến khi người lao động bị mất việc làm, trừ đi thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 41 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ. Trường hợp tổng thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng lao động có tháng lẻ (kể cả trường hợp người lao động có thời gian làm việc cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên nhưng tổng thời gian làm việc tính trợ cấp mất việc làm dưới 12 tháng) thì được làm tròn như sau: dưới 01 tháng không được tính để hưởng trợ cấp mất việc làm; từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được làm tròn thành 06 tháng làm việc để hưởng trợ cấp mất việc làm bằng ½ tháng lương; từ đủ 06 tháng trở lên được làm tròn thành một năm làm việc để hưởng trợ cấp mất việc làm bằng một tháng lương.Thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp không được tính hưởng trợ cấp mất việc làm. Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương, tiền công theo hợp đồng lao động, được tính bình quân của 06 tháng liền kề trước khi bị mất việc làm, bao gồm: tiền công hoặc tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ (nếu có). Mức trợ cấp mất việc làm thấp nhất bằng 02 tháng lương, trừ trường hợp thời gian để tính trợ cấp mất việc làm của người lao động làm dưới 01 tháng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký. Cách tính trợ cấp mất việc làm được áp dụng từ ngày 01/01/2009; không áp dụng cách tính trợ cấp mất việc làm quy định tại Thông tư này để tính lại trợ cấp mất việc làm đối với những trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động trước ngày 01/01/2009.