Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021.
Theo đó, mục tiêu tổng quát đặt ra tại Quyết định này là đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc địa giới hành chính, gắn với số hóa… nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số, nền kinh tế số, xã hội số…
Năm 2022, giảm thời gian chờ khi thực hiện giao dịch tại Một cửa (Ảnh minh họa)
Mục tiêu cụ thể đặt ra trong năm 2022 là giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp tại Bộ phận Một cửa xuống trung bình còn tối đa 30 phút/lần đến giao dịch.
Đến 2025, thời gian người dân, doanh nghiệp phải chờ đợi giảm xuống trung bình còn tối đa 15 phút/lượt giao dịch; thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ tối thiểu 30 phút/hồ sơ thông qua các biện pháp:
- Cắt giảm các thủ tục hoặc các bước kiểm tra, xác nhận thông tin khi đã có thông tin, dữ liệu trong các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ công;
- Đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ phải nộp và tiếp nhận trên cơ sở tái sử dụng các hồ sơ, giấy tờ đã được số hóa trong các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ công.
Đồng thời, tối thiểu 30% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công thủ tục hành chính trước đó. Đến năm 2023-2025, mục tiêu này tăng lên 80%.
Đặc biệt, đến năm 2025, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân với chất lượng cung cấp dịch vụ công đạt tối thiểu 95%.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 27/3/2021.