Thêm nhiều trường hợp phải viết hoa trong văn bản từ 05/3/2020

Những trường hợp này được quy định chi tiết tại Nghị định số 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư do Chính phủ ban hành ngày 05/3/2020.


Thêm nhiều trường hợp phải viết hoa trong văn bản từ 05/3/2020
Thêm nhiều trường hợp phải viết hoa trong văn bản từ 05/3/2020 (Ảnh minh họa)


Cụ thể các trường hợp phải viết hoa như sau:

* Viết hoa vì phép đặt câu

Viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất của một câu hoàn chỉnh: Sau dấu chấm câu (.); sau dấu chấm hỏi (?); sau dấu chấm than (!) và khi xuống dòng.

Trước đây, theo Thông tư số 01/2011/TT-BNV thì phải viết hoa cả chữ cái đầu của âm tiết sau dấu chấm lửng (…); sau dấu hai chấm (:); sau dấu hai chấm trong ngoặc kép (: “…”) và sau dấu chấm phẩy (;); dấu phẩu (,) khi xuống dòng).

* Viết hoa danh từ riêng chỉ tên người

Không thay đổi so với trước đây:

- Tên người Việt Nam: Viết hoa chữ cái đầu tất cả các âm tiết của danh từ riêng chỉ tên người.

Ví dụ: Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú,...

- Tên người nước ngoài được phiên âm chuyển sang tiếng Việt: Viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất trong mỗi thành phần, trừ trường hợp phiên âm sang Hán - Việt (viết hoa theo quy tắc tên người Việt Nam).

Ví dụ: Vla-đi-mia I-lích Lê-nin, Phri-đrích Ăng-ghen,...

* Viết hoa tên địa lý

Bổ sung thêm trường hợp viết hoa đặc biệt: “Thành phố Hồ Chí Minh”.

Trước đây chỉ có “Thủ đô Hà Nội”.

* Viết hoa tên cơ quan, tổ chức

Không thay đổi so với trước đây:

- Tên cơ quan, tổ chức của Việt Nam: Viết hoa chữ cái đầu của các từ, cụm từ chỉ loại hình cơ quan, tổ chức; chức năng, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức.

Ví dụ: Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng, Văn phòng Chủ tịch nước…

Trường hợp viết hoa đặc biệt: Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn phòng Trung ương Đảng...

- Tên cơ quan, tổ chức nước ngoài:

+ Tên cơ quan, tổ chức nước ngoài đã dịch nghĩa: Viết hoa theo quy tắc viết tên cơ quan, tổ chức của Việt Nam.

Ví dụ: Liên hợp quốc (UN), Tổ chức Y tế thế giới (WHO)...

+ Tên cơ quan, tổ chức nước ngoài được sử dụng trong văn bản ở dạng viết tắt: Viết bằng chữ in hoa như nguyên ngữ hoặc chuyển tự La-tinh nếu nguyên ngữ không thuộc hệ La-tinh.

Ví dụ: WTO, UNDP, UNESCO, ASEAN...

* Viết hoa các trường hợp khác

- Bổ sung danh từ thuộc trường hợp đặc biệt: Nhân dân, Nhà nước.

Trước đây không có quy định này.

- Trường hợp viện dẫn phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của một văn bản cụ thể thì viết hoa chữ cái đầu của phần, chương, mục, tiểu mục, điều.

Ví dụ: Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 103 Mục 5 Chương XII Phần I của Bộ luật Hình sự.

Trước đây, nếu viện dẫn các điều, khoản, điểm của một văn bản cụ thể thì viết hoa chữ cái đầu của điều, khoản, điểm.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 05/3/2020.

>> Hướng dẫn thể thức và cách trình bày văn bản mới nhất

Thùy Linh

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục