Theo Công văn, từ cuối năm 2021, đặc biệt kể từ khi cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine xảy ra, thị trường xăng dầu thế giới có diễn biến phức tạp, nguồn cung khan hiếm, giá tăng cao.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 9/2022, giá xăng dầu có xu hướng giảm liên tục. Từ đầu tháng 10 đến nay, giá thành phẩm xăng dầu thế giới lại có xu hướng tăng do quyết định giảm sản lượng khai thác dầu của Opec+ và hiện tiếp tục có diễn biến phức tạp.Trong thời gian gần đây, thị trường xăng dầu trong nước có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa/tạm ngừng kinh doanh.
Ngoài nguyên nhân khách quan do nguồn cung xăng dầu trên thế giới khan hiếm, còn có nguyên nhân do chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh và một số doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng...
Nhiều doanh nghiệp đầu mối đã tiết giảm chi phí kinh doanh, trong đó có việc giảm mạnh chiết khấu bán hàng dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ thua lỗ.Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính kịp thời điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức…
Đối với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương đề nghị có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ; tạo điều kiện về thủ tục vay vốn, mua ngoại tệ để nhanh chóng mua xăng dầu nhằm kịp thời bổ sung nguồn cung cho thị trường trong nước.
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được tư vấn, giải đáp.