Ngân hàng thận trọng khi cho vay với địa bàn đang sốt đất

Ngân hàng Nhà nước vừa có Công văn số 3029/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu thực hiện nghiêm quản lý tín dụng với các lĩnh vực rủi ro cao như: đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng chứng khoán, bất động sản...

Sau khi giám sát tình hình hoạt động năm 2020 của các ngân hàng, Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước nhận thấy tín dụng các lĩnh vực rủi ro tăng (chứng khoán, bất động sản) so với cuối năm 2019, đi kèm nợ xấu tăng (nhất là cho vay tiêu dùng). Một số ngân hàng thương mại có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng lớn so với năm 2019, trong đó, mức tăng thêm tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện một số nội dung cụ thể:

- Đối với tín dụng bất động sản, các tổ chức tín dụng cần kiểm soát chặt chẽ mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, các dự án bất động sản có quy mô lớn; cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Tăng cường công tác thẩm định, thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro, thận trọng cấp tín dụng đối với các khoản tín dụng bất động sản tại các địa bàn đang sốt đất, các dự án tiềm ẩn mức độ rủi ro cao.


Ngân hàng phải kiểm soát chặt tín dụng khi sốt đất, chứng khoán (Ảnh minh họa)

- Đối với cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán, cần phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng của dư nợ tín dụng đầu tư kinh doanh chứng khoán để hạn chế rủi ro; tuân thủ các quy định về điều kiện, giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Về nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng và tích cực xử lý nợ xấu; thực hiện phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro về việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động. Bên cạnh đó, thực hiện quyết liệt các biện pháp để thu hồi nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, hạn chế tối đa tổn thất cho tổ chức tín dụng, bảo đảm lợi ích hợp pháp của Nhà nước và các cổ đông.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục