Đây là nội dung tại Nghị quyết 128/2020/QH14 ngày 12/11/2020 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021.
Cụ thể, tại Nghị quyết này đã nêu rõ, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về tạo nguồn cải cách tiền lương, trong đó:
- Thực hiện loại trừ một số khoản thu theo quy định tại khoản 7 Điều 3 của Nghị quyết 86/2019/QH14 như thu tiền thuê đất một lần được nhà đầu tư ứng trước để bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu từ xử lý tài sản công tại cơ quan… khi tính số tăng thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2020 và dự toán năm 2021 dành để cải cách tiền lương.
- Đồng thời, loại trừ thêm khoản thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
- Đối với những địa phương đã có cam kết đảm bảo nhu cầu cải cách tiền lương và chính sách an sinh xã hội đến hết năm 2020, trường hợp dự toán năm 2021 thiếu nguồn, sẽ được ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu để thực hiện chính sách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội theo các chế độ quy định.
Với các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, trường hợp xác định bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả lộ trình đến năm 2025, không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ, thì được phép báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sử dụng nguồn làm lương còn dư để đầu tư các dự án đầu tư phát triển.
Trước đó, tại Hội nghị Trung ương 13, Ban Chấp hành Trung ương đã tán thành với kiến nghị của Ban cán sự Đảng Chính phủ về thời điểm chính thức thực hiện chế độ tiền lương mới của cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể, thời điểm này sẽ được lùi đến 01/7/2022, thay vì năm 2021 như tinh thần của Nghị quyết 27.
Nghị quyết này được thông qua ngày 12/11/2020.